Thị trường chứng khoán 27/5: Áp lực chốt lời lớn, VN-Index giảm 13 điểm

Sau nhiều tăng phiên liên tiếp, áp lực bán chốt lời trong ngày thứ 5 đã khiến VN-Index có một phiên đảo chiều, đã có lúc chạm về mức 1.300 điểm. Thị trường có phiên điều chỉnh khá sâu với lực bán ở gần như mọi nhóm ngành.

Sau nhiều tăng phiên liên tiếp, áp lực bán chốt lời trong ngày thứ 5 đã khiến VN-Index có một phiên đảo chiều, đã có lúc chạm về mức 1.300 điểm. Thị trường có phiên điều chỉnh khá sâu với lực bán ở gần như mọi nhóm ngành. Điểm sáng ít ỏi thuộc về một số mã ngân hàng ở top sau như EIB, LPB, MSB và một số cổ phiếu bất động sản KDH, NVL, DXG.

Mặc dù giảm mạnh ngay sau phiên ATO, VN Index đã có thời điểm tiệm cận mốc 1,320 nhờ đà tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn như CTG, VHM… Kết thúc phiên giao dịch sáng, chỉ số đảo chiều giảm nhẹ với khoảng 15 trong 30 mã thuộc VN30 điều chỉnh. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng nhanh chóng chỉ sau ít phút giao dịch trong phiên chiều và theo đó khiến cho chỉ số VN Index quay đầu giảm hơn 17 điểm về mốc 1,300 điểm với sắc đỏ bao trùm nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong đó có nhóm ngân hàng. Mặc dù vậy, lực cầu khá dồi dào tại vùng giá thấp kể từ sau 14h đã giúp chỉ số VN – Index thu hẹp đà giảm đôi chút và kết thúc phiên giảm 13.13 điểm (-1.00%) đạt mức 1,303.57 và HNX – Index dừng tại mức 304.45 (-0.13%).

Chốt phiên, sàn HOSE có 101 mã tăng và 322 mã giảm, VN-Index giảm 13,13 điểm (-1,00%), xuống 1.303,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 733 triệu đơn vị, giá trị 24.088,2 tỷ đồng, tăng gần 3% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 47,9 triệu đơn vị, giá trị 2.178,5 tỷ đồng. Đây cũng là phiên có giá trị giao dịch cao nhất từ trước tới nay.

Các bluechip trong rổ VN30 giảm điểm phiên sáng phần lớn đã nới đà đi xuống, thậm chí hai mã lớn MSN và BVH có thời điểm còn về mức giá sàn, trước khi đóng cửa thu hẹp mức giảm MSN giảm 3,3% xuống 110.000 đồng và BVH đảo ngược tăng 1,1% lên 56.100 đồng.

Các cổ phiếu giảm sâu nhất có TCH giảm 3,9% xuống 22.100 đồng, SSI giảm 3,3% xuống 39.600 đồng, PLX giảm 2,5% xuống 53.900 đồng, GAS giảm 2,2% xuống 80.100 đồng. Các mã VIC, VHM, VRE, VNM, MWG, PNJ, FPT cũng giảm sâu. Ở nhóm ngân hàng, BID, MBB và TCB đều giảm 2,7%, CTG giảm 2,5%, HDB giảm 2,4%, TPB giảm 2,4%, VCB giảm 1,7%, VPB giảm 0,4% xuống. Riêng STB lội ngược dòng tăng 1% lên 29.800 đồng, khớp lệnh cao nhất nhóm và cũng lớn nhất HOSE với hơn 46,7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, có 26 mã tăng và 99 mã giảm, HNX-Index giảm 0,41 điểm (tương đương 0,14%), xuống 304,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 137,89 triệu đơn vị, giá trị 3.144,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 15,6 triệu đơn vị, giá trị 389,8 tỷ đồng, trong đó, chiếm phần lớn là 8,72 triệu cổ phiếu IDC ở mức giá sàn, trị giá gần 289,8 tỷ đồng. Hai mã ngân hàng phiên sáng là BAB và NVB vẫn là trụ đỡ chính. Theo đó, BAB +3,9% lên 29.100 đồng, NVB có thời điểm chạm mức giá trần, trước khi đóng cửa +9,94% lên 19.800 đồng.

Các cổ phiếu lớn như SHB giảm 1,7% xuống 29.500 đồng, PVS giảm 2,7% xuống 22.000 đồng, SHS giảm 2,3% xuống 33.500 đồng, MBS giảm 2,4% xuống 24.100 đồng, BSI giảm 3,5% xuống 16.600 đồng, TNG giảm 2% xuống 19.400 đồng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,02 điểm (+1,23%), lên 84,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70,1 triệu đơn vị, giá trị 1.217,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 26,3 triệu đơn vị, giá trị 470,3 tỷ đồng.

Áp lực chốt lời xuất hiện trong phiên hôm nay nhưng thanh khoản không tạo được đột biến cho thấy lực cung phần nhiều là hành động chốt lời ngắn hạn của một bộ phận nhà đầu tư đã “bắt đáy” thành công từ đầu tháng. Ap lực chốt lời tại ngưỡng 1,320 là tương đối mạnh và chỉ số VN Index sẽ chưa thể xuất hiện xu hướng hồi phục vững chắc trong những phiên tới. Nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu dẫn dắt nhưng cần sẵn sàng chốt lời trong phiên cuối tuần nếu nhịp hồi phục suy yếu và thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều giảm sâu với khối lượng tăng mạnh.

Giao dịch khối ngoại khá tích cực khi họ mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp với tổng giá trị 252 tỷ đồng. Lực mua của khối ngoại tập trung chủ yếu vào PLX (136 tỷ đồng) và THD (133 tỷ đồng). Trong đó, lực mua PLX nhiều khả năng đến từ "đại gia" xăng dầu Nhật Bản Eneos Corporation. Trên HoSE, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp với 866 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 103,29 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng khá mạnh với giá trị 159 tỷ đồng. Ngược lại, trên sàn UPCom, sau 2 phiên mua ròng liên tiếp, khối ngoại đã quay đầu bán ròng 10,02 tỷ đồng trong phiên hôm nay.

Minh Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chung-khoan/thi-truong-chung-khoan-27-5-ap-luc-chot-loi-lon-vn-index-giam-13-diem/20210527084733582