Thêm dự án giao thông tại Quảng Bình vướng mắc đấu nối
Dự án Đường nối từ Quốc lộ 1 đến quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) tại Quảng Bình có nguy cơ không đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra nếu không giải quyết dứt điểm vướng mắc điểm đấu nối.
Vướng mắc
Tuyến đường nối từ Quốc lộ 1 đến quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc dài 5,5 km, thiết kế 4 làn xe. Đây là một trong các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Bình, có tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách đầu tư công trung hạn Trung ương phân bổ cho tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của Dự án nhằm kết nối các khu du lịch trên địa bàn; khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng đất cát ven biển, bãi biển Ngư Thủy Bắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lệ Thủy cũng như khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Bình; giảm thiểu ách tắc, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông trong vùng; phục vụ tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp trong mùa mưa lũ, góp phần đảm bảo giao thông, trật tự an toàn xã hội; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tại Quảng Bình, ngoài Dự án Đường nối từ Quốc lộ 1 đến quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc, Dự án Đường từ cầu Nhật Lệ II đến đường tránh TP. Đồng Hới (thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Đồng Hới) cũng gặp vướng mắc về thủ tục đấu nối vào đường Quốc lộ 1.
UBND huyện Lệ Thủy, đơn vị được giao làm chủ đầu tư Dự án cho biết, qua hơn 2 năm triển khai, Dự án đã vượt tiến độ ở những vị trí đã được bàn giao mặt bằng sạch, song lại gặp vướng mắc lớn khó giải quyết trong việc đấu nối Dự án vào đường tránh lũ BOT của tuyến Quốc lộ 1 tại Km696+839.
Cũng theo UBND huyện Lệ Thủy, ngày 13/4/2022, UBND huyện đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (chủ đầu tư tuyến đường tránh lũ) lấy ý kiến mở rộng nút giao đấu nối Dự án tại vị trí nói trên vào tuyến đường tránh lũ. Trong văn bản trả lời đề ngày 6/5/2022, Tập đoàn Trường Thịnh cho biết: không đồng ý với phương án đấu nối của UBND huyện Lệ Thủy.
Khó đạt mục tiêu
Ngày 2/10/2023, UBND huyện Lệ Thủy tiếp tục có văn bản gửi Tập đoàn Trường Thịnh đề xuất phương án đấu nối tuyến đường nối từ Quốc lộ 1 đến quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc vào đường tránh lũ BOT tại vị trí bến phải tuyến. Theo nhận định của UBND huyện Lệ Thủy, việc đấu nối này sẽ không ảnh hưởng đến lưu lượng thu phí cũng như phân lưu phương tiện né tránh qua trạm thu phí BOT Quán Hàu của Tập đoàn Trường Thịnh.
Ngày 25/10/2023, Tập đoàn Trường Thịnh có văn bản trả lời UBND huyện Lệ Thủy. Lần này, dù vẫn bảo lưu nhận định việc đấu nối (chỉ một bên phải tuyến) trong tương lai sẽ tạo điều kiện cho các phương tiện né trạm thu phí và gây nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn giao thông, nhưng doanh nghiệp cũng đã đồng ý với phương án này để tạo điều kiện cho địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế.
Theo đó, Tập đoàn Trường Thịnh đưa ra điều kiện: sau này, khi nút giao đấu nối bên phải hoàn thành đưa vào sử dụng, nếu đơn vị này phát hiện các phương tiện lưu thông qua nút giao để tránh trạm thu phí và làm giảm lưu lượng tại trạm thu phí BOT Quán Hàu, giảm doanh thu phí hoàn vốn đầu tư, Tập đoàn sẽ thông báo đến các cơ quan và UBND huyện Lệ Thủy để đóng điểm đấu nối.
Trước đó, tháng 6/2020, tại cuộc họp bàn về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đấu nối vào các dự án BOT Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ có ý kiến kết luận, đối với các điểm đấu nối gây thất thoát lưu lượng, việc thỏa thuận đấu nối chỉ được xem xét sau khi thống nhất phương án xử lý giữa Bộ GTVT, UBND tỉnh và Tập đoàn Trường Thịnh. Đồng thời, khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn có đấu nối trực tiếp hoặc không trực tiếp vào quốc lộ, nếu việc đầu tư có thể gây phân lưu ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư dự án BOT, Bộ GTVT đề nghị 2 địa phương có văn bản lấy ý kiến của Bộ và thỏa thuận với nhà đầu tư BOT trước khi phê duyệt dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, vấn đề này thuộc về cơ chế, chính sách, vượt thẩm quyền xử lý của UBND tỉnh. Do vậy, tỉnh chỉ có thể tiếp tục đề xuất Bộ GTVT và đề nghị nhà đầu tư BOT xem xét các phương án giải quyết hợp lý để ủng hộ địa phương.