Thành phố Hồ Chí Minh: Vi phạm xây dựng giảm gần 80% sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 23

Ngày 25/7/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Đến nay, sau 4 năm triển khai Chỉ thị 23-CT/TU, các công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm rõ rệt.

Vi phạm trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí minh giảm gần 80% sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy Thành phố.

Vi phạm trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí minh giảm gần 80% sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy Thành phố.

Vi phạm xây dựng giảm gần 80%

Ngày 25/7/2019, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Để triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 3333/KH-UBND.

Theo Kế hoạch số 333/KH-UBND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra 7 nhóm giải pháp với 56 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, giải pháp về quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất; về tổ chức bộ máy; về công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng; về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; về quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng; về giám sát, kiểm tra bằng công nghệ; về nhà ở cho người thu nhập thấp.

Sau 4 năm triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn Thành phố, đến nay, theo kế hoạch đã có 53/56 nhiệm vụ được thực hiện, có 1/56 nhiệm vụ đang thực hiện và có 2/56 nhiệm vụ không thể triển khai thực hiện (cắt điện, nước tại các công trình vi phạm trật tự xây dựng).

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, bình quân mỗi ngày có chưa tới 1 vụ vi phạm trật tự xây dựng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, bình quân mỗi ngày có chưa tới 1 vụ vi phạm trật tự xây dựng.

Theo báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện (15/7/2019 – 15/6/2023) Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy và Kế hoạch 3333/KH-UBND của UBND Thành phố mà Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh công bố, trong công tác quản lý trật tự xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả nhất định.

Thứ nhất, Thành phố đã kiểm soát được, quản lý được tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn. Thứ hai, Thành phố đã kéo giảm được số vụ và tỷ lệ phát hiện vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, trước khi có Chỉ thị số 23-CT/TU bình quân Thành phố có gần 10 vụ vi phạm trật tự xây dựng/ngày, nhưng sau khi Chỉ thị số 23-CT/TU được triển khai thì Thành phố chỉ còn gần 2 vụ vi phạm/ngày. Tỷ lệ giảm gần 80%.

Đặc biệt, nếu tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố có tổng số công trình vi phạm là 170 công trình, bình quân số vụ vi phạm là 0,9 vụ/ngày; tính ra mỗi ngày có chưa đến 1 vụ vi phạm trật tự xây dựng.

Theo ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, để Chỉ thị số 23-CT/TU đạt hiệu quả là nhờ có được sự đồng thuận của các cơ quan tham gia phối hợp thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU. Nhiệm vụ này không phải riêng của Sở Xây dựng, của UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, kể cả các lực lượng vũ trang.

Cũng theo ông Quân, để Chỉ thị số 23-CT/TU đạt được hiệu quả như hôm nay, ngành Xây dựng cũng mất rất nhiều. Một trong những tổn thất xương máu nhất đó là mất cán bộ.

Theo thống kê của Thanh tra Sở Xây dựng, tính từ tháng 7/2019 cho đến 6/2023, ngành Xây dựng đã xử lý kỷ luật 184 trường hợp cán bộ vi phạm quy định. Trong đó, nhẹ nhất là bị phê bình kiểm điểm, nặng nhất là bị cách chức và buộc thôi việc. Con số 184 trường hợp bị xử lý do vi phạm quy định là con số nhỏ trong lực lượng Thanh tra xây dựng địa bàn, chưa tính đến những cán bộ công chức ở các địa phương và cá nhân, tổ chức có liên quan đến vi phạm của nhóm cán bộ này.

Ông Trần Hoàng Quân cho rằng, những kết quả đạt được trong 4 năm qua đã cho thấy, Chỉ thị 23-CT/TU là một quyết sách hữu hiệu của Thành ủy trong việc lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiệu quả quản lý từ cấp cơ sở

Từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU và Kế hoạch số 3333-KH/UBND đi vào thực tiễn, trong quá trình thực hiện các địa phương cấp cơ sở đã không ngừng sáng tạo, rút ra nhiều bài học để nâng cao hiệu quản lý; giúp công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng đi vào nề nếp, đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, tại địa bàn quận 1, sau 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được kiểm soát tốt. Đảm bảo 100% công trình xây dựng trên địa bàn được kiểm tra và xử lý kịp thời, không phát sinh điểm nóng, phức tạp về vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc trong dư luận. Để đạt được kết quả đó, UBND quận 1 đã thực hiện giải pháp về con người, về cơ chế phối hợp và ứng dụng phần mềm trực tuyến.

Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng với Đội Thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng Thành phố được các địa phương chú trọng.

Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng với Đội Thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng Thành phố được các địa phương chú trọng.

Đồng thời, UBND quận 1 cũng tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận với Đội Thanh tra địa bàn (Thanh tra Sở Xây dựng) nhằm tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Giao ban định kỳ với lãnh đạo Sở Xây dựng, Đội Thanh tra địa bàn và các đơn vị của quận để rà soát, đánh giá kết quả nhằm kịp thời chỉ đạo thực hiện trong công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Yêu cầu các phường thống kê lập danh sách các công trình xây dựng, công trình sửa chữa, công trình có vi phạm xây dựng để kiểm tra, đối chiếu, rà soát và tham mưu xử lý theo quy định.

Riêng huyện Bình Chánh lại đẩy mạnh công tác tuần tra, giám sát hàng ngày, phân công rõ khu vực, tuyến đường tuần tra, giám sát của từng cán bộ, công chức. Qua đó kịp thời phát hiện, báo cáo đầy đủ kết quả khi tuần tra, giám sát và xử lý công trình vi phạm ngay từ đầu; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch hẻm giới, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, quy định quản lý các đồ án quy hoạch và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, đất ở, làm cơ sở thống nhất trong việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân trên địa bàn huyện; kêu gọi người dân tham gia đấu tranh đối với hành vi vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng bằng cách sử dụng phần mềm “Bình Chánh trực tuyến” để phản ánh; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ liên quan tới cấp phép xây dựng, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để nộp và nhận hồ sơ qua mạng.

Địa phương cấp cơ sở đang giám sát chặt việc quản lý, xử lý đối với các trường hợp chia nhỏ nhà ở riêng lẻ thành nhiều căn để bán hoặc cho thuê.

Địa phương cấp cơ sở đang giám sát chặt việc quản lý, xử lý đối với các trường hợp chia nhỏ nhà ở riêng lẻ thành nhiều căn để bán hoặc cho thuê.

Đối với UBND quận 12, địa phương này lại ban hành quy chế phân công nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị phòng ban và UBND phường trong công tác tổ chức, triển khai thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính. Từ đó các đơn vị xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong quy trình tổ chức thực hiện đồng bộ không đùn đẩy trách nhiệm, công khai minh bạch từ ban đầu.

Đồng thời, Quận ủy, UBND quận 12 cũng kiên quyết đấu tranh xử lý các tổ chức, cá nhân đã triển khai xây dựng các công trình trên đất không được phép xây dựng, công trình không phép, sai phép tại địa phương; yêu cầu các tổ chức, cá nhân môi giới, kinh doanh bất động sản trên địa bàn viết cam kết không vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng.

Thiên Nam

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-vi-pham-xay-dung-giam-gan-80-sau-4-nam-thuc-hien-chi-thi-23-366713.html