Thanh Hóa: Ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, tái phát và lây lan trên địa bàn

Chiều 16/6, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện khẩn số 16/CĐ-UBND về việc Tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, tái phát và lây lan trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra điểm tập kết, buôn bán vận chuyển lợn tại thành phố Thanh Hóa.

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước còn 516 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 127 huyện, của 32 tỉnh, thành phố; trong đó, tại 04 tỉnh Bắc Trung bộ là Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 450 xã, 47 huyện, buộc phải tiêu hủy 44.631 con lợn.

Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan ra nhiều địa phương khác và nguy cơ xâm nhập, lây lan vào địa bàn tỉnh là rất cao. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện khẩn số 16/CĐ-UBND về việc Tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, tái phát và lây lan trên địa bàn.

Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua hệ thống loa truyền thanh cấp huyện, cấp xã về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ tái phát, lây lan diện rộng; phổ biến, nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; các biện pháp phòng dịch như vệ sinh sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, chăn nuôi an toàn sinh học,...

Phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi bệnh dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; khi xuất hiện lợn ốm, chết phải lập bản cam kết với hộ chăn nuôi không bán chạy, không vứt xác lợn ra môi trường và thực hiện xử lý đúng quy định phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bản chạy, giết mổ lợn mắc bệnh, lợn nghị mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức quản lý chặt chẽ tổng đàn lợn, công tác tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn, đảm bảo không để tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi, không cho tái đàn, tăng đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ xác định quản lý tốt công tác tái đàn lợn là giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát. Xử lý nghiêm các trường hợp tái đàn không khai báo, không đảm bảo điều kiện để xảy ra dịch bệnh và không thực hiện hỗ trợ kinh phí khi có lợn phải tiêu hủy do mắc bệnh đối với những trường hợp vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các đơn vị trực thuộc tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các điều kiện để thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn, vệ sinh phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống đẩy mạnh việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi để thực hiện việc tái đàn, tăng đàn.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 17/6/2019, nhất là công tác quản lý vận chuyển lợn giống; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển lợn không đúng quy định. Rà soát, cũng cố, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y các cấp đảm ảo đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; thực hiện nghiêm.

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là các điều kiện để tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát vận chuyển lợn giống vào địa bàn tỉnh; tăng cường tổ chức lấy mẫu giám sát bệnh dịch tả lợn châu Phi để kịp thời phát hiện cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và đề xuất giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả; thành lập các đội phản ứng nhanh để chỉ đạo, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện, không để dịch lây lan ra diện rộng.

Được biết, nguyên nhân chính dịch bệnh tái phát là do: Virus dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm đối với lợn, đường lây truyền dịch bệnh phức tạp; hiện chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh; các hộ chăn nuôi nhập lợn giống để tái đàn không đảm bảo chất lượng và tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học; khi lợn có biểu hiện mắc bệnh, nhiều hộ dân đã bán chạy, giết mổ, tiêu thụ, xả chất thải ra môi trường; công tác quản lý tái đàn ở nhiều nơi chưa chặt chẽ; sau một thời gian dịch bệnh được khống chế, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là của một số hộ chăn nuôi trong việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh,...

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-hoa-ngan-chan-benh-dich-ta-lon-chau-phi-xam-nhap-tai-phat-va-lay-lan-tren-dia-ban-post139292.html