Thích ứng để bứt phá

Xu hướng tiêu dùng sáng tạo trên các nền tảng trực tuyến, sự lớn mạnh của thị trường tiêu dùng các sản phẩm văn hóa trên nền tảng số trong và ngoài nước đang mở ra cơ hội lớn cho công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam. Tuy nhiên, thích ứng với những đổi mới của kỷ nguyên số cũng là thách thức lớn.

Nhiều dư địa và tiềm năng

“Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ những báu vật mỹ thuật của đất nước qua thời gian, tuy nhiên trong thời gian dài, Bảo tàng không phải là điểm đến thú vị, mỗi năm chỉ đón khoảng 50.000 lượt khách, một con số quá khiêm tốn, trong đó có tới 90% là khách quốc tế” - TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” sáng 23.8.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chuyển đổi số để quảng bá di sản. Ảnh: BTMTVN

Với thách thức như vậy, theo TS. Nguyễn Anh Minh, công nghệ là bài toán tháo gỡ khó khăn. Năm 2021, ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA được ra mắt với 8 ngôn ngữ, giúp khách tham quan có thể trải nghiệm Bảo tàng trực tuyến. TS. Nguyễn Anh Minh tiết lộ, năm đầu tiên đưa vào sử dụng đã thu được gần 600 triệu đồng từ tham quan trực tuyến, cho thấy thành công bước đầu không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mục tiêu lan tỏa, quảng bá giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam. Không chỉ vậy, sau 1 năm, lượng khách đến Bảo tàng tăng gấp đôi, 100.000 khách, và kỳ vọng năm 2023 lượng khách tăng còn cao hơn…

Trong lĩnh vực âm nhạc, theo ông Trần Thăng Long, Trưởng bộ phận nghệ sĩ nội địa, tác phẩm và marketing, Universal Music Việt Nam, khoảng 3 năm trước, nghệ sĩ Việt Nam sản xuất MV thường đầu tư khá lớn, hàng tỷ đồng, ở các nước xung quanh chỉ vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, so với các quốc gia Đông Nam Á, doanh thu âm nhạc của Việt Nam vẫn ở mức dưới. So sánh với Thái Lan - dân số khoảng 70 triệu, nhưng doanh thu nhạc số của họ là 102 triệu USD, Việt Nam có doanh thu 17 triệu USD. Tuy nhiên, đến 2023, ước tính doanh thu âm nhạc trực tuyến của Việt Nam khoảng 37 triệu USD. Các nền tảng nghe nhạc trực tuyến phát triển, nghệ sĩ có nguồn thu nhập khá hơn. Đặc biệt, nhiều nghệ sĩ không cần quá nổi tiếng, có MV được đầu tư lớn, chỉ cần âm nhạc của họ được khán giả yêu thích, họ vẫn đến được với công chúng. Với công nghệ số, không có rào cản nào cho nghệ sĩ đưa tác phẩm tới khán giả…

Nhiều ý kiến cho rằng, công nghiệp văn hóa đang có nhiều lợi thế phát triển. Theo ông Phạm Văn Nghĩa, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghệ số phát triển mở ra không gian cho các mô hình kinh doanh và dịch vụ mới, tạo dư địa và tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong môi trường số ở Việt Nam. Từ lâu Việt Nam tập trung chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, có các văn bản luật, quy định nhằm tạo không gian số an toàn, chính sách phát triển hạ tầng số. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp văn hóa được đặc biệt quan tâm, có chính sách riêng cho từng ngành nhằm phát triển văn hóa hướng tới vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững…

Cần sự đồng cảm, đồng hành

Tuy nhiên, kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Việt Nam. Công nghệ số đã đang làm biến đổi chuỗi giá trị văn hóa, hiện vẫn thiếu vắng các quy định và khuôn khổ pháp lý về quản lý và cả cơ chế hỗ trợ bảo vệ các bên liên quan trong chuỗi giá trị này. Thách thức cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo với các công ty lớn xuyên biên giới. Việc thực thi và bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong môi trường số cũng kìm hãm sự phát triển của ngành…

Nhạc sĩ Quốc Trung, Giám đốc Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa nhận định, quy trình quản lý của chúng ta không theo kịp, thủ tục hành chính chưa được tự động hóa, đơn giản hơn. Nhà quản lý, doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp có sự tin tưởng, trao trách nhiệm. Trong thời đại số, sự quản lý rõ ràng sẽ giảm thiểu thời gian về thủ tục hành chính, từ đó mở rộng năng lực sáng tạo của nghệ sĩ.

Còn theo Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp Văn hóa, Cục Bản quyền tác giả Hoàng Long Huy, để công nghiệp văn hóa phát triển, hội nhập, cần có cơ chế chính sách đặc biệt. Trong các văn bản đề xuất cơ chế, chính sách giảm thuế, miễn thuế, hợp tác công - tư, nhưng vẫn trên giấy, chưa được thực hiện trong thực tế…

Giải pháp, chính sách đưa ra đều đúng nhưng tại sao công nghiệp văn hóa của Việt Nam chưa có đột phá? Là người làm nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận thấy, “nút thắt” ở đây là về con người. Việt Nam chưa có bề dày phát triển công nghiệp văn hóa, những người tham gia vào quá trình này chưa có sự đồng cảm với nhau vì chưa hiểu bản chất các ngành này khi gắn với môi trường công nghệ số; chưa có kinh nghiệm thực hành. "Bởi vậy, khát vọng có, mong muốn nhiều nhưng kỹ năng, kiến thức chưa mạnh”.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng những người tham gia vào các ngành công nghiệp văn hóa, để họ hiểu giá trị của sáng tạo, bảo hộ bản quyền, ứng dụng khoa học - công nghệ… Bên cạnh đó, cần tạo ra mô hình gồm nhà sáng tạo, nhà đầu tư, nghệ sĩ, chuyên gia, ở đó có sự đồng cảm, đồng lợi ích, đồng hành với nhau trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Nhiều chuyên gia góp ý có các chính sách về tác quyền và tài sản số hóa, kiểm soát, điều phối thị trường trao đổi, mua bán, cung cấp sản phẩm dịch vụ văn hóa nghệ thuật trên không gian số; tiếp tục hoàn thiện cơ chế và chính sách bảo đảm sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo phù hợp hơn với sự phát triển của công nghệ số. Huy động nguồn lực xã hội, chú trọng thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP), đặc biệt là quan hệ đối tác lâu dài khu vực công và các công ty công nghệ nhằm khai thác nguồn lực và lợi thế của cả hai bên.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/thich-ung-de-but-pha-i340996/