Thơ ca thiếu nhi: Mảnh đất hiếm người vun trồng

Văn học thiếu nhi vốn đã hiếm tác phẩm thì thơ ca thiếu nhi lại càng là con đường hẹp ít cây bút chọn đi. Dấn thân vào con đường này, đa số vẫn chỉ là cuộc dạo chơi chốc lát của các nhà thơ chứ không hẳn là con đường dài hứa hẹn mùa hoa sai quả ngọt.

Hiện số lượng nhà thơ đương đại viết thơ thiếu nhi chỉ đếm trên đầu ngón tay như Bảo Ngọc, Nguyễn Ngọc Hưng... Mới đây, thi đàn đón nhận một số tập thơ thiếu nhi gây được tiếng vang như “Những ngọn đèn thơm” của nhà thơ, nhà văn Hồ Huy Sơn, “Chào thế giới bây giờ con đã đến” và “Từng ngày ba mẹ thở theo con” của nhà thơ Lê Minh Quốc… “Những ngọn đèn thơm” đánh dấu lần đầu tiên cây bút trẻ Hồ Huy Sơn dấn thân vào mảng thơ thiếu nhi. Sách gồm 42 bài thơ viết bằng thể thơ bốn chữ, năm chữ với giọng điệu trong trẻo, hồn nhiên của lăng kính trẻ nít.

Bé Mì - con của nhà thơ Lê Minh Quốc đọc thơ tại buổi ra mắt sách “Từng ngày ba mẹ thở theo con”.

Bé Mì - con của nhà thơ Lê Minh Quốc đọc thơ tại buổi ra mắt sách “Từng ngày ba mẹ thở theo con”.

Bốn mùa ở vùng quê thanh bình, yên ả là lúa vàng, đầm sen, với cánh diều vi vút, với chiếc quạt nan của bà, lời ru của mẹ: “Mùa thu cháu về ngoại/ Lúa vàng đầy sân phơi/ Thân quen như chăn ấm/ Đang hong dưới nắng trời”; “Đi qua ngày qua tháng/ Vẫn nhớ lời mẹ ru/ Hiền lành như gió thu/ Ngọt ngào như suối mát”. Tác giả còn đưa vào những bài học nho nhỏ, cách ứng xử cho các bé với vần thơ dễ nhớ: “Giờ ăn đến rồi/ Bé ơi hãy nhớ/ Rửa tay sạch sẽ/ Rồi chia đũa thôi!”...

Riêng hai cuốn sách của nhà thơ lão làng Lê Minh Quốc là những giai điệu đầy ắp yêu thương cho thiên thần nhỏ của gia đình ông - bé Mì. Các nhà chuyên môn nhận định, hai cuốn sách của Lê Minh Quốc dễ tạo tiếng vang bởi chúng được viết từ một ông bố từng ngày quan sát, chăm bẵm và cùng con gái bé bỏng của mình lớn lên.

Lê Minh Quốc cho biết những bài thơ thành hình từ những lần ứng tác ru con ngủ, sau đó hoàn thiện để thành bài thơ hoàn chỉnh. Khác biệt với rất nhiều bậc làm cha mẹ thông thường, Lê Minh Quốc lần đầu làm cha khi đã ở ngưỡng lục tuần. Có con, ông mới ý thức được khoảng thời gian còn lại ngắn ngủi của đời mình. Sự nhạy cảm của một nhà thơ và tình yêu thương dạt dào của một người cha đã 60 tuổi thôi thúc ông ghi chép mọi khoảnh khắc bên con bằng vần thơ thật dịu dàng, đáng yêu và đầy xúc động.

Mút tay chùn chụt/ Vì em... cô đơn(!?)/ Hay đang suy nghĩ/ Làm thơ hay hơn?/ Thơ em là nhất/ Chỉ i với ì/ Vậy mà ba mẹ/ Nghe là mê ly". (Bé làm thi sĩ I). Nhiều bài đồng dao ngày xưa ông đọc cho con nghe nhưng thấy đôi chỗ không phù hợp nữa, vậy là ông sáng tác thêm hoặc viết lại thành một tác phẩm mới. Chẳng hạn như bài “Xúc xắc xúc xẻ”, ông viết thêm đoạn sau: “…Chích chòe đi sau/ Chào mào đi trước/ Hồng hạc chúc Tết/ Chú ếch thổi kèn/ Gõ kiến chập cheng/ Sâm cầm thổi sáo/ Chúc cho ông Táo/ Lên chức vú em…”. Làm thơ trước hết để ông bày tỏ nỗi lòng của mình, ghi nhật ký về con, đồng thời để ru bé, chơi với bé, để rồi lan tỏa món quà đáng yêu đó đến với mọi ông bố bà mẹ và các bé thơ.

Đa phần nhà thơ chỉ ghé qua thi ca thiếu nhi như một cuộc dạo chơi, vì vậy tác phẩm ở lĩnh vực này rất ít ỏi. Theo nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, nước ta chưa có đội ngũ thật sự gọi là chuyên nghiệp theo đúng nghĩa để sáng tác cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, đặc biệt là mảng thơ ca. Bởi đa phần tác giả viết cho lứa tuổi này vẫn xem văn học thiếu nhi như cuộc dạo chơi, thử sức. Mà đã là cuộc dạo chơi thì họ muốn viết thì viết, muốn dừng thì dừng. Các cây bút mới vẫn không ngừng xuất hiện, thử nghiệm cách sáng tạo mới nhưng ở cuộc đua đường dài, họ dần rơi rụng hoặc chuyển hướng viết cho người lớn.

