Thất bại cần thiết của đội tuyển Việt Nam

Không thể lật ngược thế cờ trong trận lượt về với Thái Lan, đội tuyển Việt Nam đã chính thức trở thành cựu vương AFF Cup.

GD&TĐ - Không thể lật ngược thế cờ trong trận lượt về với Thái Lan, đội tuyển Việt Nam đã chính thức trở thành cựu vương AFF Cup.

Hàng công của Việt Nam (áo sáng) thi đấu bế tắc.

Hàng công của Việt Nam (áo sáng) thi đấu bế tắc.

Đây được xem là thất bại với rất nhiều nguyên nhân ở cả mặt chủ quan và khách quan. Nhưng ở góc độ khác, điều đó có thể sẽ mang đến thành công hơn nữa cho bóng đá Việt Nam.

Thầy Park hết bài?

Trong rất nhiều những ý kiến xoay quanh 2 trận giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan vừa qua, người viết cho rằng, câu nói của huấn luyện viên Lê Thụy Hải vào năm 2019 đến giờ vẫn còn nguyên giá trị: “Thầy Park hết bài và bắt đầu sợ thua quá rồi!”.

Thất bại trước Thái Lan đã nối dài kỉ lục buồn của đội tuyển Việt Nam ở sân chơi AFF Cup, thua ở bán kết nhiều nhất lịch sử giải đấu (8 lần). Tính cả giải đấu năm nay, Việt Nam đã có tổng cộng 13 lần tham dự AFF Cup và tiền thân là Tiger Cup. Trong số này, đoàn quân áo đỏ 2 lần dừng bước ở vòng bảng (2004 và 2012); 11 lần vào bán kết, đội tuyển Việt Nam chỉ có 3 lần giành chiến thắng vào các năm 1998, 2008 và 2018, trong đó có 2 lần lên ngôi vô địch; 8 lần Việt Nam thất bại ở bán kết AFF Cup là các năm 1996, 2000, 2002, 2007, 2010, 2014, 2016 và 2020.

Sau trận đội tuyển Việt Nam 0-0 Thái Lan trên sân Mỹ Đình (tháng 11/2019), trận lượt về trong khuôn khổ vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, chiến lược gia lão luyện Lê Thụy Hải chia sẻ trên tài khoản cá nhân rằng, ông Park – dù là một huấn luyện viên giỏi nhưng đã bắt đầu “sợ thua” trước áp lực thành tích quá lớn.

“Tôi không muốn phân tích lại trận đấu khi nó cũng xong rồi. Nhưng tôi nghĩ có lẽ là ông Park bắt đầu sợ thua rồi. Ông Park đang bị áp lực thành tích của Liên đoàn và người hâm mộ nên đá thực dụng quá rồi. Hồi đá Asian cup gặp Nhật, Iran, Iraq, Việt Nam có căng cứng thế đâu, chơi thanh thoát và cũng có thể làm nên chuyện nếu may mắn chứ không phải vừa đâu. Còn 2 trận vừa rồi gặp đội mạnh thì chúng ta chơi khác (UAE và Thái Lan - PV). Chuệch choạc và căng cứng lắm, chủ yếu là phá chiến thuật đối thủ rồi tìm cách phản công nhanh.

Chuyện tuyển quân thời gian qua cũng có nhiều bất cập, nhưng ông ấy là huấn luyện viên, chọn ai là quyền của ông ấy, miễn phù hợp với chiến thuật. Nhưng rõ ràng ông Park đang bị áp lực thành tích. Ông đang muốn bảo vệ thành tích 2 năm qua nên không dám thử người mới. Nhưng nói thẳng ra là ông Park đang sợ thua. Tôi thì nghĩ ông chỉ đang thành công về chiến thuật thôi, còn về lối đá thì không còn hay nữa rồi. Phải nói thế cho công bằng”.

