Thu giữ tài sản bảo đảm không phải là 'cây gậy thần' của ngân hàng

Một số ý kiến lo ngại việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm có thể bị lạm dụng. Tuy nhiên, theo đại diện các ngân hàng, biện pháp này không phải là 'cây gậy thần' trong xử lý nợ xấu, mà chỉ nhằm nâng cao ý thức trả nợ. Hơn nữa, các tổ chức tín dụng đều có quy chế nội bộ chặt chẽ, công khai và minh bạch, hạn chế tối đa nguy cơ lạm dụng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp TRẦN HỒNG NGUYÊN:

Cần nghiên cứu kỹ về thủ tục rút gọn

Việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này, trong đó luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và phải bảo đảm ba tiêu chí then chốt là tính hợp hiến, đồng bộ, khả thi.

Nghiên cứu dự thảo Luật này tôi không thấy có dấu hiệu vi hiến, song tính thống nhất thì còn phải bàn thêm. Trong dự thảo, một số quy định chưa thể hiện rõ nguyên tắc bảo vệ tổ chức tín dụng và người thế chấp. Điều này rất quan trọng, bởi không thể trao quyền một cách thiếu kiểm soát, ảnh hưởng đến tổ chức tín dụng cũng như tài sản của người đem đi thế chấp. Về tính khả thi, những nội dung luật hóa Nghị quyết 42 đã được thí điểm trước đó, vì vậy đã có kinh nghiệm thực tiễn. Tôi tin rằng, luật ban hành sẽ phát huy được tác dụng với điều kiện là phải có biện pháp đi kèm để hạn chế tình trạng lách luật.

Riêng về thủ tục giải quyết rút gọn, tôi vẫn còn băn khoăn và đề nghị cần nghiên cứu kỹ. Vấn đề này cần có sự tham gia của các cơ quan tố tụng như Tòa án, Viện Kiểm sát để vừa bảo đảm quyền của người dân, vừa theo đúng quy trình tố tụng.

Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Kinh tế và Tài chính PHAN ĐỨC HIẾU:

Cuộc thảo luận hữu ích góp phần hoàn thiện dự thảo Luật

Việc Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm hôm nay rất hữu ích, đặc biệt với các ĐBQH chúng tôi. Hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (dự thảo Luật) đã được Ủy ban Kinh tế và Tài chính thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận tại phiên họp đang diễn ra trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới. Những ý kiến tại tọa đàm sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật.

Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực, trong khi đó, nợ xấu có tác động lớn đến nền kinh tế nên luật hóa Nghị quyết 42 là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Mục đích không gì khác là phải bảo vệ quyền lợi các bên, không để việc xử lý nợ xấu bị chậm bởi quy trình, thủ tục rườm rà. Quy định cần bảo đảm tính minh bạch, bảo đảm lợi ích cho tất cả các bên, tạo điều kiện để các bên thực hiện tốt quyền, lợi ích của mình và phải có cơ chế giám sát. Đặc biệt quan trọng là các quy định phải có tính tương thích với hệ thống pháp luật và phải khả thi. Về lâu dài, cần có một luật chung về việc xử lý các khoản nợ nói chung trong nền kinh tế.

Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam NGUYỄN QUỐC HÙNG:

Thu giữ tài sản là biện pháp cuối cùng, nhằm nâng cao ý thức trả nợ

Dự thảo Luật trao quyền thu giữ tài sản cho tổ chức tín dụng nhưng không có nghĩa các ngân hàng được thu giữ một cách vô điều kiện mà phải có quy định rõ ràng về thời điểm nợ xấu, thái độ, trách nhiệm; có trình tự thủ tục rõ ràng; phải minh bạch, công khai, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Các tổ chức tín dụng phải hết sức bình đẳng, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong xử lý tài sản bảo đảm.

Quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm. Ngành ngân hàng sẵn sàng hợp tác với tất cả khách hàng có thiện chí, thông qua việc xem xét giảm lãi quá hạn hoặc lãi trong hạn. Tuy nhiên, nếu khách hàng có tài sản nhiều nhưng không chịu trả thì kể cả lãi quá hạn cũng không được miễn. Do đó, việc trao trách nhiệm kê biên và thu giữ tài sản chính là để khách hàng thấy được trách nhiệm của mình và hợp tác với ngân hàng. Thu giữ tài sản chỉ là biện pháp cuối cùng, nhằm tạo cho khách hàng ý thức trả nợ cao hơn.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Công ty Luật ANVI:

Quốc hội thông qua dự thảo Luật sẽ giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn

Sửa Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42, là rất cần thiết. Nếu dự thảo luật được Quốc hội thông qua lần này sẽ tốt hơn cho việc xử lý nợ xấu, trong đó điểm mấu chốt quan trọng nhất là cho phép các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản thế chấp.

Trong mọi trường hợp, giải pháp thực sự cả trước mắt và lâu dài để hỗ trợ việc xử lý nợ xấu phải là thúc đẩy tốc độ và hiệu quả giải quyết loại tranh chấp, vướng mắc này tại các cơ quan liên quan, như tòa án, trọng tài, thi hành án, đấu giá, thuế, sang tên, chuyển quyền, chuyển đổi công năng… Đây không chỉ là việc riêng và không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho riêng ngành ngân hàng, mà cho cả nền kinh tế.

Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI ĐẬU ANH TUẤN:

Tốt nhất là có luật riêng về xử lý nợ xấu

Tôi cho rằng, giao kết với ngân hàng cũng là một giao kết thương mại dân sự. Chẳng hạn, các hợp đồng năng lượng cũng quan trọng vì giá trị tới hàng tỷ USD, nếu không tuân thủ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các bên. Do đó, khó có thể nói rằng, giao kết với ngân hàng thương mại lại quan trọng hơn so với những giao kết khác, và từ đó đặt ra yêu cầu phải có những chế định pháp lý ưu việt hơn. Chúng ta đang xây dựng Nghị quyết về kinh tế tư nhân, trong đó có nội dung bảo vệ quyền tài sản và quyền tự do hợp đồng, đây là những vấn đề chúng tôi cho rằng cần được thiết kế và thúc đẩy một cách mạnh mẽ.

Dưới góc nhìn của tôi, nợ xấu ngân hàng ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp, đến nguồn vốn, việc sử dụng nguồn lực xã hội, năng lực cạnh tranh… Tuy nhiên, nợ xấu không chỉ diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng mà còn ở rất nhiều ngành khác, như xây dựng, nông nghiệp… Do đó, cần nhìn nhận đây là vấn đề lớn của nền kinh tế và tốt nhất là nên có luật riêng về xử lý nợ xấu, có thể chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, thay vì đưa các chế định vào Luật Các tổ chức tín dụng.

Giám đốc Khu vực nam sông Hồng, Ngân hàng Eximbank HOÀNG HẢI VƯƠNG:

Đẩy mạnh cho vay thông minh, không dùng tài sản bảo đảm

Chúng tôi rất đồng thuận với việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42, đồng thời mong muốn sớm được triển khai để giải quyết dứt điểm, xử lý tận cùng vấn đề nợ xấu hiện nay.

Sau khi luật ban hành, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ có những quy định hướng dẫn. Bản thân Eximbank cũng sẽ ban hành quy định nội bộ, trong đó xác định rõ quy trình, trách nhiệm với những người có liên quan khi xảy ra nợ quá hạn. Khi có khoản nợ quá hạn sẽ được chuyển sang một công ty độc lập hoặc một bộ phận xử lý, đồng thời với cán bộ để xảy ra khoản nợ đó cũng sẽ bị xử lý ngay.

Eximbank cũng đang theo hướng cho vay thông minh hơn, bằng việc xét yếu tố về tài chính, tư cách của khách hàng, lịch sử trả nợ… Điều may mắn là thời gian qua, chúng tôi được tiếp nhận thành quả của dữ liệu dân cư, thanh toán không dùng tiền mặt… để đưa vào hệ thống đánh giá mức tín nhiệm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ dựa nhiều hơn vào các yếu tố đó, thay vì chỉ dựa vào yếu tố tài sản bảo đảm để cho vay.

