Thu hồi lại hồ Đầm Bài để đảm bảo an ninh nguồn nước

Sự cố ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước (NMN) Sông Đà vừa qua đã làm bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an toàn nguồn nước (ATNN) cung cấp cho người dân Hà Nội. Trước vấn đề này, tỉnh đã kiên quyết yêu cầu Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) trả lại hồ Đầm Bài cho tỉnh để đảm bảo ATNN.

Việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiên quyết thu hồi lại hồ Đầm Bài là để đảm bảo an ninh nguồn nước cung cấp cho người dân Hà Nội.

Kiên quyết thu hồi hồ Đầm Bài

Liên quan đến vấn đề này, ngày 22/10/2019, tại cuộc họp của UBND tỉnh xung quanh vấn đề quản lý, sử dụng nguồn nước của dự án "cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông”, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh nêu quan điểm: yêu cầu Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà có giải pháp đầu tư tuyến ống kín dẫn nước thô từ sông Đà về NMN Sông Đà. Không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ chứa trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện nay để giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã đề nghị: để đảm bảo ATNN đầu vào cho NMN Sông Đà, về lâu dài, Viwasupco phải xây dựng kênh dẫn nước kín dẫn nước thô từ sông Đà về nhà máy. Không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ sơ lắng, trung chuyển, dự trữ nước thô như hiện nay để giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước thô đầu vào cho nhà máy.

Tiếp đó, tại cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo Công ty Viwasupco ngày 25/10/2019, một lần nữa đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà sớm trả lại hồ Đầm Bài cho tỉnh quản lý. Không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ sơ lắng, dự trữ nước thô cung cấp cho NMN Sông Đà như hiện nay. Bởi, nếu cứ tiếp tục sử dụng nguồn nước từ hồ Đầm Bài cho nhà máy xử lý thì không thể đảm bảo hoàn toàn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nguồn nước. Nhất là khi đây là hồ thủy lợi có chức năng chính là đảm bảo tưới tiêu cho 645 ha đất sản xuất của khu vực xung quanh. Ngoài kênh dẫn nước từ sông Đà vào hồ do công ty đầu tư, xây dựng thì hồ Đầm Bài còn nhiều nguồn suối đổ vào. Xung quanh khu vực hồ có hàng nghìn hộ dân sinh sống. Do vậy, nguy cơ ô nhiễm, mất ATNN rất cao. Hơn nữa, với lưu vực rộng lớn lên tới 16,6 km2, dù địa phương có giao cho lực lượng an ninh bảo vệ 24/24h cũng không thể đảm bảo an toàn. "Sau sự cố ô nhiễm nguồn nước đầu vào của NMN Sông Đà, tỉnh đang đặt vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước lên hàng đầu. Do vậy, yêu cầu Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà phải khẩn trương xây dựng hệ thống kênh dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy. Trong khi chưa xây dựng cần phải có phương án thay thế để cấp nước thô cho nhà máy xử lý, kể cả việc thiết lập trạm bơm dã chiến bơm từ sông Đà vào thẳng nhà máy để đảm bảo ATNN đầu vào. Đồng thời với đó, công ty phải xác định thời hạn cụ thể trả lại hồ Đầm Bài về cho tỉnh” - đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Được biết, tháng 5/2019, Tỉnh ủy cũng đã có văn bản yêu cầu Viwasupco trả lại hồ Đầm Bài về cho tỉnh. Tuy nhiên, công ty vẫn phớt lờ yêu cầu trên. Trước đó, UBND tỉnh và các sở, ngành, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh nhiều lần có văn bản yêu cầu Viwasupco xây dựng, ký kết quy chế phối hợp trong việc bảo vệ, quản lý, sử dụng hồ Đầm Bài. Tuy nhiên, cho đến nay, Quy chế phối hợp giữa công ty với đại diện UBND tỉnh vẫn chưa được ký kết.

