Thông điệp về nước Nga mạnh mẽ hơn

Với Thông điệp liên bang năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn phát đi tín hiệu mạnh mẽ không chỉ đến người dân Nga và toàn thế giới về niềm tin về một nước Nga kiên cường hơn trước 'phong ba bão táp' và chứng minh Nga có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp nhất.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang năm 2024 trước Quốc hội vào ngày 29-2. Ảnh: TASS

Thông điệp liên bang mà Tổng thống Putin trình bày trước Quốc hội ngày 29-2 chú trọng đối nội, xác định mục tiêu phát triển đất nước trong 6 năm tới. Đây là dịp quan trọng để ông thể hiện sự tự tin về sự bứt phá hơn của Nga trước áp lực từ phương Tây và chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra từ ngày 15 đến 17-3, trong đó nhiều khả năng ông sẽ tái đắc cử.

Tín hiệu gửi đến phương Tây

Cũng như những thông điệp lần trước, lần này, dư luận hết sức quan tâm tín hiệu mà ông Putin muốn gửi đến phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong thời gian tới. Theo The Moscow Times, Tổng thống Putin nêu bật sức mạnh quân sự và cỗ máy kinh tế kiên cường vốn là hai yếu tố quan trọng giúp Nga vẫn trụ vững. Dựa vào điều này, giới quan sát cho rằng, ông Putin muốn tuyên bố rõ ràng rằng: mọi nỗ lực làm suy yếu Nga sẽ thất bại hoàn toàn. Thực tế, Nga đã chứng minh khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp nhất khi sự đoàn kết và thống nhất của các dân tộc Nga là sức mạnh có thể chinh phục mọi thứ.

Ông Putin vẫn bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Mỹ về “ổn định chiến lược”, song một mực bác bỏ khả năng đàm phán nếu nó tách biệt khỏi vấn đề an ninh quốc gia của Nga. Ông Cui Heng, học giả từ Viện Hợp tác Tư pháp và Trao đổi Quốc tế SCO ở Thượng Hải, cho rằng, “sự ổn định chiến lược” có nghĩa là đàm phán về thỏa thuận mới về vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách nhằm bảo đảm hai cường quốc có nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới không xảy ra xung đột. Mỹ và các đồng minh phương Tây là những nước đang quan ngại về tình hình hiện tại, và việc Mỹ và Nga có thể thực hiện các cuộc đàm phán trong tương lai hay tiếp tục cạnh tranh trên mọi mặt trận hay không còn phụ thuộc vào kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Tổng thống Putin cũng cảnh báo phương Tây rằng thực sự có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa quân tham chiến ở Ukraine. Global Times dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên ở Bắc Kinh cho biết, còn quá sớm để nói rằng tình hình xung đột ở Ukraine hiện tại có lợi cho bên nào nhưng có điều khá rõ ràng là Mỹ và các nước phương Tây không hài lòng với tình hình hiện tại và họ đang tìm kiếm những cách tiếp cận mới để thay đổi cục diện.

Nga sẵn sàng đối thoại nhằm tạo đường lối mới về an ninh bình đẳng và không thể chia cắt ở Á-Âu. Ngày càng có nhiều quốc gia tích cực tham gia xây dựng quan hệ với Nga, nhất là các nước châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi, thế giới Arab. Nga duy trì mối quan hệ tốt đẹp với thế giới Arab và sẽ tiếp tục cải thiện mối quan hệ này, trong khi đối thoại với ASEAN cũng đang phát triển tích cực và Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi năm ngoái được coi là bước đột phá thực sự. Nga sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu mới, phi chính trị, với các nước thân thiện. Nga đang nỗ lực đoàn kết đa số toàn cầu và sẽ tìm kiếm các điểm tiếp xúc mới với các đối tác ở phương Đông và Mỹ Latinh.

Bức tranh kinh tế sáng sủa

Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây, kinh tế Nga tăng trưởng với tốc độ cao hơn mức trung bình toàn cầu vào năm 2023, vượt qua tất cả nước G7 về tốc độ tăng trưởng kinh tế, lớn thứ 5 trên thế giới dựa trên tổng sản phẩm quốc nội tính theo sức mua tương đương, và điều này tạo động lực để Nga sẽ bứt phá trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Rõ ràng, thành quả kinh tế hiện tại của Nga tốt hơn mong đợi chủ yếu do Nga là quốc gia tự chủ về năng lượng và lương thực, trong khi đó xung đột ở Ukraine dẫn đến nhu cầu rất lớn cho ngành công nghiệp quân sự và kích hoạt hoàn toàn chuỗi cung ứng.

Global Times dẫn lời ông Wang Yiwei, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói: “Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng tôi thấy rằng Nga có lẽ là quốc gia duy nhất có thể tồn tại và thậm chí có bước tăng trưởng ngoạn mục trước các lệnh trừng phạt tổng lực của phương Tây”.

Sẽ không thực tế khi nói rằng Nga không bị ảnh hưởng vì các ngành công nghiệp cao và người dân ở Nga cũng bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao do lệnh trừng phạt. Song, xét về mặt kinh tế thời chiến, hiệu quả hoạt động của Nga rõ ràng là tốt hơn mong đợi. Quan trọng hơn, Nga chưa bị cô lập hoàn toàn bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Nam bán cầu, gồm các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Arab, Mỹ Latinh, châu Phi và các nước ASEAN chưa tham gia các lệnh trừng phạt do phương Tây dẫn đầu, và đây là lý do tại sao Nga hiện đánh giá cao mối quan hệ của mình với thế giới ngoài phương Tây.

THƯ LÊ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202403/thong-diep-ve-nuoc-nga-manh-me-hon-3966792/