Thay đổi để giảm mất cân bằng giới tính

Dân số Việt Nam đang có 4 thách thức lớn, trong đó, mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Tại Bình Phước, tỷ số giới tính khi sinh là 112 bé trai/100 bé gái đã đặt ra nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý và chính mỗi người dân. Bỏ qua những cảnh báo của cơ quan chức năng, tâm lý 'kiếm' con trai vẫn tồn tại trong tư tưởng mỗi người. Hệ quả của mất cân bằng giới tính không thể nhìn thấy nhưng sẽ kéo dài và thực sự nguy hiểm trong tương lai - khi đứa trẻ đã đủ tuổi trưởng thành và thực hiện trách nhiệm với gia đình, xã hội.

Những thói quen đã “ăn sâu, bám rễ”

Cân bằng giới tính khi sinh sẽ ổn định khi duy trì được tỷ số 104-106 bé trai/100 bé gái. Bất kỳ sự thay đổi nào của chỉ số này đều phản ánh những can thiệp có chủ ý và ảnh hưởng đến mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của mỗi quốc gia. Theo các chuyên gia, có 5 nhóm vấn đề chính dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn cao. Thứ nhất, là một dân tộc Á Đông, Việt Nam vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại dai dẳng và kéo dài từ đời này qua đời khác. Thứ hai, ảnh hưởng bởi Nho giáo, thờ cha kính mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già cũng là người đàn ông đã ăn sâu vào tư tưởng của người Việt. Với nền kinh tế nông - ngư nghiệp, việc phải sinh cho được con trai để có sức khỏe, tiếp nối nghề nghiệp là lý do thứ ba. Một vấn đề cũng đáng quan tâm đó là hệ thống an sinh xã hội, nếu ở các nước phương Tây, họ sống theo quan điểm không lo tuổi già thì ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại, cha mẹ khi già vẫn dựa vào con, đặc biệt phải là con trai. Và quan trọng hơn, đó là hiện nay khoa học - kỹ thuật đã phát triển, một số gia đình lạm dụng để có con trai và loại bỏ những giới tính không mong muốn. Đó là những định kiến về giới, nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao.

Thay đổi để ổn định tỷ lệ mất cân bằng giới tính là việc làm cần chung tay của cả cộng đồng, xã hội. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Thiện Hưng A, huyện Bù Đốp đọc tờ rơi bảo hiểm y tế trong giờ giải lao (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Mất cân bằng giới tính khi sinh không gây ra hệ quả trước mắt, nó chỉ xảy ra khi đứa trẻ đó đã trưởng thành. Mất cân bằng giới tính sẽ làm cho số lượng lớn người trưởng thành là nam khó lấy vợ, không tìm được bạn nữ để lập gia đình, hệ quả dẫn đến một số vấn đề khác của xã hội như mại dâm, ngoại tình, an ninh xã hội và nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức, gia đình…

Tư duy trọng nam, khinh nữ cũng nên giảm bớt, bởi xã hội hiện đại rồi, con nào cũng là con của mình. Nuôi dưỡng con như thế nào để trở thành người có ích mới là điều cần quan tâm.

Chị NGUYỄN THỊ HỒNG TÂM,
phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài

Con nào “có nghĩa, có nghì vẫn hơn”

“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” hay “Trai mà chi, gái mà chi, con nào có nghĩa, có nghì thì hơn” vẫn là những quan điểm có nhiều tranh cãi trong xã hội, bởi như đã nêu, đó là vấn đề liên quan đến văn hóa, tôn giáo… Nhưng rõ ràng, trong nhịp sống hiện đại, con nào ăn ở có hiếu, có nghĩa với cha mẹ thì luôn xứng đáng được tôn trọng.