Giám đốc Ban Pháp chế, Ngân hàng BIDV NGUYỄN THỊ PHƯƠNG:

Trong 6 năm, BIDV chỉ thực hiện 85 hồ sơ thu giữ tài sản bảo đảm

Mặc dù Nghị quyết 42 đưa ra cơ chế vượt trội, như quyền thu giữ tài sản, thì trong 6 năm thực hiện thí điểm, toàn hệ thống BIDV mới thực hiện 85 hồ sơ thu giữ; áp dụng tố tụng rút gọn ra tòa chỉ có 8 hồ sơ, trong đó có 3 hồ sơ được xử lý. Như vậy, đây không phải là cây gậy thần cho các tổ chức tín dụng.

Với công cụ mà Nghị quyết 42 đưa ra, các tổ chức tín dụng có lựa chọn hay không cũng cần suy xét kỹ càng để hài hòa lợi ích của tất cả các chủ thể. Đây cũng chỉ được xem là liệu pháp tâm lý đối với khách hàng để bảo đảm về mặt pháp lý và là công cụ pháp lý để tránh bội tín hợp đồng, để khách hàng có trách nhiệm hơn về khoản vay của mình, có ý thức trả nợ.

Với việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này, trong đó luật hóa các quy định của Nghị quyết 42, chúng tôi khẳng định là các tổ chức tín dụng không có chuyện lạm dụng trong thực thi vì tất cả các giao dịch, hợp đồng đưa vào thực hiện cơ chế của Điều 198a, b, c dự thảo đều phải khẳng định là những giao dịch hợp pháp, các tổ chức tín dụng cho vay đúng chuẩn; các văn kiện tín dụng, văn kiện tài sản bảo đảm đã được xác lập hợp pháp. Trên cơ sở này, mỗi tổ chức tín dụng đều phải có những quy định nội bộ để hướng dẫn rất chặt chẽ, công khai, minh bạch; thỏa thuận trong các điều khoản của hợp đồng phải thỏa mãn tất cả các điều kiện này thì tổ chức tín dụng mới có thể kích hoạt, chứ không có chuyện lạm dụng!

TS. LÊ DUY BÌNH, Giám đốc Economica Việt Nam:

Quy định rõ để tránh lạm dụng

Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này cần làm rõ quyền thu giữ tài sản để bảo vệ lợi ích của cổ đông ngân hàng, người gửi tiền và các bên thứ ba bị ảnh hưởng bởi nợ xấu. Điều này rất quan trọng. Phải bảo đảm quyền đó được công bằng, minh bạch, rõ ràng, để ngân hàng không thể lạm dụng và người vay vốn cũng không được lạm dụng.

Về quy trình xử lý rút gọn hoặc các thủ tục tố tụng liên quan cũng cần được quy định thật rõ ràng. Điều này nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho các ngân hàng và chủ nợ trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Nếu quy trình vẫn chỉ dừng lại ở các thỏa thuận giữa các bên, mà không có giá trị pháp lý đủ mạnh, thì việc thực thi sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn như trước đây.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến kê biên, thu giữ tài sản cần được làm rõ, nhất là trong quy định về quyền của tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản thế chấp. Việc thu giữ cần tuân theo các nguyên tắc cụ thể nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan, bao gồm cả ngân hàng và người đi vay, để tránh tình trạng bị lạm dụng hoặc tạo ra xung đột lợi ích trong quá trình thực thi.

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân LÊ THANH KIM:

Hành lang pháp lý đồng bộ sẽ khơi thông nợ xấu

Sau hơn 6 năm triển khai, Nghị quyết 42 đã cho thấy vai trò quan trọng trong việc tạo lập cơ chế pháp lý đặc thù, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, từ ngày 1.1.2024, Nghị quyết 42 đã chính thức hết hiệu lực. Trong khi đó, một số quy định cốt lõi chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024. Theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, khoảng trống pháp lý này đang gây nhiều trở ngại trong xử lý nợ xấu, làm gián đoạn dòng chảy tín dụng và ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Nhằm khắc phục khoảng trống này, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sửa Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, luật hóa một số quy định tại Nghị quyết 42. Chúng ta tin tưởng rằng, với một hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch và khả thi, công tác xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh, dòng vốn tín dụng được khơi thông, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Minh Châu lược ghi; Ảnh: Duy Thông

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thu-giu-tai-san-bao-dam-khong-phai-la-cay-gay-than-cua-ngan-hang-post410996.html