Thế trận cầu đường Đông-Tây Trường Sơn trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, các lực lượng Bộ đội Trường Sơn, trong đó lực lượng Công binh Trường Sơn luôn đi trước mở đường, bảo đảm đường cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật cho các binh đoàn chủ lực nhanh chóng, kịp thời tham gia các chiến dịch.

Đến đầu năm 1973, hệ thống bao gồm 4 trục dọc và gần 20 trục ngang đã được xây dựng. Tuy vậy, hầu hết là đường dã chiến được làm gấp gáp chỉ chạy được trong mùa khô. Các cầu cống đều làm tạm, mặt đường bằng đất, lầy lội, chưa thể đáp ứng được các chiến dịch vận chuyển lớn. Sau Hiệp định Paris, nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn chuyển sang giai đoạn mới. Ngày 5-3-1973, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ phát triển tuyến vận tải chiến lược, chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Trường Sơn họp thông qua kế hoạch 3 năm (1974-1976), trong đó, nhiệm vụ của công binh Trường Sơn là: Cải tạo tuyến Tây Trường Sơn và xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn cùng hệ thống đường ống xăng dầu, tạo cơ sở vững chắc cho vận chuyển khối lượng vật chất và cơ động bộ đội, binh khí kỹ thuật ra chiến trường; cơ giới hóa toàn bộ tuyến hành quân, bảo đảm hành quân đơn vị lớn và đưa binh khí kỹ thuật vào chiến trường…

 Mùa Xuân năm 1975, Công binh Trường Sơn đảm bảo giao thông 7 tuyến đường, với tổng chiều dài 2.577km; khôi phục và bắc mới 90 cầu, với tổng chiều dài hơn 4.200m. Ảnh tư liệu

Mùa Xuân năm 1975, Công binh Trường Sơn đảm bảo giao thông 7 tuyến đường, với tổng chiều dài 2.577km; khôi phục và bắc mới 90 cầu, với tổng chiều dài hơn 4.200m. Ảnh tư liệu

Thực hiện nhiệm vụ trên, từ năm 1973 đến năm 1975, Bộ tư lệnh Trường Sơn điều chỉnh tổ chức các trung đoàn, binh chủng trong sư đoàn khu vực, trong đó có các trung đoàn công binh; thành lập Sư đoàn Công binh 473; chuyển 2 sư đoàn khu vực 470, 472 thành 2 sư đoàn công binh; thành lập thêm Sư đoàn Công binh 565.

Cải tạo nâng cấp hệ thống Đường Tây Trường Sơn

Triển khai thực hiện kế hoạch về bảo đảm thế trận cầu đường, Bộ tư lệnh đã chỉ đạo cải tạo nâng cấp hệ thống đường Tây Trường Sơn, gồm hai trục: Trục thứ nhất, từ Phong Nha (Đường 20) và từ Thạch Bàn (Đường 16) vượt Trường Sơn sang phía Tây đến Bản Đông theo Đường 24 vào Bản Phồn (tỉnh Tà Ven Ọc), đi Át Ta Pư đến Phi Hà (Ngã ba Đông Dương) vượt Trường Sơn về Việt Nam đến Plây Khốc nhập vào tuyến phía Đông, dài 720km. Trục thứ hai, từ Hướng Hóa theo Đường 9 qua Lao Bảo đến Mường Phìn, theo Đường 23 qua Sa La Van, đến Thà Teng, theo Đường 16 đến Bản Phồn nhập vào trục thứ nhất.

Từ tháng 2-1973, Sư đoàn 471 và 472 đảm nhiệm xây dựng tuyến Tây Trường Sơn. Tháng 5-1974, các sư đoàn khu vực chuyển thành sư đoàn binh chủng; Sư đoàn 472 chuyển thành Sư đoàn Công binh 472 (gồm 6 trung đoàn và các tiểu đoàn độc lập) đảm nhiệm thi công toàn bộ hai trục phía Tây.

Do yêu cầu nhiệm vụ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản tuyến phía Đông, tháng 8-1974, Sư đoàn 472 rút về phía Đông Trường Sơn để xây dựng cơ bản. Bên Tây Trường Sơn để lại Trung đoàn 34 tiếp tục thi công nhánh từ Đường 9 vào Sa La Van-Bản Phồn-Át Tô Pư. Tiểu đoàn 43 thi công cầu treo Bản Đông; ba tiểu đoàn (29, 41, 71) sửa chữa kết hợp bảo đảm giao thông từ Bản Đông đi Mường Phìn-Sa La Van-Át Tô Pư-Phi Hà-Plây Khốc. Một trung đoàn của Sư đoàn 473 rải nhựa mặt Đường 9, từ Hướng Hóa (Quảng Trị) sang Bản Đông (Sananakhet).

