Thanh toán bằng tiền mặt gia tăng trở lại ở một số nước Đông Nam Á
Philippines là quốc gia sử dụng tiền mặt cao nhất, với hơn 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết rằng phần lớn doanh số bán hàng năm 2021 của họ được giao dịch bằng tiền mặt. Điều này đánh dấu sự gia tăng so với mức 70% vào năm 2020, khi việc sử dụng tiền mặt giảm.
Ảnh minh họa
Đại dịch COVID-19 được cho là sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang thanh toán kỹ thuật số. Các đợt phong tỏa và hạn chế đi lại trong đầu năm 2020 tại các nước Đông Nam Á cùng với lo ngại virus SARS-CoV-2 có thể dễ dàng lây truyền trong quá trình giao dịch tiền mặt từ tay người này sang người khác, dường như báo trước về một kỷ nguyên mới của thanh toán kỹ thuật số.
Tuy nhiên, dữ liệu trên toàn khu vực gần đây cho thấy tiền mặt dường như đang tăng trở lại, ít nhất là ở một số nền kinh tế. Cơ quan kế toán chuyên nghiệp CPA Australia đã thực hiện một nghiên cứu trong khu vực về hành vi tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Cuộc khảo sát hàng năm về các hoạt động kinh doanh nhỏ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương này bao gồm việc xem xét sử dụng tiền mặt.
Cuộc khảo sát hỏi có bao nhiêu công ty vẫn nhận được 50% thu nhập trở lên bằng tiền mặt. Đây là một câu hỏi đơn giản nhưng hiệu quả về việc sử dụng tiền tệ giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Philippines là quốc gia sử dụng tiền mặt cao nhất, với hơn 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết rằng phần lớn doanh số bán hàng năm 2021 của họ được giao dịch bằng tiền mặt. Điều này đánh dấu sự gia tăng so với mức 70% vào năm 2020, khi việc sử dụng tiền mặt giảm.
Người dân Indonesia cũng tiếp tục thể hiện sự phụ thuộc chủ yếu vào tiền mặt, với mức tăng nhẹ vào năm ngoái. Tỷ lệ các công ty nhận hơn 50% các khoản thanh toán bằng tiền mặt đã tăng từ 58% vào năm 2020 lên 60% vào năm 2021.
Tuy vậy, cả Malaysia và Singapore tiếp tục báo cáo việc sử dụng tiền mặt giảm rõ rệt, với ít hơn 40% doanh nghiệp nhỏ ở mỗi quốc gia ghi nhận phần lớn các giao dịch tiền mặt. Ở hai quốc gia này, việc sử dụng tiền mặt đã liên tục giảm trong vài năm./.