Thanh niên tình nguyện đã sẵn sàng đồng hành với các 'sĩ tử'
Khoảng 1.600 thanh niên tình nguyện của Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã sẵn sàng cho Chương trình 'Tiếp sức mùa thi năm 2023'.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6 tới. Từ chiều ngày 27/6, các thí sinh (TS) sẽ đến điểm thi để làm thủ tục và học nội quy quy chế thi. Vì thế, lực lượng thanh niên tình nguyện cũng đã hoàn tất các khâu tổ chức và sẵn sàng đồng hành cùng ‘sĩ tử’.
Trao đổi nhanh với GD&TĐ, chị Phùng Tố Linh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, cho biết: Chương trình ‘Tiếp sức mùa thi năm 2023”, Tỉnh đoàn huy động khoảng 1.600 đoàn viên thanh niên tham gia chiến dịch tình nguyện.
Theo đó, tại 75 điểm thi ở trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh, Đoàn Thanh niên các huyện, thị xã, thành phố đã có các hoạt động tuyên truyền về Chương trình “Tiếp sức mùa thi năm 2023” đến người dân, TS và người nhà TS thông qua việc phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh, báo chí, tập trung truyền thông trên các nền tảng số như: website, facebook,….
Cùng đó, thực hiện triển khai các kênh thông tin tiếp nhận nhu cầu cần được hỗ trợ của TS. Phân loại, xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của TS.
Chủ động rà soát, xây dựng phương án hỗ trợ đối với TS có hoàn cảnh khó khăn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, TS mồ côi cha mẹ, khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, …
Cũng theo chị Phùng Tố Linh, để thực hiện thành công Chương trình "Tiếp sức mùa thi năm 2023", Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng kêu gọi nguồn lực hỗ trợ cho Chương trình; tìm kiếm học bổng cho những TS có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ dụng cụ học tập cho TS.
Triển khai mô hình “Mỗi đoàn viên hỗ trợ một thí sinh” kết nối giữa tình nguyện viên và những TS cần hỗ trợ về các nội dung, như: ôn thi, tư vấn chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi, giải đáp một số thắc mắc về kỳ thi,…
Triển khai các hoạt động cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe trước kỳ thi như: tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát cẩm nang hướng dẫn phòng các bệnh dễ lây nhiễm, cấp phát thuốc miễn phí, các sản phẩm dinh dưỡng, triển khai các phương án hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, điểm đăng ký thi có số lượng đông TS…
Chủ động tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các đội hình tình nguyện; số lượng đội hình tình nguyện phù hợp với nhu cầu cần hỗ trợ.
Bên cạnh đó, thành lập đội hình tình nguyện tiến hành khảo sát, giới thiệu các địa điểm ăn uống giá rẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho TS và người nhà TS...
Phối hợp với chính quyền, các cơ sở y tế, các nhà trường rà soát, nắm thông tin về tình hình TS tại địa phương. Xây dựng phương án hỗ trợ đi lại, ăn nghỉ cho TS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ động xử lý khi có sự cố bất thường về thời tiết, tai nạn, sức khỏe,… của TS.
Thành lập các đội tình nguyện hỗ trợ, hướng dẫn TS tại các trạm và trên các tuyến xe buýt; triển khai hoạt động đưa, đón miễn phí cho TS có hoàn cảnh đặc biệt, vùng sâu, vùng xa, TS khuyết tật. Hướng dẫn TS, phụ huynh đi vào những tuyến đường tránh ùn tắc giao thông; phát các vật dụng hỗ trợ, như: thông tin hướng dẫn, nước uống, đồ ăn nhẹ.
Phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến TS như: phát hành tài liệu trái pháp luật, tăng giá các sản phẩm, dịch vụ, gây mất an ninh, trật tự, trộm cắp, lừa đảo, mất an toàn giao thông.... Tổ chức các đội hình tình nguyện hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có mật độ giao thông cao...