Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Thêm dấu hiệu tích cực

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua tháng 4-2024 với dấu hiệu tích cực, tiếp tục 'ấm' lên khi giá trị trái phiếu phát hành tăng mạnh.

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn trái phiếu trong thời gian tới vẫn còn lớn. Các chuyên gia kỳ vọng, với sự cải thiện về kinh tế vĩ mô, thị trường sẽ sớm sôi động.

Ngành ngân hàng chiếm 43% tổng giá trị trái phiếu phát hành trong tháng 4-2024. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Ngành ngân hàng chiếm 43% tổng giá trị trái phiếu phát hành trong tháng 4-2024. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Giá trị phát hành tăng mạnh

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 4-2024 ghi nhận giá trị phát hành lớn nhất từ đầu năm. Theo số liệu của Công ty cổ phần FiinRatings (hoạt động trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm), trong tháng 4-2024, thị trường đón nhận 13 đợt phát hành mới với tổng giá trị đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, tăng 29,1% so với tháng liền trước và tương đương 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Còn dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, lũy kế từ đầu năm đến ngày 2-5, có 31 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 29.050 tỷ đồng và 6 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7,5% giá trị.

Theo FiinRatings, bên cạnh nhóm ngành bất động sản vẫn chiếm ưu thế, các ngân hàng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu. Hai ngành này chiếm lần lượt khoảng 56% và 43% tổng giá trị phát hành trong tháng 4-2024.

Chuyên gia của FiinRatings cho rằng, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, tiền gửi từ dân cư của các tổ chức tín dụng giảm trong quý I-2024 (giảm 0,76% so với cuối năm 2023) nhằm bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn...

Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh nhìn nhận, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục có dấu hiệu “ấm” lên cùng thị trường bất động sản khi thời gian qua thanh khoản đã có sự cải thiện. Diễn biến này cũng cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã qua vùng đáy, qua giai đoạn khó khăn nhất.

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực nhưng áp lực đáo hạn trái phiếu trong thời gian tới vẫn còn rất lớn. Tính đến ngày 2-5-2024, ước tính giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm là 257,17 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị trái phiếu của nhóm ngành bất động sản là 100,26 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng khối lượng đáo hạn.

Áp lực trả nợ đối với các nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và 2025 khá lớn, đặc biệt đối với trái phiếu chậm trả gốc/lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022 và 2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (ngày 5-3-2023) của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Rõ ràng, thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định.

Tạo điều kiện để phát triển hiệu quả, an toàn

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, là kênh huy động vốn hiệu quả đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, để thị trường này phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững là việc làm cần kíp.

Nhấn mạnh có hai điểm tích cực là áp lực rủi ro với trái phiếu không còn căng thẳng như thời điểm năm 2022 và năm 2023; thanh khoản của thị trường bất động sản đang tốt hơn, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh tháo gỡ pháp lý của các dự án bất động sản, đưa hàng tồn kho thành tài sản có thanh khoản nhằm giúp giảm áp lực đáo hạn trái phiếu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản phải giảm bớt lượng hàng tồn kho bằng việc giảm giá bán. Song song với đó, doanh nghiệp có phương án giãn, hoãn nợ và có kế hoạch trả nợ cụ thể, rõ ràng với trái chủ. Một giải pháp khác là Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư nhỏ lẻ thay vì chỉ được mua từ tổ chức.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - tài chính Định Trọng Thịnh cho rằng, thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện. Vì vậy, thời gian tới, thị trường trái phiếu sẽ sôi động hơn. Doanh nghiệp đã dần quen với việc thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (được triển khai đầy đủ từ đầu năm nay sau một thời gian giãn, hoãn). Dù doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu có thể gặp khó khăn song việc thực hiện nghị định này về lâu dài sẽ giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển hiệu quả, an toàn, ổn định và bền vững.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-them-dau-hieu-tich-cuc-667351.html