Nhà thơ Lê Minh Quốc cho hay, “lâu nay không ít người cầm bút vẫn nặng suy nghĩ theo hướng: muốn trở thành nhà thơ tên tuổi thì phải viết thơ cho người lớn. Do vậy lực lượng cầm bút ở địa hạt này rất mỏng, mỏng cả những cây bút trẻ lẫn tác giả thành danh. Trước đây chúng ta có “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa với những bài thơ thiếu nhi bất hủ, được nhiều thế hệ yêu thích, lưu truyền. Ngày nay, gương mặt thơ trẻ xuất hiện khá nhiều nhưng làm nên “kỳ tích” như Trần Đăng Khoa gần như không có.

“Việc viết cho thiếu nhi hay viết về thiếu nhi phải được xác định rõ. Hiện nay, hầu hết chúng ta mới chỉ viết về thiếu nhi chứ chưa có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi. Bởi viết cho thiếu nhi thì đòi hỏi bài thơ phải có tứ thơ, ngôn ngữ, cảm xúc, cách nhìn… bằng con mắt trẻ thơ. Điều này rất khó. Khó ở chỗ đa số nhà thơ đều là người lớn, họ khó có được cảm xúc hồn nhiên, trong veo của trẻ thơ mà phải vin vào sự tưởng tượng. Từ khi có con, tôi mới chuyên tâm nhiều ở mảng thơ thiếu nhi bởi chất liệu thực tế là con mình quá sống động. Lúc bé Mì chưa ra đời, tôi có tập “Nếu thế giới không còn cổ tích” dành cho độc giả nhí. Nhưng mình viết bằng sự tưởng tượng và quan sát những đứa trẻ khác nên những vần thơ đó không tươi mới, đầy sức sống như tập “Chào thế giới bây giờ con đã đến” hay “Từng ngày ba mẹ thở theo con” - ông cho biết.

Bìa tập thơ “Những ngọn đèn thơm” của Hồ Huy Sơn.

Bìa tập thơ “Những ngọn đèn thơm” của Hồ Huy Sơn.

Nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng nhận định: “Nếu như không có tình yêu thương và hiểu được tâm lý các bé thì tác phẩm khó chạm vào tâm hồn trẻ thơ. Viết cho thiếu nhi không có nghĩa là viết về thiếu nhi, mà viết cho thiếu nhi đọc để các em cảm thụ được vẻ đẹp của từng câu thơ. Đây là thử thách rất lớn. Cho đến bây giờ rất hiếm tác giả thành công, đạt đến cả hai yếu tố là vừa viết cho thiếu nhi, vừa viết về thiếu nhi”.

Trong cuộc khảo sát mới nhất về thói quen đọc sách của học sinh do Đường Sách TP Hồ Chí Minh thực hiện, sách văn học là thể loại hàng đầu mà các em tìm đọc. Ai cũng biết sách văn học không chỉ mang tính giáo dục, bổ sung tri thức mà còn nuôi dưỡng tâm hồn các em, giúp các em phát triển theo chiều sâu, tăng cường trí tưởng tượng, sự hiểu biết, óc phán đoán và khả năng ngôn ngữ.... Vấn đề khuyến đọc càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi các em đang bị các loại hình giải trí nghe nhìn như truyện tranh, phim ảnh, game online... cuốn hút. Thế nhưng, đa số tác phẩm các em chọn đọc vẫn là sách dịch trong khi văn học, thi ca Việt Nam đương đại dành cho thiếu nhi lại khá thiếu vắng.

Em Lê Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, TP Hồ Chí Minh chỉ rõ thiếu nhi chưa yêu thích sách văn học trong nước không phải hoàn toàn do công nghệ. Em cho biết việc nhiều cuốn sách dày cộm, những bài thơ có nội dung khô khan, đơn điệu, thậm chí ngô nghê, nặng tính giáo điều khiến thiếu nhi không mấy hứng thú. Nhà văn Võ Diệu Thanh thừa nhận khi mới tập tành viết thử cho thiếu nhi, chị liên tục xé bản thảo vì tiếng là viết cho thiếu nhi nhưng suy nghĩ, ngôn từ lại mang “vị” người lớn. Người lớn viết cho trẻ em thường bị duy lý, ảnh hưởng bởi luân lý xã hội nên cách viết thường mô phạm, chuẩn mực, giáo điều mà không dám phá cách.

“Sau này tôi ngộ ra rằng chỉ có bỏ hết mọi luật lệ mình đã bị nhồi nhét suốt mấy chục năm thì mới gần các em hơn được. Mọi thứ rào cản hay - dở, đẹp - xấu, được - mất không có nhiều ý nghĩa với thiếu nhi. Đó là một thế giới khác hẳn với thế giới mà người lớn chúng ta đang sống. Nó như một vùng đất rộng thênh thang mà mọi luật lệ khô cằn lập tức bị vô hiệu hóa” - chị tâm sự.

Nhà thơ Phan Hoàng phân tích: “Trẻ em là độc giả rất khó tính. Không phải dễ để các em chịu đọc. Việc trẻ em bị công nghệ và các loại hình nghe nhìn hấp dẫn khác chi phối cũng là một tác nhân khiến cảm hứng viết cho thiếu nhi của các tác giả vơi dần đi. Do vậy, Hội Nhà văn Việt Nam không ngừng khuyến khích, tạo điều kiện để khơi lại dòng chảy này. Hiện nay, Hội đang phát động cuộc thi viết cho thiếu nhi và đã nhận được nhiều tác phẩm chất lượng. Tôi tin rằng số tác phẩm này sẽ ít nhiều mang đến làn gió mới trên thi đàn và trở thành người bạn của trẻ thơ”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/tho-ca-thieu-nhi-manh-dat-hiem-nguoi-vun-trong-i695319/