Thế giới Thế giới Sử dụng thanh toán kỹ thuật số toàn cầu tăng mạnh giữa đại dịch

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy bao trùm tài chính, cũng như sự gia tăng lớn đối với các thanh toán kỹ thuật số, trong bối cảnh sự mở rộng toàn cầu của các dịch vụ tài chính chính thức, Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay.

Phương thức thanh toán kỹ thuật số trên điện thoại di động được người tiêu dùng sử dụng. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+

Theo Báo cáo Chỉ số Tài chính Toàn diện Toàn cầu (Global Findex) năm 2021 vừa được WB công bố, sự mở rộng về các dịch vụ tài chính chính thức đã tạo ra những cơ hội kinh tế mới, thu hẹp khoảng cách về giới trong quyền sở hữu tài khoản, và xây dựng sự linh hoạt ở cấp hộ gia đình nhằm quản lý tốt hơn các cú sốc tài chính.

Tính đến năm 2021, 76% người trưởng thành trên toàn cầu đã có một tài khoản tại một ngân hàng, một tổ chức tài chính khác, hoặc tại một nhà cung cấp tiền di động, đánh dấu mức tăng từ 68% trong năm 2017, và 51% vào năm 2011.

Báo cáo nói thêm, điều quan trọng là sự tăng trưởng về quyền sở hữu tài khoản đã được phân bổ đồng đều tại nhiều quốc gia hơn.

Ngân hàng này cũng cho biết, trong khi ở các cuộc khảo sát Global Findex trước đây trong thập kỷ vừa qua, phần lớn sự tăng trưởng đã tập trung tại Ấn Độ và Trung Quốc, cuộc khảo sát năm nay cho thấy tỷ lệ sở hữu tài khoản đã tăng trưởng 2 con số ở 34 quốc gia kể từ năm 2017.

Cũng theo WB, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến việc gia tăng sử dụng các thanh toán kỹ thuật số. Cụ thể, ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình (không bao gồm Trung Quốc), hơn 40% người trưởng thành đã lần đầu tiên thực hiện các thanh toán tại cửa hàng hoặc thanh toán trực tuyến bằng thẻ, điện thoại hoặc Internet kể từ khi đại dịch bùng phát.

Tại Ấn Độ, hơn 80 triệu người trưởng thành đã thực hiện thanh toán thương mại kỹ thuật số đầu tiên sau khi đại dịch bùng phát; trong khi đó, ở Trung Quốc, hơn 100 triệu người trưởng thành đã thực hiện điều này.

WB cho biết, 2/3 người trưởng thành trên toàn thế giới hiện đã thực hiện hoặc nhận được các thanh toán kỹ thuật số, với tỷ trọng ở những nền kinh tế đang phát triển tăng từ mức 35% trong năm 2014, lên 57% vào năm 2021.

Ở các nền kinh tế đang phát triển, 71% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tài chính khác hoặc với nhà cung cấp tiền di động, tăng từ 63% trong năm 2017 và 42% trong năm 2011. Ngoài ra, các tài khoản tiền di động cũng đã thúc đẩy sự gia tăng đáng kể về bao trùm tài chính ở khu vực châu Phi cận Sahara.

Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông David Malpass nhận định, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thúc đẩy sự gia tăng về khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính trên toàn thế giới, làm thay đổi cách thức mà mọi người thực hiện và nhận được các khoản thanh toán, khoản vay cũng như tiết kiệm.

Ông David Malpass nói thêm: “Xây dựng một môi trường chính sách thuận lợi, thúc đẩy số hóa các khoản thanh toán, mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận các tài khoản chính thức và các dịch vụ tài chính ở phụ nữ và người nghèo là một số ưu tiên chính sách, nhằm giảm thiểu sự đảo ngược trong quá trình phát triển do các cuộc khủng hoảng chồng chéo đang diễn ra gây ra”.

Đáng chú ý, lần đầu tiên kể từ khi cơ sở dữ liệu Global Findex bắt đầu được thực hiện hồi năm 2011, cuộc khảo sát cho thấy, khoảng cách về giới trong quyền sở hữu tài khoản đã được thu hẹp, giúp phụ nữ có quyền riêng tư, bảo mật và kiểm soát tiền của họ nhiều hơn. Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, khoảng cách này đã thu hẹp từ 7 xuống 4 điểm phần trăm trên toàn cầu, và từ 9 xuống 6 điểm phần trăm ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình kể từ vòng khảo sát gần đây nhất được thực hiện hồi năm 2017.

Lê Thảo (Lược dịch từ The Edge Markets)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/su-dung-thanh-toan-ky-thuat-so-toan-cau-tang-manh-giua-dai-dich-a115044.html