Thành điểm nóng Covid-19, châu Âu được đề nghị học châu Á

Nhiều nước châu Âu đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa tại những khu vực có số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao, hoặc ban bố lệnh giới nghiêm...

Tái áp đặt lệnh phong tỏa, giới nghiêm khu vực

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 20/10, toàn thế giới ghi nhận 40.629.840 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Tổng số ca tử vong do bệnh này hiện đã lên tới 1.122.734 ca, trong khi 30.341.172 ca đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, Mỹ , Ấn Độ và Anh là ba nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, lần lượt ở con số 51.867 ca, 46.498 ca và 18.804 ca.

Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã lên tới 8,45 triệu ca, cao nhất thế giới. Tiếp sau là Ấn Độ (7.59 triệu ca) và Brazil (5,25 triệu ca).

Châu Âu một lần nữa trở thành điểm nóng khi số ca nhiễm mới tăng mạnh trong 10 ngày gần đây. Nga, Tây Ban Nha, Pháp trong 24 giờ qua ghi nhận số ca nhiễm mới từ 12.000 đến 15.000 ca.

Trong thời gian này, Italy, Bỉ, Séc, Hà Lan, Ba Lan, Đức, Thụy Sĩ có khoảng từ 6.000 đến hơn 9.000 ca nhiễm mới.

Một nhà hàng lưa thưa khách ở thủ đô Rome (Italy). Ảnh: Reuters

Hiện nhiều nước châu Âu đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa tại những khu vực có số ca nhiễm mới tăng cao, hoặc ban bố lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Ngày 19/10, Thủ tướng Micheal Martin tuyên bố Ireland trở thành quốc gia thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) quay trở lại tình trạng phong tỏa để phòng, chống đại dịch Covid-19 sau khi chính quyền nước này ban hành lệnh “ở nhà” trên phạm vi toàn quốc, song vẫn cho phép các trường học mở cửa.

Các biện pháp mới sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 6 tuần kể từ 23 giờ GMT ngày 21/10 (6 giờ 00 ngày 22/10 theo giờ Hà Nội).

Ireland yêu cầu đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu, trong khi các nhà hàng và quán bar cũng chỉ được phép kinh doanh dịch vụ mang đồ ăn/uống về nhà.

Tại châu Á, Indonesia và Philippines vẫn đang nỗ lực khống chế dịch bệnh, duy trì số ca nhiễm mới trong ngày ở mức từ 2.000 đến hơn 3.000 ca.

Trước tình hình trên, chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan nói rằng các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ nên học tập châu Á trong việc chống dịch, đánh giá cao việc các nước châu Á duy trì các biện pháp chống dịch và cách ly.

Tại cuộc họp báo ngày 19/10, ông Mike Ryan cho biết khu vực châu Âu, bao gồm Nga, ghi nhận hơn 8.500 ca tử vong trong tuần qua và hơn một nửa số quốc gia tại khu vực này có số ca mắc Covid-19 mới tăng 50%.

Trong khi đó, các quốc gia khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đã ngăn được đà lây lan của dịch trong vài tháng qua thông qua việc phát hiện các ca mới, cách ly và truy dấu tiếp xúc.

Các biện pháp chống dịch được duy trì cũng làm gia tăng niềm tin của người dân vào chính phủ.

"Nói cách khác, họ đã đến đích và vẫn tiếp tục chạy, bởi vì họ biết rằng cuộc đua chưa kết thúc và đích đến đó chỉ là giả. Quá nhiều quốc gia đã đặt ra đích đến tưởng tượng và khi vượt qua nó, họ đã giảm hành động.

Các quốc gia châu Á, nam Á và Tây Thái Bình Dương đã thành công và họ vẫn tiếp tục các hành động chủ chốt", chuyên gia của WHO nói.

Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi chính quyền các nước duy trì cuộc chiến chống virus corona chủng mới, đến nay đã khiến hơn 40 triệu người mắc bệnh và hơn 1 triệu người tử vong.

"Tôi biết là mệt mỏi nhưng virus đã cho thấy rằng khi chúng ta giảm sự phòng vệ, nó có thể tăng trở lại với tốc độ nguy hiểm và đe dọa các bệnh viện, hệ thống y tế của chúng ta", ông Tedros nói.

Brazil nói vaccine Trung Quốc an toàn

Sinovac là hãng dược đầu tiên công bố kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19, đưa Trung Quốc vượt lên dẫn đầu cuộc đua.

Theo hãng tin Reuters ngày 19/10, viện Butantan, nơi đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 loại vaccine CoronaVac của hãng Sinovac (Trung Quốc), cho biết kết quả thử nghiệm ban đầu trên 9.000 người tình nguyện cho thấy loại vaccine này an toàn.

Theo Giám đốc Dimas Covas của viện, kết quả đánh giá hiệu quả bảo vệ trước virus corona chủng mới của vaccine này sẽ được công bố sau khi hoàn thành thử nghiệm trên toàn bộ 13.000 người. Vaccine ngừa Covid-19 do hãng Sinovac phát triển được tiêm hai liều.

Cụ thể, những người tham gia thử nghiệm không có phản ứng phụ nghiêm trọng đối với vaccine, với 20% bị đau nhẹ do tiêm và 15% bị đau đầu sau lần tiêm đầu tiên. Tỉ lệ đau đầu giảm xuống còn 10% sau lần tiêm thứ hai. Chưa tới 5% bị nôn mửa, mệt mỏi và tỉ lệ bị đau cơ còn thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi những người tham gia thử nghiệm.

Kết quả tại Brazil cũng là kết quả đầu tiên của quá trình thử nghiệm trên toàn cầu của Sinovac, hiện cũng đang tiến hành tại Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.

"Các kết quả đầu tiên của nghiên cứu lâm sàng tiến hành ở Brazil chứng minh rằng trong số các loại vaccine được thử nghiệm tại đây, CoronaVac là an toàn nhất và có tỉ lệ hứa hẹn và tốt nhất", hãng tin Reuters dẫn lời ông Joao Doria, thống đốc bang Sao Paulo, nói.

Sao Paulo đã ký thỏa thuận mua 60 triệu liều CoronaVac của Trung Quốc.

Trong khi đó, về phía Mỹ, sau 9 tháng có ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên tại nước Mỹ, hai công ty dược phẩm Pfizer và Moderna có kế hoạch xin giấy phép cho vaccine của họ từ nay cho đến cuối tháng 11 tại Mỹ.

Theo truyền thông quốc tế, các mốc thời gian trên là chưa tính đến việc các chuyên gia của Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ sẽ mất bao lâu để nghiên cứu các dữ liệu và cho phép sử dụng vaccine hay không và nếu cho thì ưu tiên tiêm chủng các đối tượng nào.

Dù vậy chính quyền Mỹ đã chuẩn bị xong hệ thống hậu cần rộng khắp để có thể tiến hành ngay việc chuyển giao những lô vaccine đầu tiên trong 24 giờ sau khi được bật đèn xanh.

Ngày thứ 48 Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng

Theo bản tin của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính tới 6 giờ ngày 20/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Tính từ 18 giờ ngày 19/10 đến 6 giờ ngày 20/10, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 13.537.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 10 ca; âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 3 ca; âm tính lần 3 với SARS-CoV-2 là 5 ca.

Việt Nam đã có 35 ca tử vong vì Covid-19 và điều trị khỏi cho 1.046 ca bệnh.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thanh-diem-nong-covid-19-chau-au-duoc-de-nghi-hoc-chau-a-3420956/