Xây dựng cơ bản đường Đông Trường Sơn

Dự đoán tình hình chiến trường sẽ thay đổi, việc xây dựng đường Đông Trường Sơn được tích cực triển khai. Đây là trục dọc xuyên suốt Đông Trường Sơn, điểm đầu từ Tân Kỳ (Nghệ An), điểm cuối ở Chơn Thành (Bình Phước), với tổng chiều dài 1.200km, đi qua 11 tỉnh của Việt Nam. Tháng 2-1973, Cục Tham mưu Công binh nhận nhiệm vụ khảo sát thiết kế cơ bản tuyến “Đông Trường Sơn”.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền phát biểu tại Hội thảo khoa học về Bộ đội Trường Sơn, ngày 17-5-2024. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền phát biểu tại Hội thảo khoa học về Bộ đội Trường Sơn, ngày 17-5-2024. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Bộ tư lệnh Trường Sơn thành lập 16 trung đoàn công binh, trong đó có 2 trung đoàn cầu độc lập, 14 trung đoàn nằm trong các sư đoàn 470, 473, thi công từ Khe Gát (Quảng Bình) vào đến Chơn Thành. Sau hơn 100 ngày thi công, Công binh Trường Sơn được sự hỗ trợ của các lực lượng khác, đã hoàn thành nền trục dọc Đông Trường Sơn từ Cù Bai (Tây Quảng Trị) vào đến Đắc Min (Tây Đắk Lắk) dài 1.000km.

Trung đoàn Công binh 4 và 574 (Sư đoàn 470) được giao nhiệm vụ xây dựng Đường 128 (Đường 14) từ Đắc Công-Sê Rê Pốc-Bù Gia Mập, sau đó kéo dài đến Lộc Ninh. Trong năm 1974, Công binh Trường Sơn đã xây dựng 3 cầu treo: Cầu Bản Đông trên Đường 42 (từ Bến Tắt về Cam Lộ), cầu Bản Đông trên Đường 29A (từ Bản Đông đến Mường Noòng), cầu treo Đakrông trên Đường 14 (từ Hướng Hóa đến A Lưới).

Hệ thống cầu đường Đông - Tây Trường Sơn được nâng cấp sửa chữa, lực lượng vận tải có điều kiện tổ chức vận chuyển với đội hình lớn, chạy cung đoạn dài. Thế trận cầu đường chiến lược hoàn chỉnh và dự trữ hậu cần đủ đáp ứng cho quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong mùa Xuân năm 1975 toàn thắng.

Bảo đảm giao thông trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975

Đầu năm 1975, lực lượng bảo đảm giao thông ở Tây Trường Sơn chỉ còn Trung đoàn 34 và 4 tiểu đoàn độc lập (29, 41, 43, 71) vừa cải tạo nâng cấp đường vừa bảo đảm vận chuyển vào chiến trường. Trung đoàn 34 tập trung sửa chữa, nâng cấp Đường 22 từ Bản Đông qua Sa La Van vào Bản Phồn và thẳng tuyến, mở rộng nền đường 8m, hạ bớt độ dốc. Ba tiểu đoàn 29, 41 và 71 rải ra bảo đảm giao thông và sửa chữa đường từ Bản Đông sang Kon Tum.

Lúc này, Trung đoàn Công binh 576 được thành lập, có nhiệm vụ làm đường cấp phối đồi và cấp phối sỏi suối từ khu vực Bản Phồn, tỉnh Tà Ven Oọc vào Át Tô Pư đến Phi Hà-Ngã ba Đông Dương sang Plây Khốc-Kon Tum. Tiếp đó, Sư đoàn Công binh 565 được thành lập, gồm hai trung đoàn công binh 34 và 576; Trung đoàn bộ binh 39 (Sư đoàn 968) được điều sang làm nhiệm vụ công binh. Sư đoàn triển khai từ Bản Đông vào Plây Khốc, tập trung sửa đường, bảo đảm giao thông cho việc đưa lực lượng vào chiến trường.

Lúc này, đường Đông Trường Sơn, chỉ sử dụng được một số đoạn, việc cơ động lực lượng, xe tăng, pháo phải đi theo đường Tây Trường Sơn vào Tây Nguyên và Nam Bộ là chủ yếu. Hướng vận chuyển theo Đường 9, từ Đông Hà qua Lao Bảo sang Lào, các đơn vị tập trung sửa đường, bảo đảm giao thông cho xe pháo cơ động liên tục suốt ngày đêm. Khẩn trương hoàn thành cầu treo Bản Đông, đến cuối tháng 3-1975, Tiểu đoàn 43 căng xong dây cáp, đặt xong hệ dầm, chưa kịp đổ bê tông mặt cầu, đơn vị dùng gỗ lát mặt cầu để xe pháo hành quân, rút ngắn đường cơ động vào chiến trường.

Đầu năm 1975, Trung đoàn 575 được thành lập thuộc Sư đoàn 470, đã khai thông trục Đường 50B, các nhánh 50C, 50D và tổ chức xong đội hình công binh hộ tống xe tăng bảo đảm cho các đơn vị chủ lực đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch…

Mùa Xuân 1975, Công binh Trường Sơn đảm bảo giao thông 7 tuyến đường, với tổng chiều dài 2.577km; khôi phục và bắc mới 90 cầu, với tổng chiều dài hơn 4.200m; phá dỡ hàng trăm chướng ngại vật, bảo đảm cho các lực lượng cơ động thần tốc, an toàn vào giải phóng Sài Gòn. Riêng trên Quốc lộ 1, đoạn Đông Hà-Sài Gòn, công binh Trường Sơn đã khôi phục, sửa chữa và đảm bảo giao thông trên 800km với 70 cây cầu vượt sông. Lực lượng Công binh Trường Sơn đã mở con đường chi viện chiến lược để đưa cả dân tộc tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân HOÀNG KIỀN, Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/the-tran-cau-duong-dong-tay-truong-son-trong-tong-tien-cong-va-noi-day-mua-xuan-nam-1975-777486