Thế giới Thế giới Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ sẽ nâng cao vị thế toàn cầu của Hàn Quốc

Quyết định của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về việc chủ trì một trong các phiên họp toàn thể tại Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ, một cuộc họp do Mỹ chủ trì với các quốc gia dân chủ đoàn kết chống lại chế độ độc tài sẽ nâng cao vị thế quốc tế của Hàn Quốc như một nền dân chủ hàng đầu cam kết vì hòa bình, Bộ ngoại giao Hàn Quốc mới đây nhận xét.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong một bài phát biểu. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN/Vietnam+

Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời Tổng thống Yoon Suk-yeol chủ trì một phiên họp được tổ chức vào ngày 29/3 – ngày đầu tiên của cuộc họp kéo dài 2 ngày, nơi các lãnh đạo thế giới sẽ có buổi thảo luận trực tuyến để thúc đẩy sự thừa nhận về nhân quyền. Vào ngày tiếp theo trong lịch trình của hội nghị, các bộ trưởng sẽ có buổi gặp trực tiếp để thảo luận sâu hơn về những thách thức như đối phó với tham nhũng; trong đó các đại diện từ khu vực tư nhân cũng tham gia vào sự kiện này. Được biết, lần đầu tiên, hội nghị được tổ chức trực tuyến là vào tháng 12/2021.

“Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi, là kế hoạch chi tiết toàn diện đầu tiên đề cập đến mối quan hệ của Hàn Quốc với thế giới, tập trung vào tự do, hòa bình và thịnh vượng. Với suy nghĩ đó, tôi cho rằng, chúng ta có thể tăng gấp đôi đóng góp của mình để thực hiện hóa những gì hội nghị thượng đỉnh tháng 3 hy vọng đạt được”, Park Yong-min, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề đa phương và toàn cầu tại Bộ ngoại giao Hàn Quốc cho biết.

Đại diện cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Hàn Quốc là một trong bốn quốc gia đồng tổ chức sự kiện, với Hà Lan, Zambia và Costa Rica lần lượt đại diện cho Châu Âu, Châu Phi, Trung và Nam Mỹ với tư cách là đồng chủ nhà.

Phát biểu trước các vị khách trong một diễn đàn về ý nghĩa của việc đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh đối với Hàn Quốc, Thứ trưởng Park Yong-min gọi sự kiện này là một cơ hội để kỷ niệm năm 2023 trở thành mốc đánh dấu 70 năm quan hệ với Mỹ, đồng minh lớn nhất của Hàn Quốc.

Lee Sook-jong, Chủ tịch Mạng lưới Nghiên cứu Dân chủ châu Á tại Viện Đông Á lưu ý, việc tham gia liên minh của “các quốc gia có cùng chí hướng”, chia sẻ các giá trị giống nhau như tự do và pháp quyền sẽ thúc đẩy tương lai tốt đẹp hơn. Ngoài ra, tính toàn diện phải là chìa khóa. Trên đây là những ưu tiên mà liên minh nên thực hiện trong những năm tới.

Trong một ý kiến có liên quan, Kang Won-taek, Giáo sư Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul đã nhấn mạnh vai trò lớn hơn của Hàn Quốc trên trường quốc tế và thời điểm hiện tại, bên cạnh việc thể hiện sức mạnh quốc tế. Hàn Quốc từ lâu đã tìm kiếm những nguồn vốn chính trị tương ứng với sức mạnh kinh tế của mình, một mục tiêu vốn đã khó đạt được trong một thời gian.

“Thực tế là chúng tôi đang nắm thế chủ động. Điều này rất quan trọng”, giáo sư Kang Won-taek nhấn mạnh.

Đan Lê (Lược dịch từ Korea Herald)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-vi-dan-chu-se-nang-cao-vi-the-toan-cau-cua-han-quoc-a124980.html