Thế giới tuần qua: Tổng thống Biden đọc Thông điệp liên bang đầu tiên; Đàm phán Nga-Ukraine đạt bước tiến nhân đạo
Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra những phát biểu quan trọng trong Thông điệp liên bang đầu tiên giữa thời điểm nhiều biến động và hòa đàm Nga-Ukraine có tiến triển về vấn đề nhân đạo là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần qua.
Thông điệp liên bang đầu tiên của Tổng thống Joe Biden
Hôm 1/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đọc bản Thông điệp Liên bang đầu tiên với tư cách là người đứng đầu quốc gia. Bài phát biểu tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm vấn đề Ukraine, đại dịch COVID-19 và kinh tế Mỹ.
Nêu bật vấn đề xung đột Nga-Ukraine trước lưỡng viện Quốc hội, Tổng thống Biden tái khẳng định Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine sau chiến dịch quân sự của Nga. Ông cũng nhấn mạnh việc điều quân đến châu Âu không phải để tham chiến, mà để bảo vệ các đồng minh của nước này trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Biden cho biết thêm rằng vì mục tiêu trên, Mỹ đã huy động lực lượng mặt đất, phi đội không quân, triển khai tàu nhằm bảo vệ các nước NATO, bao gồm Ba Lan, Romania, Latvia, Lithuania (Litva) và Estonia. Ông nhấn mạnh Mỹ và các nước đồng minh sẽ “bảo vệ lãnh thổ của các nước NATO bằng toàn bộ sức mạnh tập thể”.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang bấp bênh thời hậu COVID-19 với những biến động liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Biden đã đưa ra một số kế hoạch giải quyết tình hình lạm phát tăng vọt. Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ cho biết ông muốn ngăn lạm phát bằng cách hạ giá thành sản xuất hàng hóa, không phải hạ mức lương của người dân. Ông tuyên bố sẽ cắt giảm chi phí chăm sóc trẻ em, không tăng thuế đối với bất kỳ ai có thu nhập dưới 400.000 USD/năm. Đồng thời, Tổng thống cũng đề ra kế hoạch củng cố cơ sở hạ tầng, tăng tường sản xuất nhằm đưa đưa nước Mỹ vượt lên trong cuộc cạnh tranh kinh tế của thế kỷ 21.
Về vấn đề giá nhiên liệu tăng mạnh, ông Biden tuyên bố Mỹ và các đồng minh đã nhất trí “xả kho” 60 triệu thùng dầu dự trữ để hạ nhiệt tình hình, kìm hãm giá dầu phi mã. Ông đảm bảo chính phủ sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Cũng trong bài phát biểu, người đứng đầu Nhà Trắng đã đề ra kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống lại đại dịch. Tổng thống cho rằng Mỹ đang ở “giai đoạn mới” của đại dịch khi số ca mắc giảm và khẳng định nước này “sẽ không bao giờ chỉ chấp nhận sống chung với COVID-19”. Ông cho biết cần tiếp tục cảnh giác trước các biến thể virus SARS-CoV-2 mới.
Ông cũng tái đề cập đến tầm quan trọng của vaccine và việc điều trị COVID-19, trong đó có sử dụng thuốc kháng virus của Pfizer. Ngoài ra, vị tổng thống cũng cho biết chính quyền đã sản xuất hàng trăm triệu bộ xét nghiệm miễn phí cho người dân.
Có thể thấy rằng những luận điểm được Tổng thống Biden đưa ra trong Thông điệp Liên bang 2022 đã khẳng định được các kế hoạch quan trọng và chương trình phát triển nhằm hồi sinh đất nước, nâng cao vị thế của Mỹ, đồng thời thuyết phục người dân trước những quyết sách còn gây tranh cãi.
Hòa đàm Nga-Ukraine đạt bước tiến về vấn đề nhân đạo
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã bước sang tuần thứ 2. Trong một diễn biến mới nhất, Nga đã tuyên bố tạm thời ngừng bắn nhằm tạo điều kiện mở các hành lang nhân đạo cho dân thường sơ tán khỏi vùng chiến sự. Động thái này được coi là bước tiến tích cực sau 2 vòng đàm phán giữa Moskva và Kiev.