Vào thời điểm đó, huấn luyện viên Lê Thụy Hải nhận định, chiến thuật phòng ngự tầm cao của đội tuyển Việt Nam cũng sớm bị bắt bài nếu ở những trận tới đội bạn tập trung chơi chồng biên vào vị trí cánh trái rồi xẻ nách khoét vào vị trí trung vệ (Duy Mạnh - PV) bởi đây là 2 vị trí yếu nhất đội tuyển, dễ bị qua mặt hoặc kiếm lỗi nhất.

“Sắp tới khi ông Park hết phép thì xem sẽ rất chán, chỉ hòa với thua. Lúc đó các anh chị lại quay lưng với đội tuyển. Bóng đá thì có thắng có thua, lứa này theo tôi thì cũng chưa đi World Cup được đâu, nên hay nhất là chơi đúng sở trường của lứa này là kỹ thuật, phối hợp nhỏ thì vừa phát triển được tầm vóc lại được lòng khán giả” – huấn luyện viên Lê Thụy Hải nêu quan điểm vào năm 2019.

Những lời nói thẳng thắn và tâm huyết lúc đó của ông Hải đã không nhận được nhiều sự ủng hộ. Một bộ phận đông đảo cổ động viên theo “tâm lý đám đông” vào hùa chê bai, bới móc những thất bại của huấn luyện viên Lê Thụy Hải. Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng bác bỏ quan điểm của ông Hải. Nhưng thực tế, hơn 2 năm sau những đánh giá của ông Hải, đội tuyển Việt Nam đã phơi bày tất cả những hạn chế tại AFF Cup 2020.

Một trong những nguyên nhân chính, có tính quyết định khiến đội tuyển Việt Nam trở thành cựu vương do lối chơi đơn điệu. Huấn luyện viên Park Hang Seo luôn “trung thành” với sơ đồ 3-4-3 và biến thể 3-5-2. Nhưng các đối thủ đều đã nghiên cứu rất kĩ đội tuyển Việt Nam và thực hiện đấu pháp hợp lý, đủ để thầy trò Park Hang Seo không thể phát huy hiệu quả. Những quyết định thay người, điều chỉnh chiến thuật của chiến lược gia người Hàn cũng không còn mang đến sự đột biến khi những nhân tố trong tay ông cũng được nhận diện rõ ràng.

Huấn luyện viên Park Hang Seo sau trận Việt Nam thua Thái Lan 0-2.

Huấn luyện viên Park Hang Seo sau trận Việt Nam thua Thái Lan 0-2.

Trận hòa 0-0 bế tắc trước

Indonesia cho thấy rất rõ điều đó. Huấn luyện viên Park Hang Seo hoàn toàn bị đồng hương Shin Tae Yong bắt bài, và ông không có được những sự điều chỉnh nào đủ sức để đổi chiều thế trận. Đến trận đấu với Campuchia, việc các học trò chơi “buông thả”, “cá nhân” có trách nhiệm lớn từ chiến lược gia người Hàn Quốc. Nếu ông đốc thúc Tiến Linh và đồng đội tấn công ghi thêm bàn thắng như quyết tâm đầu trận, đội tuyển Việt Nam có thể đã không phải đối đầu sớm với Thái Lan ở bán kết.

Ông Park đã sai lầm về chiến thuật trong 2 cuộc đọ sức đỉnh cao với Thái Lan. Trận lượt đi, chiến lược gia người Hàn từ bỏ lối đá sở trường, thi đấu chậm chắc ở sân nhà và tận dụng khả năng phòng ngự phản công lợi hại quen thuộc, thay vào đó ông buộc các học trò chơi nhanh và dồn ép đối thủ. Đây chính là sai lầm dẫn đến cả 2 bàn thua của đội tuyển Việt Nam, và là nguyên nhân trực tiếp khiến đội tuyển Việt Nam gục ngã trước Thái Lan. Vậy nên, chúng ta đừng trách Hồng Duy, ở bàn thua thứ nhất, hay hệ thống phòng ngự gần như bất lực trước Chanathip.

