Thầy cô giáo phải là những tấm gương mẫu mực

Trong nhiều nội dung chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành về 'Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020' do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 6-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV. Theo đó, giáo viên, người lớn và xã hội phải đi đầu trong việc làm gương!

Trong nhiều nội dung chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành về "Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020" do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 6-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV. Theo đó, giáo viên, người lớn và xã hội phải đi đầu trong việc làm gương!

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến và các đại biểu tại đầu cầu Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch TP Lê Trung Chinh. Ảnh: P.Thủy

Tập trung tháo gỡ các "nút thắt" để đổi mới giáo dục toàn diện

Đánh giá chung về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm học vừa qua, toàn ngành đã tập trung thực hiện khá hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đặt ra. Theo đó, toàn ngành đã tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những "nút thắt" trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở GD-ĐT thực hiện, tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, NQ 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Trên tinh thần nhìn nhận những hạn chế, tồn tại của năm học vừa qua, trong năm học mới 2019- 2020, ngành GD-ĐT cả nước sẽ tiếp tục tập trung thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình SGK giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH và Luật GD được Quốc hội thông qua; củng cố công tác thanh tra... Trong 5 phương hướng chung, Bộ GD-ĐT đặc biệt chú trọng đến công tác triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD-ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, trong đó tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐT. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS-SV. Bộ GD-ĐT cũng đã nêu ra những nhiệm vụ cụ thể đối với từng bậc học từ MN đến ĐH…

Liên quan đến câu chuyện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mọi đổi mới đều phải có lộ trình, có thời gian, bởi GD không giống như các lĩnh vực khác. Theo đó, "đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội. Hiếm có chính sách đổi mới nào nhận được sự đồng thuận 100%, nhưng khi chúng ta đã xác định được thì phải kiên trì, kiên định"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Theo đó, đối với GD phổ thông thì phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trường lớp, thầy cô giáo để học sinh học 2 buổi/ngày, gần nhà, không phân biệt đầu vào. Nhà nước lo chung, trong đó các trường công lo ở mức trung bình trở xuống, lo cho người yếu thế, đào tạo nhân tài cho đất nước. Còn phân khúc chất lượng cao thì phải để cho xã hội, chứ không thể để Nhà nước bao cấp hết mãi được. Trường học phổ thông không chỉ đơn thuần là một thiết chế của chính quyền, mà là thiết chế của cộng đồng. ĐH thì phải tự chủ về chuyên môn, tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính. ĐH không chỉ là nơi phổ biến tri thức mà còn là nơi sáng tạo ra tri thức...

"Đóng cửa" những trường ĐH kém chất lượng

Đồng tình với báo cáo tổng kết và phương hướng nhiệm vụ năm học mới 2019-2020 của Bộ GD-ĐT, song nhiều đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận lại vấn đề về quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đội ngũ GV, tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS.TS Trần Hồng Quân có ý kiến rất xác đáng khi cho rằng, cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề này, đừng sớm khẳng định việc thừa GV. Cũng theo GS.TS Hồng Quân, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GD ĐH là hợp lý nhưng không nên nghĩ vì thừa mà ép số lượng xuống. Cần rà soát, xem xét nơi cần tồn tại thì tồn tại, nơi nào không được thì mới quy hoạch, sắp xếp. Đề cập về ý kiến có nên sáp nhập Sở GD-ĐT vào Sở khác hay không, GS Trần Hồng Quân cho rằng, đây là điều không hợp lý, bởi Sở GD-ĐT là tổ chức tất yếu phải có ở địa phương. Điều quan trọng hơn nữa, GD là quốc sách hàng đầu, luôn được xã hội quan tâm. "Đụng" đến GD là đụng đến tất cả gia đình trong xã hội…

Chỉ ra những hạn chế trong việc thừa, thiếu GV cục bộ, nhất là GV mầm non, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều này đã gây trở ngại cho sự phát triển bền vững của GD. Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải rà soát, sắp xếp, quy hoạch một cách khoa học và phù hợp, tránh tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ như hiện nay. Ngoài ra, cần có kế hoạch bồi dưỡng GV đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện các kết quả chương trình phổ thông mới. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, giải quyết dứt điểm việc thiếu trường mầm non ở các KCN, Khu chế xuất.

