Thiếu chính sách chăm lo trẻ tự kỷ

Những năm gần đây, số trẻ tự kỷ tăng nhanh ở TPHCM và trong cả nước, trẻ tự kỷ chiếm số đông trong tất cả trẻ em khuyết tật. Trong khi nguyên nhân gây tự kỷ chưa xác định được, các văn bản pháp luật cũng không có một chữ nào về 'tự kỷ', trẻ tự kỷ và phụ huynh đang đối diện với sự đơn độc nhiều khi đến tuyệt vọng…

Trẻ tự kỷ vui chơi trong Trường Giáo dục Chuyên biệt Khai Trí TPHCM.

Trẻ tự kỷ ngày càng gia tăng

TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho hay, theo thống kê trên thế giới, năm 2014, cứ 68 trẻ em sinh ra, có 1 trẻ tự kỷ. Hiện tại, hội chứng tự kỷ tăng mạnh, tỷ lệ rất cao, cứ 50 trẻ sinh ra đã có 1 trẻ tự kỷ. Về nguyên nhân, theo TS Ngô Xuân Điệp, khoa học chưa chỉ ra được, dù có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân là thần kinh, phát triển, ăn uống, tâm lý… Do khoa học chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến tự kỷ nên cũng chưa thể đưa ra được phương pháp trị liệu duy nhất. Hiện nay, các nhóm phương pháp điều trị y sinh học, can thiệp hành vi, giao tiếp, trị liệu giác quan/hoạt động trị liệu… vẫn được coi là phương pháp tổng hợp khi tiến hành can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ - Phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM cho rằng, tự kỷ là một dạng hội chứng mắc phải về phát triển, thường xuất hiện trong 3 năm đầu đời và tồn tại suốt cuộc đời, nếu không được can thiệp sớm. Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), nêu tình trạng nhiều bậc cha mẹ đã vô tình đẩy con thành tự kỷ, vô cảm với xung quanh. Ông Tính phân tích: “Con khóc, con không ăn, con chơi, cha mẹ đều đưa cho máy tính, iPad, điện thoại. Nhiều ông bố, bà mẹ coi máy tính, iPad, điện thoại là “liều thuốc bổ, thuốc tiên” dạy con từ 1 - 2 tuổi. Từ đó, trẻ suốt ngày chỉ tiếp cận với điện thoại, máy tính, iPad, không giao tiếp với xung quanh thì làm gì không tự kỷ”.

Trẻ tự kỷ và nỗi lo về giáo dục

Khi can thiệp trẻ tự kỷ, theo TS Ngô Xuân Điệp, phương pháp chính thống lại không thuộc về y khoa, hóa dược, mà là các phương pháp tâm lý, giáo dục. Tức là bệnh thuộc y khoa nhưng khi can thiệp lại thuộc về lĩnh vực tâm lý, giáo dục. Điều đó đặt ra vấn đề cần phải có sự phối hợp của bác sĩ, nhà tâm lý, giáo dục, mới có thể chẩn đoán, can thiệp tốt cho trẻ. Bác sĩ Hoàng Văn Quyên, Khoa Ngôn ngữ học trị liệu - Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết ở Australia, trẻ tự kỷ được can thiệp trong môi trường tự nhiên, có sự liên kết, phối hợp đa ngành y tế, giáo dục, tâm lý, xã hội học… Trong khi đó, tại Việt Nam, y tế là y tế, giáo dục là giáo dục; tách biệt, không liên kết với nhau để lo cho trẻ tự kỷ.

Tôi và nhiều phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ bị mất phương hướng, phải tự mò mẫm tìm kiếm các cơ sở giáo dục cho con.

Một phụ huynh đưa con bị tự kỷ đến trung tâm nói nếu trung tâm không nhận dạy con anh ta thì anh ta sẽ chết ngay tại trung tâm. Sau khi được các bác sĩ kết luận trẻ mắc chứng tự kỷ từ lúc 2 tuổi, phụ huynh này tìm đến một cơ sở giáo dục trẻ tự kỷ trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, do không gặp được hiệu trưởng, phụ huynh được người bảo vệ trường học lấy số điện thoại để liên lạc lại. Ngày hôm sau, có hai người tự xưng là giáo viên của trường đến tận nhà nhận can thiệp cho cháu bé với chi phí 200.000 đồng mỗi ngày. Nhưng suốt 2 năm trời với chi phí như vậy, cháu bé vẫn không có biến chuyển gì, thậm chí tình trạng ngày càng nặng hơn nên phụ huynh đã đưa con đến trung tâm.

Chị Phạm Hồng Dung ở quận Bình Thạnh bức xúc vì từng phải đưa con đi đến nhiều cơ sở giáo dục chuyên biệt trong và ngoài nước, nhưng không được sự hướng dẫn của bất cứ cơ quan nào.

“Tôi và nhiều phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ bị mất phương hướng, phải tự mò mẫm tìm kiếm các cơ sở giáo dục cho con. Có nhiều phụ huynh tìm đến những cơ sở không có chuyên môn khiến vừa mất tiền, vừa tốn thời gian mà con không hề có kết quả gì. Chúng tôi làm sao biết được cơ sở nào có phép, cơ sở nào không phép. Ai chỉ ở đâu hay là chúng tôi đến đó. Cơ quan chức năng hãy cho chúng tôi biết những cơ sở nào được cấp phép, đừng để chúng tôi đơn độc”, chị Phạm Hồng Dung mong muốn.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, từ câu chuyện trên cho thấy chúng ta còn để phụ huynh có con bị tự kỷ “bơ vơ”, không biết nơi nào có đủ khả năng giáo dục, can thiệp cho trẻ tự kỷ. Nếu trẻ tự kỷ không được can thiệp đúng chuyên môn, đúng thời điểm sẽ mất đi cơ hội can thiệp trong giai đoạn phù hợp, còn phụ huynh tốn thời gian, công sức, tiền bạc.

C.H (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thieu-chinh-sach-cham-lo-tre-tu-ky-d80622.html