Thu hồi để đảm bảo an ninh nguồn nước

Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Nguyễn Khắc Long, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN&MT cho rằng: Việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu Viwasupco trả lại hồ Đầm Bài và xây dựng hệ thống kênh dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy xử lý là một phương án hợp lý. Hiện tại, nguồn nước mặt sông Đà chưa có dấu hiệu ô nhiễm nên vẫn được dùng để cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt. Cụ thể là Nhà máy nước sạch Hòa Bình cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn TP Hòa Bình. "Đối với các NMN sạch ngoài việc đảm bảo nguồn nước sau quá trình sản xuất phải đảm bảo đầu ra đạt tiêu chuẩn quy định về nước sạch của Bộ Y tế thì việc đảm bảo nguồn nước đầu vào cũng rất quan trọng. Phải có sự kiểm soát, đảm bảo chất lượng, không bị ô nhiễm, lẫn các chất độc hại. Thực tế ở đây, NMN Sông Đà sử dụng hồ Đầm Bài là một bộ phận trong dây chuyền sản xuất. Tính về lợi ích kinh tế thì họ thu được nhiều cái lợi. Tuy nhiên, với công năng thiết kế là hồ thủy lợi có lưu vực rộng lớn, có nhiều dòng suối đổ vào thì việc kiểm soát chất lượng nước thô đầu vào của nhà máy sẽ gặp nhiều khó khăn” - đồng chí Nguyễn Khắc Long phân tích.

Còn đồng chí Bùi Đức Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh - đơn vị được UBND tỉnh giao trực tiếp quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn, trong đó có hồ Đầm Bài nhấn mạnh: Do thiết kế là hồ thủy lợi với công năng điều tiết, dự trữ, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nên hồ Đầm Bài chủ yếu lấy nước từ các con suối trong khu vực. Do vậy, khi sử dụng nó với công năng là một bộ phận trong dây chuyền sản xuất nước sạch thì nó tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, mất an toàn rất cao nếu không có sự kiểm soát tốt nguồn nước thô đầu vào cho nhà máy xử lý. Sự cố vừa qua là một minh chứng rõ nhất.

Liên quan đến vấn đề này, đại tá Trương Quang Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh chỉ rõ: Qua kiểm tra, nắm bắt thực tế, chúng tôi thấy việc đảm bảo ATNN phục vụ sản xuất của NMN Sông Đà có nhiều sơ hở như công tác bảo vệ còn hạn chế, lực lượng bảo vệ mỏng. Nhất là lực lượng tuần tra, bảo vệ hệ thống kênh dẫn, đầu vào nguồn nước. Việc này, trước hết phải xác định trách nhiệm thuộc về công ty chứ không thể đổ lỗi cho cấp ủy, chính quyền hay lực lượng Công an. Vì đến nay, nhà máy vẫn chưa ký kết quy chế phối hợp đảm bảo ANTT với Công an tỉnh dù đã đi vào hoạt động nhiều năm. Hơn nữa, hồ Đầm Bài có lưu vực rất rộng lớn, không thể có lực lượng nào có thể trải dài để đảm bảo an ninh nguồn nước cho nhà máy. Ngoài nguồn nước sông Đà được cấp theo kênh dẫn vào hồ còn có nguồn nước thải sinh hoạt của nhân dân trong khu vực thượng lưu theo các con suối cũng đổ vào đây nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATNN rất cao. Do vậy, sau sự cố vừa qua, chúng tôi nhất trí với phương án là tỉnh cần phải thu hồi lại hồ Đầm Bài để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Qua tìm hiểu được biết, thiết kế NMN Sông Đà khi xây dựng có hạng mục hồ sơ lắng, dự trữ cung cấp nước thô cho hệ thống xử lý. Hệ thống này nằm trong khuôn viên bảo vệ của nhà máy. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh cho mượn hồ Đầm Bài làm hồ sơ lắng đến khi hoàn thành việc xây dựng hạng mục hồ sơ lắng sẽ giao trả hồ Đầm Bài cho tỉnh. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào hoạt động, đến nay, hạng mục hồ sơ lắng của nhà máy vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Việc lấy nước cho sản xuất của nhà máy vẫn phải thông qua hồ Đầm Bài.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/134442/thu-hoi-lai-ho-dam-bai-de-dam-bao-an-ninh-nguon-nuoc.htm