Thị trường thực phẩm những ngày đầu năm mới: Cung dồi dào, giá ổn định

Thị trường thực phẩm những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, tại các siêu thị nguồn cung dồi dào, giá ổn định; còn các chợ dân sinh, giá tăng nhẹ.

Từ mùng 2 Tết, một số chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích và siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố trên cả nước đã mở cửa bán hàng. Sức mua tăng trở lại cùng với nhu cầu mua sắm chuẩn bị hóa vàng, cúng gia tiên.

Theo báo cáo nhanh từ Bộ Công Thương, trong hệ thống siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định so với trước Tết.

Tại các chợ truyền thống, ngoài các mặt hàng hoa quả để dâng lễ đầu năm, các mặt hàng được bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống (thủy hải sản, thịt bò, các loại rau củ).

Tại các siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định so với trước Tết.

So với các ngày cận Tết (28 - 30 Tết), giá các mặt hàng rau củ, hoa tươi tại chợ không tăng nhiều, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thủy hải sản chỉ tăng nhẹ và tương đối ổn định. Mặc dù nhu cầu bắt đầu tăng, nguồn cung tương đối phong phú nên không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Theo khảo sát trên địa bàn Hà Nội, giá gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) ổn định từ 22.000 - 45.000 đồng/kg, thịt lợn 120.000 - 150.000 đồng/kg, gà ta làm sẵn dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, thịt bò thăn 280.000 - 300.000 đồng/kg,…

Giá mặt hàng thủy hải sản vẫn giữ mức tương đương với thị trường ngày 29, 30 Tết, ví dụ tôm có giá 300.000 - 400.000 đồng/kg, cá trắm 90.000 - 120.000 đồng/kg, cua, ghẹ giá khoảng 800.000 đồng/kg,…

Giá các loại rau củ tăng nhẹ so với ngày cận Tết. Trong đó, bắp cải có giá 12.000 - 15.000 đồng/kg, su hào 5.000 - 7.000 đồng/củ... Hoa, quả các loại cũng tăng nhẹ, cam canh có giá 50.000 - 70.000 đồng/kg, bưởi diễn 15.000 - 25.000 đồng/quả, hoa cúc 5.000 - 7.000 đồng/cành, hoa ly và hoa thược dược 25.000 - 35.000 đồng/cành,...

Thực phẩm tươi sống như cá, tôm được một số tiểu thương bày bán từ mùng 2 Tết, giá cả tăng nhẹ.

Một số tiểu thương tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, do thời tiết thuận lợi nên giá các loại rau không đắt như mọi năm.

Còn tại chợ Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), một số tiểu thương cũng cho biết, đầu năm hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, tuy nhiên lượng người mua chưa nhiều, có thể do người dân tích trữ thực phẩm từ trước Tết nên lượng mua giảm rõ rệt.

Theo cơ quan quản lý, từ mùng 4 Tết, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa bắt đầu mở hàng trở lại, mặt hàng được bày bán cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa tăng cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều chủ yếu vẫn là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản.

Tương tự, phía cơ quan quản lý giá là Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng dự báo, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu sẽ không có sự biến động bất thường về giá do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm vẫn chưa nhiều.

Để tiếp tục kiểm soát giá cả trong những ngày đầu năm mới, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý. Trong đó, giá cả các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn được kiểm soát để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa, ổn định thị trường.

H.Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thi-truong-thuc-pham-nhung-ngay-dau-nam-moi-cung-doi-dao-gia-on-dinh-166270.html