Người Thái đã chủ động nhường thế trận, chơi phòng ngự trong trận bán kết lượt về. Tuy nhiên, thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo, đặc biệt là hàng tiền đạo rơi vào trạng thái bất lực. Trong cả 2 trận bán kết, hàng công của Việt Nam có tới 28 lần dứt điểm, song phần nhiều là những cú dứt điểm ngoài vòng cấm. Nó thể hiện sự bế tắc và thiếu ý tưởng của đội tuyển Việt Nam trong cách tiếp cận khung thành đối phương.

Quang Hải trong trận bán kết lượt về với Thái Lan.

Quang Hải trong trận bán kết lượt về với Thái Lan.

Hàng công và tâm lý

Theo thống kê, sau 6 trận tại AFF Cup 2020, đội tuyển Việt Nam đã thực hiện 108 cú dứt điểm, chỉ kém Indonesia (115). Tuy nhiên, chỉ có 23 cú dứt điểm đi trúng đích, hiệu số rất thấp. Trung bình, để ghi 1 bàn thắng, các học trò của huấn luyện viên Park Hang Seo phải thực hiện 12 cú dứt điểm. Sự yếu kém đó được thể hiện rất rõ ở vòng bảng khi đội tuyển Việt Nam rất vất vả mới thắng Lào 2-0, và sau đó bị Indonesia cầm hòa 0-0, đặc biệt là 2 trận đấu với đối thủ mạnh Thái Lan.

Tiến Linh, một trong những chân sút ghi bàn tốt nhất vòng loại World Cup 2022 khu vực Châu Á (7 bàn) chỉ còn là cái bóng của chính mình. 2 bàn thắng vào lưới đối thủ yếu như Campuchia của cầu thủ này là quá ít so với vị thế tiền đạo số 1 đội tuyển cũng như sự kỳ vọng.

Đặc biệt, trong các trận gặp Indonesia và Thái Lan, Tiến Linh gần như mất hút trước hàng thủ của đối phương. Khi có cơ hội, tiền đạo thuộc biên chế đội Bình Dương dứt điểm hỏng, hoặc xử lý vụng về. Không chỉ Tiến Linh, những cầu thủ trên hàng công như Công Phượng, Văn Đức và Đức Chinh cũng có một giải đấu đáng quên. Sau 6 trận đấu, các tiền đạo của đội tuyển Việt Nam chỉ ghi được 3 bàn, hiệu suất quá tệ. Hàng công của đội tuyển thất bại toàn tập tại AFF Cup 2020.

Vô địch đã khó, bảo vệ chức vô địch còn khó hơn! Không chỉ Việt Nam, rất nhiều đội bóng trong vị thế nhà đương kim vô địch thường xuyên gặp khó khăn trong cuộc chiến bảo vệ ngôi vương vì áp lực tâm lý. Với vị thế của nhà vô địch, đội tuyển Việt Nam bị các đối thủ nghiên cứu rất kĩ lưỡng.

Hầu hết trong các trận đấu, thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo phải chơi tấn công nhưng đây không phải đấu pháp sở trường. Nó tạo ra sự ức chế và tâm lý bất ổn. Chưa kể, 6 trận toàn thua ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần của các tuyển thủ.

Ở trận lượt đi gặp Thái Lan, Hồng Duy đã trượt chân một cách rất vô duyên và để bóng vượt qua khi đối thủ phản công nhanh. Sau đó, anh liên tục xử lý lỗi, chuyền hỏng và để mất bóng ở hiệp 1. Theo đánh giá, điểm yếu của Hồng Duy chính là tâm lý rất thiếu ổn định. Và anh không phải người duy nhất của Việt Nam mắc phải vấn đề này. Các cầu thủ đã tỏ ra nôn nóng một cách thái quá ở trận lượt đi gặp Thái Lan. Pha sút bóng thẳng vào mặt hậu vệ Thái Lan khi đối thủ đã nằm sân của đội trưởng Quế Ngọc Hải đã nói lên điều đó.

