Thảo luận Tổ trước Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh, ngày 28/11, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức thảo luận Tổ đại biểu HĐND tỉnh, góp ý các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Trước khi chia tổ thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh và thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan được nghe các cơ quan thuyết trình tóm tắt nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp và ý kiến kết quả thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh.

Dự và chỉ đạo có ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Lê Thị Nhung, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; ông Dương Huỳnh Khải, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải phát biểu tại buổi nghe thuyết trình văn bản trình kỳ họp.

Cụ thể, những tờ trình, dự thảo nghị quyết được đưa ra thảo luận với các nội dung như: về quy định mức chi bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; về việc quyết định biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh Cà Mau năm 2024; về việc phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và biên chế các hội có tính chất đặc thù của tỉnh Cà Mau năm 2024; về dự toán ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2024; về phân bổ dự toán ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2024; quy định chính sách hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; bổ sung danh mục, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Cà Mau; về Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và bổ sung Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; về danh mục dự án cần thu hồi đất năm 2024; ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau năm 2024; quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ thoát nghèo và hộ thoát cận nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025;…

Đại biểu Phạm Chí Hải, Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển, Tổ trưởng Tổ 1, phát biểu tại buổi thảo luận của tổ.

Tại Tổ 1, các nhóm vấn đề được đại biểu đặt ra như: thừa thiếu giáo viên, thu hút đầu tư, tạo quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất… Đại diện sở, ban ngành đã giải đáp, trình bày cụ thể, nêu rõ thuận lợi lẫn khó khăn, nguyên nhân và định hướng tháo gỡ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên, đó là câu chuyện áp lực nhiều mà lương thấp, tâm lý chung nhiều giáo viên không mặn mà với vùng sâu nên đối tượng đăng ký thi tuyển gặp hạn chế. Hiện nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các trường trực thuộc, các phòng giáo dục sắp xếp giáo viên, hiện các trường đang lập, rà soát nhằm tìm giải pháp cho vấn đề thừa thiếu giáo viên.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Văn Lên giải đáp ý kiến đại biểu đặt ra.

Tham gia buổi thảo luận, với vai trò tham mưu cho UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Văn Lên cho biết, hiện nay ở các khu tái định gặp nhiều khó khăn do các khu này chưa phát huy được công năng, chưa đem lại hiệu quả khi người dân chưa mặn mà vào ở. Từ nay đến năm 2025 sẽ xin chủ trương UBND tỉnh là, ít nhất 1 huyện phải có 1 khu tái định cư để đảm bảo cuộc sống của người dân bị mất đất.

Tổ 2 do đại biểu Dương Thu Hiền, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, làm Tổ trưởng.

Ghi nhận tại Tổ 2, vì các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết đã qua các đợt thẩm tra và được các đại biểu, đại điện các sở, ngành góp ý và đã tiếp thu, có điều chỉnh, bổ sung theo đóng góp nên tại đợt thảo luận lần này, các đại biểu đều cơ bản thống nhất cao.

Đại biểu đánh giá cao các dự thảo nghị quyết, trong đó có những dự thảo nghị quyết mang tính nhân văn, như dự thảo Nghị quyết quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ thoát nghèo và hộ thoát cận nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025. Theo số liệu thống kê năm 2021-2022, tần suất khám bệnh, chữa bệnh của người thoát nghèo và thoát cận nghèo là 1,52 lần/thẻ, qua đó cho thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này là rất cao. Trong khi đó, năm 2023 còn 6.430 người chưa có điều kiện đế tiếp tục tham gia BHYT (người mới thoát nghèo là 3.364 người, người thoát cận nghèo 3.066 người). Để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững, thực hiện đạt, vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT mà Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2022-2025, tiến tới BHYT toàn dân, việc ban hành nghị quyết nói trên là rất cần thiết.

Tại cuộc họp, đại biểu Trần Thị Quyết quan tâm vấn đề vận động mỗi hộ dân đầu tư xây lò đốt rác tại hộ gia đình. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu mỗi hộ dân đều xây lò đốt rác thì có lãng phí không (chi phí đầu tư mỗi lò ít nhất hơn 1 triệu đồng), và nếu tất cả các lò đốt rác này đều hoạt động đồng loạt thì có gây ô nhiễm môi trường không?

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Quyết đề nghị cần đánh giá sát hơn về thực tế hiệu quả hoạt động của y tế tuyến cơ sở. Bởi, qua các đợt giám sát cho thấy y tế cơ sở hiện còn rất khó khăn, nhiều trạm y tế tuyến xã thiếu cơ sở vật chất, trang thiết y tế chưa đảm bảo cho hoạt động chuyên môn.

Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Y tế cho hay ngành đang làm các đề án để sửa chữa, nâng cấp, trang bị mới cho các Trạm y tế trên toàn tỉnh.

Đại biểu Đoàn Việt Khoa, Bí thư Huyện ủy U Minh và đại biểu Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 3.

Các đại biểu Tổ 3 đã tập trung thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, trọng tâm vào các báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết. Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 22 chỉ tiêu của năm 2023, đến nay đã thực hiện đạt, vượt 20 chỉ tiêu, còn 2 chỉ tiêu gần đạt. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 45.429 tỷ đồng, tăng 7,78% so cùng kỳ; cơ cấu kinh tế: khu vực ngư - nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 32,6%, khu vực công nghiệp - xây dựng 30,6%, khu vực dịch vụ 32,9%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 69,8 triệu đồng, tăng 2,3 triệu đồng so kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 24.000 tỷ đồng, đạt 100% so kế hoạch…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch năm 2023 còn những mặt hạn chế, khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển, gây thiệt hại lớn đến cơ sở hạ tầng, sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin giá cả thị trường còn hạn chế, người dân còn lúng túng trong việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi; tình hình dịch bệnh còn xảy ra; hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm sâu, giá hàng xuất khẩu giảm mạnh, một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn.

Đại biểu Hồ Lệ Quyên bày tỏ lo lắng khi Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2022 xếp hạng 58, giảm 26 bậc so với năm 2021; số dự án được cấp phép đầu tư tăng nhưng số lượng doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động giảm so cùng kỳ.

Đại biểu Huỳnh Xuân Diện băn khoăn về tình hình tệ nạn xã hội xảy ra nhiều nơi, đặc biệt là nạn trộm cắp vặt vùng nông thôn xảy ra ngày càng nhiều; tình trạng người dân ngại trình diễn nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; bất cập trong quản lý kinh doanh, bán hàng online tạo ra kẽ hở, gây thất thu ngân sách nhà nước; chính sách thu hút nhân tài còn hạn chế; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra.

Ngoài ra, các đại biểu quan tâm đến chất lượng các sản phẩm OCOP; thực trạng xã nông thôn mới rớt chuẩn do thiếu nguồn lực; hệ thống y tế cơ sở còn nhiều khó khăn…

Trung Đỉnh - Đặng Duẩn - Hằng My

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thao-luan-to-truoc-ky-hop-thu-12-hdnd-tinh-a30252.html