Thuận theo lẽ tự nhiên là lựa chọn của gia đình anh Trần Văn Toản ở phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài. Không áp lực chuyện phải có con trai, ngay từ khi vợ mới mang thai, anh chị đã dồn hết mọi tình yêu thương cho con. Hai người con gái lần lượt ra đời, Thanh Nhàn là chị, năm nay 8 tuổi và Thanh Trúc là con gái thứ hai vừa tròn 3 tuổi. Anh Toản cho rằng: Bây giờ con trai hay con gái thì cũng giống nhau thôi, là con của mình cả. Làm sao để nuôi con lớn và trở thành người có ích cho xã hội là được.

Tâm lý “chuộng” con trai đã gây ra sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Điều này sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực cho xã hội sau này. Trong ảnh: Một buổi học của học sinh Trường THCS Tân Phú (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Cùng quan điểm hiện đại như anh Toản, anh Nguyễn Viết Nam, ngụ thôn 2A, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập khá hài lòng với quyết định dù trai hay gái cũng dừng lại ở 2 con. Thay vì cứ rối bòng bong vì suy nghĩ buộc phải có con trai nối dõi tông đường thì với anh Nam làm thế nào để con lớn lên khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi… được quan tâm nhiều hơn. “Mình nuôi con lớn, công việc ổn định, trưởng thành mới là điều quan trọng nhất, còn về già thì cũng 2 vợ chồng ở với nhau thôi, con gái hay con trai không quan trọng. Tôi không gây áp lực cho vợ mình, bởi gây áp lực nhiều thì gia đình không vui. Hạnh phúc gia đình chủ yếu là thông cảm cho nhau” - anh Nam bày tỏ.

Để thay đổi văn hóa, tư tưởng của mỗi người không phải nói một buổi, hai buổi là được, chúng ta vẫn tiếp tục tuyên truyền và phải có thời gian để sự thay đổi này mang lại hiệu quả. Thứ hai, nên có chính sách hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái để có sự động viên và nêu gương cho các gia đình khác. Đồng thời, tiếp tục thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi vai trò của phụ nữ, làm sao để họ có vai trò hơn trong xã hội. Và chắc chắn chúng ta nên siết chặt hơn nữa việc lạm dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong tìm hiểu và lựa chọn giới tính khi mang thai... Đó là những giải pháp để chúng ta có thể đảo chiều và đưa vấn đề giới tính khi sinh trở về mức cân bằng.

Bác sĩ BẠCH SỸ LONG,
Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Trong cấu trúc dân số của Việt Nam hiện nay, hầu như chúng ta đã đạt mức sinh thay thế, tức 2 con/bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ. Trong cấu trúc đó, làm thế nào phải sinh được con trai đã khiến nhiều gia đình sử dụng các biện pháp can thiệp giới tính. Vô hình trung điều này đã gây ra áp lực không hề nhỏ cho cấu trúc dân số Việt Nam. Đặc biệt, thực tế hiện nay cho thấy, việc có một đứa con đang trở nên “bất thường” với nhiều gia đình. Thay vì lăn tăn giới tính, làm sao để con đến với cha mẹ một cách tự nhiên nhất và nhận được sự chào đón, tình cảm của người thân từ khi mới hình thành là vấn đề đáng để lưu tâm hơn.

Văn hóa, truyền thống kết hợp với sự can thiệp của khoa học - công nghệ chính là những yếu tố khiến mất cân bằng giới tính diễn ra ở khu vực châu Á ngày càng trầm trọng. Sau Trung Quốc, Ấn Độ thì Việt Nam đang là quốc gia thứ 3 có tình trạng này. Các nhà nhân khẩu học cho biết, nếu điều này vẫn tiếp diễn thì đến năm 2034, Việt Nam sẽ có 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi từ 15-49 dư thừa, đi kèm với đó là sự phá vỡ cấu trúc dân số, gia đình, sự gia tăng của tệ nạn xã hội, sự mất bình đẳng trong gia đình. Tại Bình Phước, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm “đảo chiều”, phấn đấu đưa tỷ số giới tính về mức tự nhiên, từ 107-109 bé trai/100 bé gái nhằm ổn định quy mô, chất lượng dân số.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/128943/thay-doi-de-giam-mat-can-bang-gioi-tinh