Thêm những ngày đàng...

Ở Việt Nam, Nguyễn Quang Hải có tất cả những gì mà một cầu thủ mong muốn. Khi đội bóng Công an Hà Nội chiêu mộ Quang Hải, những thành viên cốt cán của đội cho rằng đó là quyết định đầy mạo hiểm, bởi phong độ của Quang Hải xuống thấp, 4 tháng liên tiếp không được ra sân bên trời Âu.

Quang Hải đáp lại niềm tin của đội bóng ngành công an bằng việc từng bước trở lại phong độ đỉnh cao, đóng góp một phần vào chức vô địch V-League 2023. Ở mùa giải này, ngay cả khi Câu lạc bộ Công an Hà Nội khó đua vô địch V-League với Nam Định, phong độ của Quang Hải vẫn rất ấn tượng khi có cho mình 7 bàn thắng.

Câu lạc bộ Công an Hà Nội đương nhiên muốn níu giữ Quang Hải, khi thời hạn hợp đồng từng bước đếm ngược đến tháng cuối cùng. Một lời đề nghị lớn được gửi đến Quang Hải. Vậy nhưng, anh cùng người đại diện vẫn muốn ra nước ngoài chơi bóng.

 Quang Hải dường như quyết tâm xuất ngoại lần nữa.

Quang Hải dường như quyết tâm xuất ngoại lần nữa.

Trong những trận đấu cuối cùng huấn luyện viên Troussier cầm quân, Quang Hải biết mình không còn cơ hội để giúp đội tuyển Việt Nam. Người đại diện của anh cũng hiểu rằng thân chủ không để lại bất kỳ dấu ấn nào trong mắt các tuyển trạch viên. Đặc biệt là đại diện đến từ Consadole Sapporo khi ấy. Nhưng đội bóng Nhật Bản không chỉ quan tâm nhất thời với Quang Hải. Kể cả khi không có 2 trận đấu kể trên (Việt Nam gặp Indonesia ở vòng loại World Cup), họ vốn dĩ đã bám sát anh suốt thời gian dài trước đó.

Consadole Sapporo có một chiến lược đặc biệt với các cầu thủ Đông Nam Á. 11 năm trước, họ từng mượn Lê Công Vinh trong vòng 5 tháng. Chính sách mở rộng nhận diện thương hiệu tại khu vực có nền bóng đá đang phát triển tiếp tục được Consadole Sapporo áp dụng khi lần lượt chiêu mộ Chanathip Songkrasin, Supachok Sarachat (Thái Lan), Irfan Bachdim, Stefano Lilipally (Indonesia).

Tất nhiên, mọi thứ vẫn có thể xoay trở 180 độ. Quang Hải có đến Consadole Sapporo hay không vẫn cần một câu trả lời chính thức trong tháng 6.

Quan trọng là, Quang Hải đang nung nấu xuất ngoại lần nữa. Lịch sử bóng đá Việt Nam chỉ ghi nhận 3 trường hợp trước đó dám làm như vậy. Đó là Lê Công Vinh, Lương Xuân Trường và Nguyễn Công Phượng. Trong đó, Công Phượng ra đi theo dạng mua đứt bán gọn, thay vì giao kèo cho mượn như 2 trường hợp còn lại.

Nhưng dẫu sao, bên cạnh Công Phượng vẫn còn vợ con ở bên hằng ngày. Anh không cảm thấy cô đơn khi một lần nữa sang Nhật Bản thi đấu. Còn với Quang Hải, thật khó để anh có thể đưa gia đình sang ở thời điểm chân ướt chân ráo tới xứ sở phù tang, nhất là khi vợ anh chuẩn bị đến thời điểm sinh nở.

Nếu sang Consadole Sapporo, Quang Hải sẽ không nhận được khoản tiền hậu hĩnh như khi còn chơi bóng cho Câu lạc bộ Công an Hà Nội. Nhưng anh vẫn nhận được đãi ngộ hợp lý và tương xứng với nỗ lực bỏ ra. Ngoài tiền lương, Hải “con” sẽ được nhận tiền lót tay. Quang Hải cũng có thể nhận thêm một số khoản thu nhập khác xoay quanh câu chuyện chuyên môn. Cụ thể, anh sẽ được thưởng dựa trên số lần ra sân, bàn thắng và kiến tạo.

Quang Hải hiểu rằng anh cần phải nắm giữ từng cơ hội, để không nuối tiếc điều gì khi treo giày sau đây vài năm nữa. Cứ đi thôi, khi ta còn trẻ. Cứ hết mình, khi cuộc đời cho phép. Quang Hải xuất ngoại không chỉ thử thách cho bản thân anh mà đó còn là cách để anh khơi dậy thêm ý chí và khát vọng xuất ngoại cho những thế hệ hậu bối của bóng đá nước nhà...

Bài và ảnh: TRỊNH MỸ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/them-nhung-ngay-dang-778295