Thanh Hóa: Người dân bất an khi đồi Na Lo nứt toác

Hàng chục hộ dân thôn Tân Lập (Tân Phúc, Lang Chánh, Thanh Hóa) và khu lẻ trường Mầm non Tân Phúc đang như ngồi trên đống lửa khi đồi Na Lo bỗng dưng nứt toác. Nguy cơ sạt lở đất dần hiện hữu trước mắt, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Ngày 24/8, thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Hoàng Văn Thanh cho biết: Huyện đã nắm được tình trạng sạt lở tại chân đồi Na Lo thuộc xã Tân Phúc. Từ đầu năm 2023, các hộ dân sinh sống dưới chân đồi Na Lo, tại thôn Tân Lập phát hiện phía trên sườn đồi có vết nứt, đất sụt, trượt xuống.

Người dân dưới chân đồi Na Lo nơm nớp lo sợ khi xuất hiện các vết nứt lớn

Qua kiểm tra chiều dài hơn hơn 60 m, rộng khoảng 4cm, một số vị trí đã bị sạt trượt nguy cơ ảnh hưởng đến 18 hộ với 71 khẩu và 01 khu lẻ Trường Mầm non Tân Phúc (73 cháu và 07 cô giáo) đang sinh sống, và học tập ngay phía dưới chân đồi Na Lo.

Sau khi nhận báo cáo của UBND xã về nguy cơ sạt lở, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra và xác định nguyên nhân của việc sạt trượt tại đồi Na Lo, thôn Tân Lập.

Vết nứt tại đồi Na Lo

Giao UBND xã Tân Phúc thường xuyên cắt cử người theo dõi tình hình khu vực đồi Na Lo để có cảnh báo nguy cơ sạt lở cho nhân dân được biết. Trong những ngày có mưa lớn yêu cầu toàn bộ các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở di chuyển đến nơi trú tránh an toàn.

“Trước diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa năm nay, nguy cơ sạt lở tại khu đồi Na Lo cao. Nguồn kinh phí để khắc phục sạt lở tại thôn Tân Lập, xã Tân Phúc là rất lớn, vì vậy UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư khu tái định cư tại chỗ cho các hộ dân dưới chân đồi Na Lo.

Dự kiến mức đầu tư trên 20 tỷ đồng. Lang Chánh là huyện nghèo nên số tiền trên là quá lớn với địa phương, nên rất mong cấp trên quan tâm để các hộ dân sống tại thôn Tân Lập, xã Tân Phúc an tâm khi mùa mưa đến”, ông Thanh nói.

Người dân miền núi xứ Thanh sống dọc các khu vực đồi, núi cao

Được biết, Lang Chánh là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Địa hình tương đối phức tạp, có nhiều đồi núi cao, độ dốc lớn và chia cắt mạnh bởi các sông, suối. Độ cao trung bình toàn huyện từ 500 m -700 m (so với mặt nước biển), cao nhất là đỉnh núi Pù Rinh 1.291 m.

Hiện tại, Lang Chánh đang triển khai dự án tái định cư để ổn định đời sống và sản xuất của 62 hộ dân tại xã Tam Văn (bản Lọng 40 hộ, bản Căm 22 hộ) bị ảnh hưởng của thiên tai do sạt lở đất và lũ quét. Đảm bảo các hộ dân sau tái định cư có cuộc sống ổn định bền vững, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, trật tự và môi trường của địa phương.

Nhiều vướng mắc nên các khu tái định cư của người dân chậm được triển khai

2 khu tái định cư thuộc xã Tam Văn với diện tích là 5,75ha gồm khu tái định cư bản Lọng 3,83ha và khu tái định cư bản Căm 1,92ha. Đầu tư đồng bộ hệ thống san nền, đường giao thông, hệ thống vỉa hè, hệ thống thoát nước, cấp nước sinh hoạt, trạm biến áp và đường dây trung thế, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt với số vốn gần 50 tỷ đồng.

Dự án được triển khai thi công từ tháng 12/2021. Tuy nhiên do địa hình phức tạp, quá trình lập quy hoạch còn phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế; việc lập quy hoạch phải tổ chức lấy ý kiến của các cấp, thời gian lấy ý kiến kéo dài, làm ảnh hưởng đến thời gian thực hiện dự án.

Ngoài ra do dịch Covid-19, bão giá nhiên liệu, khan hiếm nguyên liệu dẫn tới dự án mới chỉ đạt hơn 60%. Vì vậy người dân vẫn phải chờ mặt bằng tái định cư qua mùa mưa bão 2023.

Thanh Hóa có tới 7 huyện miền núi, người dân thường sống dọc các bờ sông, suối, trên khu vực đồi núi cao nguy cơ sạt lở, lũ ống vào mùa mưa bão rất cao. Chính quyền địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để bố trí, sắp xếp các khu tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, do kinh phí lớn, người dân chưa thích nghi với việc sống tập trung, địa hình lại phức tạp khó chọn được khu vực xây dựng, nên các khu tái định cư chậm được triển khai.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/thanh-hoa-nguoi-dan-bat-an-khi-doi-na-lo-nut-toac-391391.html