Thiếu kỹ năng nghề: Người lao động khó tìm việc

Nhiều người lao động chưa qua đào tạo là trở ngại khi họ tìm việc. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều lao động mất việc làm không tìm được việc làm mới buộc phải xin hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc xin rút bảo hiểm xã hội một lần.

Kết nối tốt cung - cầu là giải pháp hiệu quả giảm thiểu tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực.

Kết nối tốt cung - cầu là giải pháp hiệu quả giảm thiểu tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực.

Mòn mỏi tìm việc

Sau gần 3 tháng tìm việc không thành công, chị Nguyễn Thị Lý (Hà Nội) đành phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vốn dĩ đang có công việc ổn định với mức thu nhập gần 15 triệu đồng/tháng nhưng cách đây 3 tháng, chị Lý nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty. “Lúc biết mình bị sa thải tôi cũng có chút bất ngờ nhưng vẫn hy vọng mình có thể kiếm được công việc khác vì dù không có trình độ, bằng cấp nhưng sau 15 năm đi làm tôi có khá nhiều kinh nghiệm làm một nhân viên kinh doanh. Nhưng thật không ngờ sau gần 3 tháng đi phỏng vấn tại 10 công ty, doanh nghiệp tôi vẫn chưa thể tìm được công việc như mong muốn. Lý do chỉ vì tôi đã ngoài 40 tuổi. Không xin được việc tôi đành phải làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp” - chị Lý ngậm ngùi.

Sau khi làm thủ tục xong, số tiền chị Lý nhận được là gần 30 triệu đồng cho 6 tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền này sẽ giúp gia đình chị cầm cự được khó khăn trước mắt. “Nếu không tìm được việc làm mới, tôi buộc phải xin rút bảo hiểm xã hội một lần, với số tiền này tôi sẽ mở một sạp hàng hóa để kiếm sống qua ngày” - chị Lý nói.

Dù chưa có những con số thống kê, cụ thể nhưng trong thời gian gần đây số lao động, đặc biệt là lao động từ tuổi 35 trở đi không xin được việc ngày càng gia tăng. Thực tế đa số các doanh nghiệp khi tuyển dụng đều ưu tiên độ tuổi "vàng", khoảng từ 30 tuổi trở xuống để đảm bảo năng suất làm việc. Đối với người lao động trên 40 tuổi, vẫn còn công việc cho họ, tuy nhiên sẽ khó khăn và ít sự lựa chọn hơn.

Cũng lâm vào hoàn cảnh như chị Lý, chị Nguyễn Thị Hòa - công nhân may khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội cũng vừa nhận được thông báo nghỉ việc của công vì không có đơn hàng. Sau gần 1 tháng đôn đáo khắp nơi nhưng không xin được việc, chị Hòa đành xin làm phục vụ cho một hợp tác xã.

“Dù đã có sự chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng tôi vẫn rất sốc. Không có việc đồng nghĩa với việc không có thu nhập, làm công nhân gần 20 năm nhưng tôi không có nhiều tích lũy. Giờ mất việc thực sự tôi rất lo lắng” - chị Hòa chia sẻ.

Đẩy mạnh đào tạo nghề

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong nửa đầu năm 2023, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn khiến hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng, bao gồm mất việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động. Đáng chú ý, số nhận sự mất, giảm việc làm này chủ yếu rơi vào những ngành thâm dụng lao động như: Dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử và chế biến gỗ, lao động giản đơn, lớn tuổi.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thừa nhận thực tế hiện nay chất lượng nguồn lao động còn gặp nhiều vấn đề, nhiều người còn chưa qua đào tạo, đây là trở ngại khi họ đi tìm công việc mới.

“Hầu hết người lao động mất việc trong thời gian vừa qua là lao động tay nghề thấp hoặc không có tay nghề. Với những trường hợp người lao động ngoại tỉnh, nuôi con nhỏ, mang thai… khi mất việc càng gặp nhiều khó khăn hơn” - ông Quảng nói.

Theo các chuyên gia, những đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với người lao động trước bất kỳ công việc nào sẽ là xu hướng trong tương lai. Thậm chí, ông Quảng còn khẳng định, đây là cơ chế của thị trường lao động đòi hỏi người lao động có những kỹ năng, chuyên môn tối thiểu, nhất định. Khi thị trường đòi hỏi người sử dụng lao động, người lao động phải thay đổi, hoàn thiện các khiếm khuyết.

Đồng quan điểm, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội cũng cho biết, thực tế quá trình tổ chức kết nối cung - cầu nguồn lao động cho thấy, nhiều người lao động yếu kỹ năng ngoại ngữ, nên dù có tay nghề tốt nhưng vẫn không kết nối được với việc làm mới. Vì vậy, người lao động cần rèn luyện cho mình kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, ý thức, thái độ khi tiếp cận với vị trí việc làm… để sẵn sàng tiếp cận các vị trí việc làm mới.

ThS Vũ Tuấn Anh - người sáng lập Dự án Một triệu phụ nữ và người yếu thế khởi nghiệp cơ sở kinh doanh nhỏ tại nhà, cho rằng mất việc khi lớn tuổi khiến người lao động phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, đó cũng có thể là cơ hội để chuyển đổi nghề hoặc bắt đầu khởi nghiệp, tạo nguồn tài chính bền vững hơn.

Để giải quyết cốt lõi vấn đề, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng tổng thể thị trường lao động, từ đó, chính sách mới đi đúng, trúng đối tượng.

“Chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đó phần lớn chỉ là những chính sách hỗ trợ trước mắt về lâu dài cần tăng cường phát triển hoàn thiện hệ thống thông tin lao động, cơ sở dữ liệu là hết sức cần thiết. Vì vậy, cần khẩn trương có các giải pháp để số hóa về lao động việc làm và kết nối các dữ liệu thông tin thị trường lao động. Số liệu, bức tranh về thị trường lao động càng cụ thể chính xác bao nhiêu thì quá trình hoạch định, triển khai các chính sách sẽ càng tốt hơn” - ông Quảng nhấn mạnh.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thieu-ky-nang-nghe-nguoi-lao-dong-kho-tim-viec-5739108.html