Theo hãng tin Interfax, vào lúc 10h sáng ngày 5/3 (theo giờ địa phương), các lực lượng vũ trang Nga tuyên bố sẽ thực thi lệnh ngừng bắn tạm thời để mở hành lang nhân đạo giúp người dân có thể sơ tán khỏi khu vực Mariupol thuộc Cộng hòa Nhân dân Donesk tự xưng. Lệnh ngừng bắn sẽ cho phép thành phố này bắt tay vào việc khôi phục nguồn cung cấp điện và nước, cũng như dịch vụ viễn thông, phân phát thực phẩm và dụng cụ sơ cứu cho người dân. Ngoài ra, Nga cũng thiết lập một hành lang nhân đạo khác tại thị trấn Volnovakha của vùng Donetsk.
Cacs hành động này diễn ra 2 ngày sau cuộc đàm phán thứ hai giữa các quan chức Ukraine và Nga tại vùng Brest, Belarus, giáp biên giới Ba Lan. Dù hai bên chưa đạt được một thỏa thuận đình chiến hoặc chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, song cuộc đàm phán đã đạt tiến triển liên quan tới các vấn đề nhân đạo.
Trưởng phái đoàn đàm phán Nga, ông Vladimir Medinsky, cho biết: “Chúng tôi đã có được sự hiểu biết lẫn nhau đối với một số vấn đề đưa ra thảo luận, nhưng vấn đề chính được giải quyết hôm nay là giải cứu dân thường, những người mắc kẹt trong vùng chiến sự”.
Về phần mình, Cố vấn Tổng thống Ukraine, Trưởng đoàn đàm phán Mykhailo Podolyak, nói: Thật đáng tiếc là chúng tôi vẫn chưa đạt được một thỏa thuận đình chiến như mong đợi, song hai bên nhất trí sẽ gặp lại nhau trong tương lai gần. Ông Podolyak xác nhận hai nước đã tiến tới nhận thức về việc thiết lập các hành lang nhân đạo chung với một lệnh ngừng bắn tạm thời.
Dù trước khi đàm phán diễn ra, dư luận đều cho rằng không nên mong đợi kết quả tích cực. Tuy nhiên việc Nga và Ukraine cùng đối thoại mà không có điều kiện tiên quyết với 2 vòng đàm phán liên tục và cùng nhìn nhận về triển vọng tích cực, dù là nhỏ, cũng là một tín hiệu đáng ghi nhận. Việc hai bên nhất trí thiết lập các hành lang nhân đạo cũng đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.
Bình luận về kết quả của vòng đàm phán thứ hai giữa Moskva và Kiev, người phát ngôn của Liên Hợp quốc, ông Stephane Dujarric, nhấn mạnh bất kỳ quyết định tích cực nào nhằm bảo vệ dân thường và giảm leo thang xung đột cũng đều được hoan nghênh.
Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau, Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết: “Tôi hoan nghênh một thỏa thuận nhằm tạo hành lang nhân đạo cho việc sơ tán dân thường khỏi các thành phố Ukraine bị bao vây. Tôi đã kêu gọi điều này kể từ khi xung đột nổ ra”.
Hôm 5/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nước này đang chờ tin từ Ukraine về vòng đàm phán tiếp theo vì ngày diễn ra vòng đàm phán thứ 3 vẫn chưa được ấn định.
Trước đó, vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga-Ukraine đã diễn ra vào ngày 28/2 tại khu vực Gomel, biên giới Belarus-Ukraine. Tuy cuộc gặp chưa tạo được bước đột phá lớn nào, xong hai bên đã tìm thấy một số điểm chung.
Hôm 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm mục tiêu là phi quân sự hóa Ukraine. Chiến dịch quân sự này đã dẫn tới việc nhiều nước trên thế giới áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga với quy mô chưa từng có, bao gồm mọi lĩnh vực từ tài chính, năng lượng đến quân sự-công nghiệp. Song Nga tuyên bố rằng nước này sẵn sàng đối phó với các lệnh trừng phạt.