Và rất có thể, huấn luyện viên Park Hang Seo cũng rơi vào trạng thái “mất phương hướng”. Như ở trận bán kết lượt về với Thái Lan, Nguyễn Tuấn Anh phải ngồi dự bị. Tiền vệ này chỉ được tung vào sân thay Phan Văn Đức ở phút 69. Tuy nhiên, cầu thủ đeo áo số 11 chỉ được thi đấu vỏn vẹn 13 phút trước khi bị ông Park thay thế bằng Phạm Xuân Mạnh. Bên ngoài đường biên, huấn luyện viên Park Hang Seo và trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa trao đổi khá to tiếng về tình huống này.

Sau trận, chiến lược gia người Hàn cho biết ông quyết định rút Tuấn Anh chỉ sau 13 phút vì lý do chiến thuật!? Tuy nhiên, việc sử dụng Tuấn Anh, hay nhiều quyết định khác cho thấy thực tế, thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo thực sự ở vào cái thế bấn loạn. Những trận đấu gần đây, đội tuyển vốn là khối thống nhất, từ phòng ngự đến tấn công đã rã rời, thiếu ăn ý và gắn kết. Rõ ràng, tâm lý của những người trong cuộc đã bị dao động mạnh.

Vấn đề ở chỗ, chiến lược gia người Hàn Quốc biết nhưng không dám thay đổi. Ông chưa thực sự quyết liệt trong cải tổ nhân sự, không dám dùng gương mặt mới, chỉ quanh quẩn với những gương mặt cũ vốn đã bị bắt bài toàn bộ. Một đội tuyển Việt Nam tươi mới chưa chắc đã mạnh hơn, nhưng chí ít cũng cho thấy việc chúng ta không “ngủ quên trên chiến thắng”. Nhưng ông Park không dám làm, không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Phải chăng đó là sự “bảo thủ”, tâm lý “sợ thua”, “ngại thay đổi” như lời bầu Hiển?

Những năm qua, dưới triều đại của huấn luyện viên Park Hang Seo, chúng ta đã bay bổng với cái mác “đội tuyển số 1 Đông Nam Á”, nhất là ở bảng xếp hạng vô thưởng, vô phạt của FIFA. Tuy nhiên, 6 trận thua ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đã khiến các tuyển thủ trở lại mặt đất. Ngoài ra, 6 trận đấu chính thức với đội tuyển Thái Lan, không tính giải giao hữu King’cup, từ năm 2015 đến nay đội tuyển Việt Nam không thắng nổi trận nào, hòa 3 và thua 3, và không ghi được bàn nào. Vậy chúng ta có còn tự hào với danh xưng “số 1 khu vực”?

Và trong 3 năm qua, một vài, nếu không muốn nói là nhiều, cầu thủ chẳng tiến bộ chút nào so với lần đăng quang AFF Cup 2018. Bóng đá Việt Nam chững lại, lứa U22 cho SEA Games 31 cũng đầy âu lo về chất lượng và việc bị vượt qua chỉ là hệ quả tất yếu mà thôi. Vậy nên, việc đội tuyển Việt Nam vừa phải rời ngai vàng khu vực là nỗi buồn nhưng nhìn theo hướng tích cực, một khoảng lặng cần thiết, tốt cả cho những người quản lý và người hâm mộ Việt Nam, nhất là nhóm “ồn ào và huyên náo” trên mạng xã hội.

Thành công và thất bại đều có ít nhiều yếu tố may mắn. Kịch bản ở trận lượt về bán kết sẽ khác nếu cột dọc và xà ngang không từ chối 2 siêu phẩm của Quang Hải ở lượt đi. Tình thế cũng sẽ khác nếu Việt Nam ghi thêm 1 bàn thắng ở vòng bảng để giành ngôi đầu bảng B. Ngoài ra, phải kể tới nhiều quyết định tranh cãi của trọng tài ở lượt đi bán kết. Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố thứ yếu. Một đội bóng mạnh thực sự có thể vượt qua cả sự “không may” để đi tới vạch đích. Nhìn tổng thể, Thái Lan xứng đáng vào chung kết hơn so với đội tuyển Việt Nam.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao/that-bai-can-thiet-cua-doi-tuyen-viet-nam-qWXLZbA7R.html