Thị trường tài chính 24h: Săn lùng cơ hội lúc thị trường điều chỉnh

VN-Index hồi phục lên gần 1.040 điểm; Thu từ lãi kéo giảm lợi nhuận ngân hàng; Lọc tìm 'hàng cơ bản'; Thống đốc: Tín dụng tăng 7,1%, lãi suất giảm hơn 0,3% so với trước đại dịch; Các ngân hàng trung ương lớn giữ lãi suất ổn định trong tháng 10…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 1/11 giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại 150.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 70,05 – 70,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 12,2 USD xuống 1.983,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng, giá vàng giảm về 1.975 USD trước khi bật trở lại trên 1.980 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,87 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.089 đồng/USD, tăng 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.410 – 24.750 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng đi ngang quanh 34.500 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,77 USD (+0,94%), lên 83,08 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,06 USD (+1,21%), lên 88,51 USD/thùng.

VN-Index hồi phục lên gần 1.040 điểm

Sau nhịp hồi kỹ thuật đầu phiên, VN-Index nhanh chóng quay lại xu thế giảm khi lực cầu yếu và chỉ khi về gần 1.020 điểm chỉ số mới hồi lên trên tham chiếu.

Sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán mạnh quay trở lại và khiến VN-Index rơi sát về mốc điểm trên, nhưng giống như lò xo, đà bật lên của chỉ số cũng mạnh hơn khi đưa VN-Index tăng một mạch lên gần 1.040 điểm, mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Tuy nhiên, dường như đây chỉ là phiên hồi phục kỹ thuật thuần túy và chủ yếu do lực cung được tiết giảm, bởi lực cầu khá dè dặt, khiến thanh khoản thị trường lại sụt giảm trở lại.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 17,94 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 366,09 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 1/11: VN-Index tăng 11,47 điểm (+1,12%), lên 1.039,66 điểm; HNX-Index tăng 3,48 điểm (+1,69%), lên 209,65 điểm; UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+0,94%), lên 81,7 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Ba (31/10), khi các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan chờ đợi cuộc họp của Fed với dự báo lãi suất sẽ được giữ nguyên.

Fed đã khởi động cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày và dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định trong thông báo vào thứ Tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi bài bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell để tìm manh mối về kế hoạch sắp tới của ngân hàng trung ương.

Tổng kết tháng 10, S&P 500, giảm 2,2%, Dow Jones giảm 1,4%, Nasdaq mất 2,8%

Kết thúc phiên 31/10: Chỉ số Dow Jones tăng 123,91 điểm (+0,38%), lên 33.052,87 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,98 điểm (+0,65%), lên 4.193,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 61,76 điểm (+0,48%), lên 12.851,24 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, khi các nhà đầu tư cảnh nhẹ nhõm sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã kiềm chế những thay đổi lớn đối với các thiết lập chính sách một ngày trước đó.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,41% lên 31.601,65 điểm. Chỉ số Topix rộng hơn tiến 2,53% lên 2.310,86 điểm.

"Các nhà đầu tư chuẩn bị cho một sự thay đổi diều hâu trong chính sách của BOJ đã cảm thấy nhẹ nhõm và mua lại cổ phiếu để trang trải các vị thế bán khống của họ", Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Tachibana Securities, cho biết.

BOJ hôm thứ Ba tiếp tục giữ nguyên chính sách lãi suất dài hạn bằng cách điều chỉnh chính sách kiểm soát lợi suất trái phiếu, nhưng họ vẫn giữ nguyên mức lãi suất cực thấp.

Phiên này, cổ phiếu nổi bật nhất là nhà sản xuất ô tô Toyota Motor với mức tăng 4,71%, sau khi công bố lợi nhuận quý vừa qua mạnh mẽ và mua lại 100 tỷ yên (660,81 triệu USD) cổ phiếu trong phiên chiều.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, khi cổ phiếu của gã khổng lồ rượu Kweichow Moutai tăng đã được bù đắp bởi sự thận trọng sau dữ liệu báo hiệu sự phục hồi gập ghềnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,14% lên 3.023,08 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,04% xuống 3.571,03 điểm.

Hoạt động nhà máy ở Trung Quốc bất ngờ thu hẹp Tháng 10, một cuộc khảo sát độc lập cho thấy vào thứ Tư, đặt ra câu hỏi trong tình trạng phục hồi kinh tế mong manh của nước này tại đầu quý IV.

Phiên này, cổ phiếu Kweichow Moutai tăng 5,7% sau đó nhà sản xuất rượu hàng đầu Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng giá bán của các sản phẩm rượu 53 độ cồn lên khoảng 20% từ ngày 1/11, lần tăng giá đầu tiên trong gần sáu năm.

Mức tăng của cổ phiếu lớn này đã cải thiện một số tâm lý trong thị trường cổ phiếu hạng A với chỉ số phụ về thực phẩm và đồ uống tăng 1,6%.

Chứng khoán Hồng Kông dao động trong biên độ hẹp, khi các nhà giao dịch duy trì lập trường thận trọng, tránh rủi ro trước cuộc họp của Fed.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,06% xuống 17.101,78 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,03% xuống 5.859,57 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng tích cực, với động lực đến từ cổ phiếu các nhà sản xuất chip.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 23,52 điểm, tương đương 1,03%, lên 2.301,51 điểm.

Cổ phiếu nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 2,54% và SK Hynix tăng 3,44%, mức tăng lớn nhất trong hai tuần.

Kết thúc phiên 1/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 742,80 điểm (+2,41%), lên 31.601,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,31 điểm (+0,14%), lên 3.023,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 10,70 điểm (-0,06%), xuống 17.101,78 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 23,57 điểm (+1,03%), lên 2.301,56 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Thu từ lãi kéo giảm lợi nhuận ngân hàng

Thu từ lãi là nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của các ngân hàng, nhất là ở những nhà băng nhỏ, song tín dụng năm nay tăng chậm, trong khi nợ xấu gia tăng, đòi hỏi phải mạnh tay trích lập dự phòng, khiến lợi nhuận suy giảm..>> Chi tiết

- Thống đốc: Tín dụng tăng 7,1%, lãi suất giảm hơn 0,3% so với trước đại dịch

Nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng khi tín dụng tăng trưởng quá chậm, nhiều gói vay ưu đãi ế ẩm, thủ tục cho vay còn khó khăn, nợ xấu cho vay đóng tàu 67 lên tới 90%...>> Chi tiết

- Lọc tìm “hàng cơ bản”

Săn lùng cơ hội đầu tư lúc thị trường điều chỉnh vẫn là chiến thuật quen thuộc và hiện tại, “kiên định với cơ bản tốt của ngành và doanh nghiệp” là xu hướng được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn..>> Chi tiết

- Các ngân hàng trung ương lớn giữ lãi suất ổn định trong tháng 10

Các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển đã lần đầu tiên đồng lòng không tăng lãi suất kể từ tháng 1/2022 trong cuộc họp tháng 10/2023, trong khi các thị trường mới nổi có sự chia rẽ..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-san-lung-co-hoi-luc-thi-truong-dieu-chinh-post332962.html