Thành phố 'Sau 22 giờ'
Tạo cho du khách ấn tượng về một đô thị dịu mát, tĩnh lặng, không ô nhiễm ánh sáng buổi đêm... là điều tích cực có thể nhìn thấy...
Sản lượng tiêu thụ điện tại các trung tâm thương mại ở khu vực quận 1, quận 3 đã tiết giảm rất nhiều, lượng tiết giảm từ 5%-10% là một tín hiệu tốt.
Ông Lê Tuấn Trường, Phó Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết kết quả trên có được sau nhiều ngày vận động và tuyên truyền tiết kiệm điện. Cũng theo ông Trường, với các bảng quảng cáo, trang trí ngoài trời thì hầu hết là tắt sau 22 giờ.
Còn ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), cho hay năm 2023, EVNHCMC đẩy mạnh tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả bằng các giải pháp quyết liệt, phấn đấu sản lượng điện tiết kiệm đạt mức ≥ 2% điện thương phẩm.
Các thông tin trên là tín hiệu tích cực trong bối cảnh cả nước gồng mình ứng phó với nắng nóng, nguy cơ hạn hán, thiếu nước cho thủy điện. Tiết kiệm điện vừa góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững là điều không còn bàn cãi.
Với riêng TP HCM, sau nhiều năm thực hiện tốt Giờ trái đất, với việc đưa chương trình tiết kiệm điện thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội trên địa bàn, nâng cao nhận thức và hành động của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình về sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả..., thành phố đang dần hình thành nên thương hiệu tạm gọi là "Sau 22 giờ".
Lượng điện được chắt chiu sẽ giúp nhà máy thêm năng lực hoạt động, người dân thêm gió quạt máy, học sinh đỡ ngột ngạt khi học bài. Đặc biệt, tạo được nét đặc trưng với du khách về một đô thị dịu mát, tĩnh lặng, không ô nhiễm ánh sáng buổi đêm... là những gì có thể nhìn thấy.
Và nếu thấy rõ nhiều cái lợi như vậy thì không chỉ TP HCM, các địa phương khác cũng nên cân nhắc biện pháp tiết kiệm điện như thế, bao gồm tắt đèn biển hiệu quảng cáo sau 22 giờ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/thanh-pho-sau-22-gio-20230521202747244.htm