Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng

Sáng nay, 15/6, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng (VLXD).Anh Tuấn

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Phan Phong Phú, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các VLXD chủ lực của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao với khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu mét vuông gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu mét vuông kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn).

Trong đó, sản lượng xi-măng, gạch ốp lát thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới. Chất lượng vật liệu xây dựng Việt Nam bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hàng năm ngành VLXD chưa bao gồm thép xây dựng ước đạt khoảng 600.000 tỷ đồng (tương đương hơn 24 tỷ USD), chiếm gần 6% GDP quốc gia.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi măng, sắt thép và VLXD suy giảm.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Phong Phú và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Phong Phú và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Trong đó, tổng sản lượng sản xuất xi măng và clinker cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Đối với sản xuất thép xây dựng, năm 2023 đạt 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022).

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân dẫn đến dẫn đến tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD suy giảm, gặp khó khăn như hiện nay. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, VLXD, như: Chi phí nhiên liệu, nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất, sức ép bảo vệ môi trường, cơ chế chính sách, về thị trường, tình hình tài chính…

Đại biểu các điểm cầu địa phương tham luận tại hội nghị.

Đại biểu các điểm cầu địa phương tham luận tại hội nghị.

Để ngành xi măng, sắt thép, VLXD phát triển bền vững, phát huy hiệu quả và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2024, đồng chí Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, các dự án hạ tầng; đề án đầu tư 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội…

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển ngành xi măng, sắt thép, VLXD phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo; kịp thời phản ứng chính sách các vấn đề nổi lên, các khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển; tổ chức thực hiện phải quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.

Phát triển ngành VLXD phải bảo đảm hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu; tiếp cận và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng.

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất; khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản; sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành cho quá trình sản xuất; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường; phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển xi măng, sắt thép, VLXD; phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.

Các đại biểu dự hội nghị tại điềm cầu tỉnh Quảng Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điềm cầu tỉnh Quảng Bình.

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội rà soát lại cơ chế, chính sách về phát triển ngành xi măng, sắt thép và VLXD; chủ động sáng tạo, phản ứng nhanh với tình hình; theo dõi sát, tăng cường năng lực dự báo các yếu tố tác động trong và ngoài nước để có các phương án chủ động ứng phó một cách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xi măng, sắt thép, VLXD ổn định sản xuất và mở rộng thị trường.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202406/thao-go-kho-khan-thuc-day-san-xuat-tieu-thu-xi-mang-sat-thep-va-vat-lieu-xay-dung-2218824/