Thấy gì từ những dự án chung cư tại Hà Nội, TP.HCM tăng giá mạnh?
Bộ Xây dựng cho hay trong năm 2024 giá bán căn hộ chung cư tại một số đô thị lớn tiếp tục tăng. Tại Hà Nội giá bán căn hộ chung cư tăng từ 40 - 50% so với giá bán năm 2023, cục bộ có dự án tăng ở mức cao hơn. Giới chuyên gia nhận định diễn biến nguồn cung của thị trường hiện đang lặp lại chu kỳ 10 năm trước. Dự báo, 2025 sẽ là năm đầu tiên của chu kỳ phát triển mới.
Cụ thể, theo báo cáo vừa công bố của Bộ Xây dựng, các dự án chung cư tại Hà Nội có giá bán tăng mạnh. Điển hình như: Ecolife Tây Hồ giá bán khoảng 72 triệu đồng/m2, Sunshine Garden giá khoảng 54 triệu đồng/m2, Chelsea Park - Cầu Giấy giá bán khoảng 62 triệu đồng/m2, Tràng An Complex giá bán khoảng 70 triệu đồng/m2, Legend Tower giá bán khoảng 72 triệu đồng/m2 .
Giá chung cư leo thang
Tại TP.HCM giá căn hộ chung cư năm 2024 tăng 20-30% so với năm 2023. Điển hình, dự án The Horizon Phú Mỹ Hưng giá bán khoảng 125 triệu đồng/m2, The Ascent giá bán khoảng 64 triệu đồng/m2, Lữ Gia Plaza giá bán khoảng 46 triệu đồng/m2, Osimi Tower giá bán khoảng 41 triệu đồng/m2, Stown Tham Lương có giá dao động trong khoảng 29-44 triệu đồng/m2…
Trong khi đó, giá bán căn hộ chung cư năm 2024 tại TP Đà Nẵng tăng khoảng 20% so với năm 2023. Trong đó, chung cư Sam Towers giá từ 80-100 triệu đồng/m2, Peninsula giá từ 53,5 triệu đồng/m2, The Filmore giá từ 100 triệu đồng/m2.
Trước đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết thị trường nhà ở còn nhiều bất cập khi ngày càng lệch pha sang phân khúc đắt tiền.
Năm 2024, toàn thị trường Hà Nội ghi nhận gần 10.000 sản phẩm chung cư có giá trên 80 triệu đồng mỗi m2 ra mắt. Số lượng này tăng gấp ba lần so với 2023, cho thấy phân khúc đắt tiền ngày càng áp đảo nguồn cung mới.
Tình trạng lệch pha phân khúc chung cư cũng diễn ra tại TP HCM. Báo cáo của Viện Kinh tế xây dựng cho thấy khoảng 37% nguồn cung thứ cấp trên thị trường có giá trên 5 tỷ đồng. Tỷ trọng phân khúc 1,5-3 tỷ đồng đạt hơn 30%, dồi dào hơn Hà Nội. Tuy nhiên, chung cư cũ giá dưới 1,5 tỷ đồng cũng chỉ chiếm chưa đến 3%.
Có thể thấy, bất chấp những nỗ lực gỡ vướng của Chính phủ và các địa phương, cơn khát nguồn cung nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM được dự báo có thể kéo dài ít nhất 2 năm tới, đẩy đa số người mua nhà vào tình cảnh “mò trăng đáy nước”.
Mua nhà ngày càng khó
Vợ chồng anh Đặng Phương Nam, cùng làm trong lĩnh vực truyền thông ở Thủ Đức, cho hay gần 1 năm qua, gia đình đã cất công tìm mua nhà ở TP.HCM. Các dự án thì không hiếm, nhưng đa phần dự án có giá cao, trên dưới 80 triệu đồng/m2, giá thấp hơn thì ở khá xa trung tâm.
Anh Nam cho hay đã có kế hoạch vay mua nhà từ năm 2022, nhưng vì nhiều lý do trong đó có lo ngại về gánh nặng nợ kéo dài, nên liên tục trì hoãn. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, trước tình trạng giá nhà nhảy múa, nên gia đình anh quyết định đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm.
Trong khoảng 3 tháng gần nhất, anh Nam đã theo chân “cò” đi tìm hiểu khoảng 10 dự án sơ cấp, hơn 20 dự án thứ cấp tại TP.HCM, thậm chí sang cả các dự án tại Bình Dương nhưng… bất lực.
“Thực sự đi tìm nhà giờ khó vô cùng, dự án vừa ý thì giá quá cao, dự án giá vừa túi tiền thì chất lượng không ổn. Chưa kể, việc vay vốn hiện tại cũng là bài toán nan giải bởi thời gian ưu đãi ngắn, kinh tế khó khăn, rủi ro rất lớn. Vay mua nhà hiện tại giống như leo lên lưng cọp”, anh Nam bộc bạch.
Những trường hợp mất nhiều tháng, thậm chí cả năm trời tìm mua nhà nhưng không thành như anh Nam không hiếm ở TP.HCM. Bởi, nguồn cung nhà ở vừa túi tiền hiện tại như "hoa trong gương, trăng đáy nước". Căn hộ trên thị trường thứ cấp đã hiếm, trên thị trường sơ cấp lại càng khó tìm.
Trước thực tế diễn ra, giới chuyên gia nhận định diễn biến nguồn cung của thị trường hiện lặp lại chu kỳ 10 năm trước. Năm 2024 là năm bản lề khi các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, 2025 sẽ là năm đầu tiên của chu kỳ phát triển mới.
Vì vậy, dự báo sẽ phải mất ít nhất 2 năm nữa thị trường mới bước vào giai đoạn tăng tốc và bùng nổ nguồn cung như giai đoạn trước, khi đó nguồn cung mới cải thiện.
Để đẩy nhanh tốc độ tăng nguồn cung nhà ở, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, nhìn nhận giá nhà sẽ khó giảm nếu như thủ tục đầu tư nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội kéo dài hàng năm trời.
Theo đó, ông Nghĩa kiến nghị cần phải có các giải pháp để đẩy nhanh thủ tục hành chính, song song thực thi các thủ tục thay vì làm tuần tự mất nhiều thời gian. Nếu đẩy nhanh quá trình cấp phép dự án, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết, doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư dự án thì nguồn cung nhà ở sẽ cải thiện, TP.HCM bớt tình trạng "khát" nhà ở.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho rằng cơ quan nhà nước cần đẩy nhanh các thủ tục, tháo gỡ pháp lý, còn lại là doanh nghiệp cần xem lại chiến lược kinh doanh, đánh giá đúng phân khúc dành cho thị trường để tăng nguồn cung nhà ở.