Thị trường châu Á phiên 5/3: Giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp
Trong phiên 5/3 tại châu Á, giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp, do lo ngại về triển vọng tiêu thụ. Giá vàng áp sát mức cao nhất trong ba tháng, còn các thị trường chứng khoán giảm điểm.
*Giá dầu đi xuống phiên thứ hai liên tiếp
Giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp vào ngày 5/3, khi cam kết của Chính phủ Trung Quốc về chuyển đổi nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ hậu đại dịch COVID-19 không gây ấn tượng với các nhà đầu tư đang lo ngại về triển vọng tiêu thụ chậm hơn.
Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2023 giảm 32 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống 82,48 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ giảm 41 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống 78,33 USD/thùng. Giá dầu Brent đang trên đà giảm phiên thứ năm liên tiếp.
Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và hạn chế tình trạng dư thừa công suất trong khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào năm 2024 là khoảng 5%, tương tự như mục tiêu vào năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, mục tiêu đó sẽ khó đạt được hơn trong năm nay vì năm 2023 Trung Quốc được hưởng lợi từ mức so sánh cơ bản thấp của năm 2022 sau đại dịch COVID-19. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư năng lượng.
Trung Quốc- nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới cũng cam kết đẩy mạnh hoạt động thăm dò, phát triển nguồn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên nhưng đồng thời cam kết thắt chặt kiểm soát tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù lo ngại về triển vọng nhu cầu của Trung Quốc gây áp lực giảm giá dầu, các yếu tố nguồn cung xuất phát từ việc các nhà sản xuất lớn giảm sản lượng và lo ngại địa chính trị từ cuộc xung đột tại dải Gaza đã hỗ trợ cho giá dầu thô.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày sang quý II/2024 để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh lo ngại tăng trưởng toàn cầu giảm và sản lượng ngoài OPEC tăng.
*Giá vàng áp sát mức cao nhất trong ba tháng
Giá vàng vẫn được giao dịch gần mức cao nhất trong ba tháng trong phiên 5/3 bởi hoạt động chi tiêu xây dựng và sản xuất của Mỹ sụt giảm, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi phát biểu từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ trong tháng 2/2024 để đưa ra các tín hiệu về chính sách lãi suất.
Giá vàng giao ngay không đổi ở mức 2.114,99 USD/ounce, dao động quanh mức cao nhất kể từ ngày 4/12 là 2.119,69 USD/ounce đạt được vào ngày 4/3. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống 2.123,90 USD/ounce
Chiến lược gia Joni Teves của UBS cho biết: “Sự phục hồi của giá vàng được kích hoạt bởi dữ liệu kinh tế yếu hơn dự đoán của Mỹ và sự sụt giảm của lãi suất thực. Nhưng xu hướng chung là đẩy mạnh mua vào ở mức giá thấp và tâm lý tích cực của nhà đầu tư đối với vàng cũng khiến thị trường dễ có chiều hướng tăng giá”.
Hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 2/2024, cùng với việc lạm phát giảm dần, trong khi tâm lý người tiêu dùng vẫn yếu. Ông Raphael Bostic, Chủ tịch chi nhánh Atlanta của Fed, cho biết ngân hàng này không chịu áp lực phải cắt giảm lãi suất khẩn cấp, nhấn mạnh nền kinh tế và thị trường việc làm Mỹ vẫn đang "thịnh vượng".
Trọng tâm thị trường hiện chuyển sang phiên điều trần trước Quốc hội kéo dài hai ngày của Chủ tịch Fed Powell vào ngày 6-7/3, trong khi chờ đợi dữ liệu việc làm tháng Hai, qua đó giúp các nhà đầu tư có thêm manh mối về "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ và thời điểm cắt giảm lãi suất tiềm năng của Fed.
Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản không sinh lời.
Cũng trong phiên này, giá bạch kim giao ngay giảm 0,6% xuống 891,95 USD/ounce, giá palladium giảm 1,3% xuống 947,80 USD/ounce, trong khi giá bạc giảm 0,3% xuống 23,83 USD/ounce.
Tại Việt Nam, cuối ngày 5/3, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 78,70 - 80,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
* Chứng khoán châu Á giảm điểm
Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm vào phiên giao dịch 5/3, sau khi Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm đầy tham vọng 5% và cổ phiếu Phố Wall giảm trước khi Mỹ công bố các chỉ số kinh tế quan trọng trong tuần này.
Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đi ngang, một ngày sau khi chỉ số này đạt mức cao kỷ lục, lần đầu tiên đóng cửa trên 40.000 điểm.
Tại Hàn Quốc, thị trường đóng cửa giảm điểm trong phiên do các nhà đầu tư bán tháo chốt lời trong khi chờ đợi chính sách kinh tế của Trung Quốc. Chỉ số KOSPI mất 24,87 điểm, tương đương 0,93%, xuống 2.649,4 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán Hong Kong cũng đỏ sàn trong phiên 5/3, sau khi Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5% và Phố Wall sụt giảm trước khi công bố các chỉ số kinh tế quan trọng của Mỹ. Chỉ số Hang Seng kết thúc giảm 2,6%, tương đương 433,33 điểm, đóng cửa ở mức 16.162,64 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,3%, tương đương 8,49 điểm, lên 3.047,79 điểm.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 5/3, chỉ số VN - Index tăng 8,57 điểm (0,68%) lên 1.269,98 điểm. Chỉ số HNX - Index lại hạ 0,03 điểm (0,01%), xuống 237,35 điểm.