Thêm những mô hình sản xuất mới ở vùng ngoại ô Thành phố
Thời gian qua, nhiều nông dân của Thành phố đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới, như: nho, thanh long, măng tây, chuối tiêu hồng... đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Theo lời giới thiệu của Bí thư chi bộ bản Muông, xã Chiềng Ngần, chúng tôi tới thăm mô hình trồng chuối tiêu hồng trên đất dốc của một số hộ dân trong bản. Mô hình này bắt đầu trồng từ cuối năm 2018, được Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh triển khai thực hiện với hơn 90 hộ dân tham gia. Các hộ này còn được Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm (Hà Nội) hỗ trợ về giống và phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch... Phù hợp với thổ nhưỡng nên cây chuối sinh trưởng phát triển tốt, và chỉ mất công trồng 1 lần, năng suất, sản lượng ổn định... Đến nay, bản có 11,7 ha trồng chuối tiêu hồng, trong đó 7 ha đã cho thu hoạch.
Dẫn chúng tôi thăm vườn chuối của gia đình, ông Cà Văn Pành, bản Muông, vui vẻ nói: Sau 10 tháng chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng chuối, đến nay hơn 300 gốc chuối của gia đình đã cho thu hoạch, lứa quả đầu tiên đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên bán được 200 nghìn đồng/buồng, còn giá bình thường dao động từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg. Niên vụ 2020, nhà tôi thu gần 100 triệu đồng.
Theo ông Pành, cây chuối tiêu hồng cho hiệu quả kinh tế cao lại dễ trồng, dễ chăm sóc. Giống chuối này ít sâu bệnh nên không sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật. Khi chín quả chuối có màu vàng đẹp, hương vị thơm ngon, quả chắc và không chua như những giống chuối tiêu khác; thời gian quả chín kéo dài nên thuận tiện cho việc vận chuyển đi tiêu thụ.
Tiếp tục tham quan mô hình trồng măng tây của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bản Sẳng, xã Chiềng Xôm. Đây là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và thị trường đang có nhu cầu rất lớn. Nắm bắt được yếu tố này, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bản Sẳng trồng thử nghiệm 1.000m² măng tây trên diện tích ngô kém hiệu quả.
Ông Lò Văn Nghĩ, Giám đốc HTX, cho biết: Khi mới trồng măng tây, khâu khó nhất là kỹ thuật trồng và lựa chọn giống... Khắc phục khó khăn, các thành viên HTX đã tích cực tham khảo tài liệu, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, hiểu đặc tính của cây nên và đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt nên toàn bộ 1.000 m² măng tây của HTX phát triển tốt. Sau 6 tháng, cây đã bắt đầu cho thu hoạch, mầm măng to, mập, được thị trường ưa chuộng. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục vận động bà con đưa cây măng tây vào trồng; đồng thời, sẽ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Măng tây trồng 1 lần, sau 8 tháng, có thể cho thu hoạch trong thời gian từ 6-10 năm và cho thu hoạch hằng ngày trong suốt 5 tháng. Hiện nay, HTX đang ươm bầu để mở rộng diện tích trồng thêm 1.000m² măng nữa.
Ông Lò Văn Sinh, thành viên của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bản Sẳng, chia sẻ: Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ trồng măng tây, tôi đã chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa của gia đình sang trồng thử nghiệm. Được hướng dẫn kỹ thuật, nên toàn bộ 500m² măng tây của gia đình tôi đang phát triển tốt.
Có thể thấy, mô hình trồng chuối tiêu hồng và cây măng tây ở Thành phố đã và đang mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, tạo niềm tin trong nhân dân về việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Thành công bước đầu từ mô hình trồng chuối tiêu hồng, măng tây, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.