Thanh Hóa: Chỉ đạo quyết liệt việc giải bài toán khó trong xử lý vi phạm

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm túc, dứt điểm vi phạm tại các điểm thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa tại Văn bản số 5022-CV/VPTU ngày 10/5/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 6800/UBND-NN.

Xưởng bóc và phơi gỗ keo trái phép tại khu phố Xuân Quang, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa).

Xưởng bóc và phơi gỗ keo trái phép tại khu phố Xuân Quang, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa).

Về việc tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm túc, dứt điểm các vi phạm tại các điểm thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn tỉnh, gửi tới các đơn vị: Sở NN&PTNT; Sở TN&MT; Sở Xây dựng; Sở Công Thương; UBND các huyện, thị xã; Chi cục Kiểm lâm.

Văn bản có nội dung chỉ đạo: Yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo, tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Triệu Sơn, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh và các đơn vị liên quan, tiếp tục rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm về lâm nghiệp, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh lao động… (nếu có) liên quan đến các điểm thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn theo đúng quy định và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại các Văn bản: Số 4929-CV/VPTU ngày 16/4/2024, số 5022-CV/VPTU ngày 10/5/2024; của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản: số 3995/UBND-NN ngày 25/3/2024, số 5613/UBND-NN ngày 23/4/2024 và các văn bản chỉ đạo khác liên quan; định kỳ ngày 15 và 25 hằng tháng, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh kết quả thực hiện.

Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, rà soát, đánh giá tình hình, đề xuất các biện pháp, giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030; Đề án phát triển giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 và Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024; Quyết định số 3817/QĐ-BNN-LN ngày 12/9/2023 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 12/4/2024 của UBND tỉnh; trong đó, trọng tâm trước mắt là xây dựng, triển khai phương án, biện pháp quản lý chặt chẽ các hoạt động thu mua, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn; thúc đẩy, khuyết khích việc thu mua, chế biến gỗ rừng trồng gắn với công nghệ chế biến sâu, chế biến tinh, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững; báo cáo UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền.

Giao Chủ tịch UBND các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Triệu Sơn, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh nâng cao tính chủ động, chỉ đạo các phòng chuyên môn trực thuộc, các Hạt Kiểm lâm huyện, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện quyết liệt trách nhiệm quản lý Nhà nước và các nội dung kiến nghị của Sở NN&PTNT tại Văn bản số 148/BC-SNN&PTNT ngày 06/5/2024; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường… trên địa bàn; nhất là đối với các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản; kiên quyết không để tái diễn tình trạng thu mua, chế biến gỗ rừng trồng tự phát, không đúng quy định. Chủ tịch UBND các huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu chỉ đạo, triển khai thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn hành vi vi phạm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở Nông nghiệp và PTNT để theo dõi, tổng hợp, tham mưu).

Cần sự tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm túc, dứt điểm của các địa phương

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 100 cơ sở băm dăm, chế biến gỗ keo trái phép, tập trung chủ yếu tại địa bàn các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh. Bên cạnh việc giải quyết khâu tiêu thụ nguyên liệu cho rừng trồng và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, các cơ sở này cũng gây nên không ít hệ lụy trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, sử dụng đất, PCCC và cạnh tranh không lành mạnh khi thu mua nguyên liệu… Và mặc dù thời gian qua cơ quan báo chí đã không ít lần lên tiếng phản ánh về những sai phạm tại những cơ sở này cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương sở tại.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo trong việc rà soát và xử lý sai phạm đối với các cơ sở thu mua, chế biến, tuy nhiên việc xử lý ở hầu hết các địa phương chưa quyết liệt, không dứt điểm và dường như đang gặp phải bài toán khó.

Nguyên nhân chủ yếu là bởi khi phát hiện sai phạm các địa phương đã không quyết liệt ngăn chặn ngay từ đầu, đến khi chủ cơ sở đã đầu tư một khoản tiền lớn vào xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động, việc yêu cầu họ dừng sản xuất hoặc tháo dỡ công trình vi phạm trở thành việc hết sức khó khăn, chính vì thế nhiều cơ sở sai phạm vẫn cứ hoạt động.

Thực trạng này đòi hỏi các địa phương cần tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm túc, dứt điểm vi phạm nhằm sớm đưa ra lời giải cho bài toán.

Đình Đông

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thanh-hoa-chi-dao-quyet-liet-viec-giai-bai-toan-kho-trong-xu-ly-vi-pham-88253.html