Thiếu trầm trọng nhân lực y tế dự phòng: Nhiều điểm nghẽn cần được giải quyết

Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, cả nước hiện thiếu khoảng 23.800 nhân lực y tế dự phòng. Trong khi công việc của nhân viên y tế dự phòng rất vất vả, chế độ chính sách với họ lại rất thấp.

Trong đại dịch COVID-19, y tế dự phòng đã khẳng định được vai trò vô cùng to lớn trong bảo vệ sức khỏe nhân dân

Cho đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mọi người mới thấy được vai trò vô cùng quan trọng của y tế dự phòng như tấm “lá chắn” đầu tiên ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân. Thế nhưng đến nay, y tế dự phòng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Trong buổi thảo luận chiều 25/5 tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về việc sau đại dịch COVID-19, quan tâm đầu tư cho y tế dự phòng là hết sức cần thiết.

Chế độ phụ cấp chưa tương xứng

Hiện nay, nhiều dịch bệnh không lây nhiễm, dịch bệnh mới nổi tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi rất lớn về công tác phòng, chống dịch bệnh. Song, những hạn chế, bất cập về chính sách lại là rào cản trong công tác đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng. Hệ quả là số sinh viên theo học và nhân lực làm việc trong lĩnh vực này đang giảm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, chế độ chính sách cho cán bộ y tế dự phòng, phụ cấp chống dịch còn thấp, chưa tương xứng so với quy mô, mức độ nguy hiểm của công tác phòng, chống dịch.

Chế độ phụ cấp chống dịch từ 75.000- 150.000 đồng/người/ngày. Chế độ phụ cấp thường trực 24/24 gồm các mức là 25.000 đồng đến 115.000 đồng/người/phiên trực tùy theo phân hạng bệnh viện. Chế độ phụ cấp chống dịch gồm các mức từ 75.000 đồng/người/ngày đến 150.000 đồng/người/ngày tùy theo nhóm bệnh truyền nhiễm.

Theo quy định hiện nay, không còn bằng bác sĩ y học dự phòng, trong khi thực tế vẫn có vị trí chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng tại các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Theo thống kê, cả nước có 116 cơ sở đào tạo nhân lực y tế ngành sức khỏe, y khoa, răng hàm mặt và y học cổ truyền, nhưng chỉ có 10 cơ sở đào tạo chuyên về y tế dự phòng. Năm 2022, cả nước chỉ có 557 bác sĩ y học dự phòng tốt nghiệp đại học, chiếm 5% tổng số nhân lực y tế tốt nghiệp đại học.

Cán bộ y tế dự phòng tư vấn cho bệnh nhân HIV cách phòng, tránh lây truyền

Còn nhiều bất cập

PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết công tác tuyển dụng và đào tạo nhân lực y tế dự phòng gặp khó khăn do trước đây còn nhiều bất cập về chính sách sử dụng bác sĩ dự phòng.

Bà Xuân cho biết, Bộ Y tế đã có quy định bác sĩ y học dự phòng được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh thông thường, nhưng quy định này chưa rõ, dẫn tới có nơi bác sĩ y học dự phòng được cấp chứng chỉ, nơi thì không…Các quy định trước đây chưa có các danh mục cụ thể, nên sinh viên chưa hình dung được sau khi ra trường sẽ được làm những dịch vụ nào. Vì thế, những sinh viên đầu vào không thi được vào những chuyên ngành bác sĩ khác mới chuyển sang bác sĩ y học dự phòng. Đó là khó khăn trong việc tuyển được những người đam mê thực sự với ngành y học dự phòng.

Những bất cập này dẫn tới sự thiếu hụt về nhân lực y tế dự phòng. Theo tổng hợp của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, cả nước hiện thiếu khoảng 23.800 nhân lực y tế dự phòng, trong đó, thiếu hơn 8 nghìn bác sĩ.

Y tế dự phòng là những người "đầu sóng ngọn gió" trong đại dịch COVID-19

Bác sĩ Nguyễn Khắc Từ - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Ninh - cho biết: Bắc Ninh là địa phương có khu công nghiệp phát triển với 450 nghìn công nhân và từng là tâm dịch COVID-19, nhưng nhân lực y tế dự phòng rất hạn chế. Các bác sĩ y học dự phòng không yên tâm công tác vì thu nhập thấp, không được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn nên cũng khó khăn cho công tác tuyển dụng.

Hy vọng tháo gỡ điểm nghẽn

Nhằm khắc phục những tồn tại trên, tháng 12/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 32/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, trong đó có các nội dung cụ thể về phạm vi hành nghề, với 325 danh mục kỹ thuật chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề y học dự phòng. Điều này mang lại nhiều kỳ vọng về đổi mới.

Sinh viên Phạm Huy Tráng - chuyên ngành bác sĩ y học dự phòng của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội - chia sẻ: Thông tư số 32 đã tháo gỡ những vướng mắc, băn khoăn của sinh viên khi bác sĩ y học dự phòng được làm 325 danh mục kỹ thuật chuyên môn khám, chữa bệnh. Từ đó, các nhà tuyển dụng cũng quan tâm và có chế độ ưu đãi với bác sĩ y học dự phòng hơn.

Ở khía cạnh của đơn vị sử dụng nhân lực y tế dự phòng, Bác sĩ Nguyễn Khắc từ cũng hy vọng quy định này sẽ giúp cho việc sắp xếp vị trí việc làm cho bác sĩ y học dự phòng rõ ràng, để các cơ sở y tế huy động được tối đa khả năng chuyên môn của các bác sĩ y học dự phòng.

TS. Nguyễn Khánh Phương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế - cho rằng, để các dịch vụ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, công tác đào tạo bác sĩ y học dự phòng từ khung chương trình đào tạo, yêu cầu về giảng viên, đầu ra…cần được rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Báo cáo mới đây của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy các loại dịch bệnh không lây nhiễm, dịch bệnh mới nổi diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ lan rộng. Vì thế, vai trò của y tế dự phòng rất quan trọng.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thieu-tram-trong-nhan-luc-y-te-du-phong-nhieu-diem-nghen-can-duoc-giai-quyet-post175235.html