THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: LÀM RÕ HÌNH THỨC, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE Ô TÔ

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 26/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Theo đó, các ý kiến đại biểu cho rằng cần tiếp tục làm rõ hình thức, trình tự, thủ tục đấu giá cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: CẦN GIẢI PHÁP BÌNH ỔN GIÁ CẢ, TẠO MÔI TRƯỜNG KINH DOANH THUẬN LỢI

Toàn cảnh phiên họp

Tham gia thảo luận tại Tổ 14, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Các đại biểu cũng phân tích, việc ban hành Nghị quyết này nhằm đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn được cấp biển số xe theo mong muốn cá nhân; nâng cao được hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, do dự thảo Nghị quyết này có một số chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành nên cần trình đúng cơ quan có thẩm quyền và nghiên cứu kỹ lưỡng về chính sách trước khi ban hành đề đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ băn khoăn với các quy định về quyền và nghĩa vụ của người đấu giá. Cụ thể, điểm c khoản 2 Điều 3 quy định: Người trúng đấu giá không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe). Đại biểu cho rằng quy định như vậy là quá chặt chẽ, không phù hợp, hạn chế quyền sử dụng tài sản, không đem lại lợi ích tương xứng cho người trúng đấu giá.

Đại biểu Đặng Xuân Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai điều hành nội dung phiên họp

Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 4 của dự thảo Nghị quyết quy định: Không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá. Đại biểu cho rằng quy định như vậy sẽ tạo ra bất cập trong thực tế áp dụng, nên cần cân nhắc, xem xét kỹ vấn đề này.

Theo đề xuất của Bộ Công an, sẽ đưa toàn bộ biển số xe trong hệ thống kho số chưa cấp cho tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị để tổ chức đấu giá. Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, nên chọn một kho số đẹp theo quan niệm phổ thông để đấu giá công khai thay vì đấu giá toàn bộ kho số hiện có, tránh phức tạp hóa, lãng phí nguồn lực và thời gian.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Quân- Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang quan tâm tới quy định tại Điều 2 về biển số đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá. Theo đó, việc giao cho các tổ chức, cá nhân lựa chọn biển số trong kho số quốc gia là rất khó thực hiện khi Nghị quyết có hiệu lực. Đại biểu đề nghị cần giao cho Cục Cảnh sát giao thông- Bộ Công an công khai và bổ sung vào kho số quốc gia.

Điều 5 về giá khởi điểm, tiền đặt trước, quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá quy định, giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá tại Vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) là 40.000.000 đồng; tại Vùng 2 (gồm các địa phương còn lại) là 20.000.000 đồng. Tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số. Đại biểu Nguyễn Văn Quân đề nghị cần quy định giá khởi điểm do Hội đồng định giá, hoặc phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Các đại biểu tại phiên họp

Tham gia phát biểu, đai biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết, việc thí điểm đấu giá biển số xe là việc làm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, tuy nhiên, cần đảm bảo quy định đúng về các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, cần làm rõ xem quyền tài sản này có được thế chấp, cầm cố hay không.

Để đảm bảo tính ổn định, lâu dài, một số ý kiến đại biểu đề nghị thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Việc này góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương chứ không riêng gì những thành phố lớn. Hơn nữa, đây cũng là để khai thác hiệu quả trên diện rộng kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đối với quy định về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế, một số ý kiến bày tỏ tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về các quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Các đại biểu phân tích rằng, đây là nội dung thí điểm, biển số xe ô tô trúng đấu giá vừa là tài sản cá nhân cũng vừa là công cụ quản lý nhà nước, do đó cần thiết phải hạn chế một số quyền tài sản của người trúng đấu giá để đảm bảo việc quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Cũng trong phiên họp tổ này, các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai tại phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại biểu Đặng Xuân Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai điều hành nội dung phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu một số ý kiến về cơ chế đặc thù phát triển thành phố Buôn Mê Thuột

Đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ quan tâm đến cơ chế thu hút nhân tài phát triển thành phố Buôn Mê Thuột.

Minh Hùng - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=69851