Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị nhiều nhóm vấn đề nóng với Thủ tướng

Ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy kinh tế Thành phố phát triển đúng với vai trò đầu tàu.

Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, các Bộ trưởng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo TP.HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy T.PHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo với Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, biến động, khó lường, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, TP.HCM tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng. Theo đó, 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng khá. Thu ngân sách nhà nước đạt 26,6% dự toán năm; doanh thu du lịch tăng 77,2% so với cùng kỳ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả phát triển kinh tế-xã hội quý I/2023 của Thành phố chưa đạt như mong muốn, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM rất thấp (tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) quý I/2023 tăng 0,7% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm. Đặc biệt, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm. Ngoài ra, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (22,81%) so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công thấp (đạt 4%)…

Năm 2023, UBND TP.HCM đề ra mục tiêu tăng trưởng là 7,5% - 8%. Nhưng với bối cảnh như hiện nay, nhiều khả năng kịch bản bất lợi sẽ xảy ra và khả năng đạt 8% sẽ rất khó khả thi.

Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá Thành phố nhằm thực hiện đúng vai trò đầu tàu như Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định.

Thành phố kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng (Dự án cao tốc TP.HCM-Mộc Bài; Dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM-Trung Lương; Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây; Đường Vành đai 3 TP.HCM; Đường Vành đai 4 TP.HCM; Dự án cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; Dự án đường sắt TP.HCM-Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Long Thành, ga đường sắt Thủ Thiêm, ga đường sắt Bình Triệu; các dự án đường sắt đô thị...) và quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ Thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị nhiều nhóm vấn đề nóng với Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ tại buổi làm việc ngày 16/4/2023

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản: Nghị định 152 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo hướng tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề; Nghị quyết về điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố thí điểm thực hiện cấp giấy phép lao động điện tử cho người lao động nước ngoài để phù hợp với chủ trương, chương trình chuyển đổi số; đồng thời có cơ chế đặc thù thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà; Chủ động quyết định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn thành phố năm 2023.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Đối với khó khăn của thị trường bất động sản, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa; doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa chuyển mục đích sử dụng đất.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-kien-nghi-nhieu-nhom-van-de-nong-voi-thu-tuong-375214.html