Đối với các cơ sở GD ĐH, Thủ tướng đề nghị, thời gian tới đẩy mạnh sắp xếp các trường SP; tập trung các trường SP trọng điểm như ĐH SP Hà Nội, ĐH SP TP Hồ Chí Minh. Các trường SP khác thì có lộ trình, làm vệ tinh trong bồi dưỡng GV cho các địa phương. Các trường SP phải đào tạo SV ra trường trở thành những nhà giáo dục thực sự, chứ không phải là những "thợ dạy". Đối với các cơ sở GD ĐH khác, phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho sự phát triển của hệ thống GD ĐH. Kiên quyết đối với những trường không đảm bảo chất lượng, hạ điểm chuẩn, vơ vét tuyển sinh đầu vào, mượn giáo viên cơ hữu, điều kiện không đủ. "Bên cạnh những trường làm tốt, vẫn còn nhiều trường yếu lắm. Phải nhìn thẳng vấn đề này để chấn chỉnh. Theo đó, yêu cầu Bộ GD-ĐT tiến hành thanh kiểm tra xử lý nghiêm các trường ĐH "hữu danh vô thực". Xã hội hóa là cần thiết nhưng chất lượng vẫn quan trọng hơn. Tôi cũng yêu cầu Bộ trình Chính phủ "đóng cửa" một số cơ sở kém chất lượng kéo dài", Thủ tướng chỉ đạo.

Nhà trường đóng vai trò trọng tâm trong giáo dục đạo đức, lối sống

Trong nhiều ý nội dung chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS-SV.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không nên coi nhiệm vụ giáo dục đạo đức lối sống chỉ là nhiệm vụ của GVCN, của GV dạy môn GD Công dân mà của toàn trường. Trong giáo dục đạo đức cho HS-SV, cần tăng cường kết nối với gia đình và xã hội. Bởi trách nhiệm này không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường. Phó Thủ tướng đề nghị, tới đây, toàn ngành cần chú ý hơn nữa giáo dục đạo đức, dạy người, giáo dục nhân cách cho HS-SV. "Chúng ta phải bám vào 3 khẩu hiệu: Tiên học lễ, hậu học văn. Thi đua dạy tốt-học tốt. Tất cả vì HS thân yêu và phải bám sát vào 5 điều Bác Hồ dạy. 5 điều của Bác không chỉ cho thiếu niên, nhi đồng mà thanh niên cũng vận dụng để học tập, làm theo"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị có trách nhiệm cùng với nhà trường giải quyết các vấn đề về đạo đức trong và ngoài nhà trường trên địa bàn. Trong năm học mới này, phải tạo ra sự chuyển biến căn bản trong đạo đức lối sống, kỹ năng sống trong HS-SV. "Việc giáo dục đạo đức cho SV-HS là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT rà soát lại chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong các trường SP, các cơ sở GD-ĐT đảm bảo thiết thực, khả thi, cụ thể, hiệu quả...

GD đạo đức, lối sống không chỉ giới hạn trong phạm vi nhà trường mà đặc biệt là thông qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo để HS-SV được tiếp xúc với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam...Điều quan trọng, cần thiết hơn nữa là thầy cô gương mẫu, mẫu mực, chính là tấm gương đạo đức quý báu nhất để HS-SV noi theo. Cùng với nhà trường, xã hội và gia đình cũng phải có trách nhiệm lớn trong vấn đề này...", Thủ tướng chia sẻ thêm. Nhân đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ chỉ thị về giáo dục đạo đức lối sống cho HS-SV, ban hành sớm trước năm học mới này...

P.Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_210604_thay-co-giao-phai-la-nhung-tam-guong-mau-muc.aspx