Thành công với mô hình hoa lan

Nhu cầu về hoa lan ngày càng cao, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế gia đình. Anh Ngô Thanh Tùng ngụ tại tổ 3, ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng sau 8 năm gầy dựng đã thành công với mô hình kinh tế này.

Khách hàng tham quan vườn lan

Khách hàng tham quan vườn lan

Có dịp đến thăm vườn lan của anh Tùng, tham gia trải nghiệm cùng công nhân lao động chăm sóc cây, chúng tôi thực sự bị cuốn hút trước sắc màu của loài lan dendro. Trên diện tích khoảng 5.000m2 với khoảng 100.000 chậu lan với nhiều kích cỡ khác nhau được chủ vườn bố trí hợp lý, sắp xếp khoa học tạo mỹ quan ấn tượng, lan luôn xanh tốt, khỏe mạnh. Đi sâu vào phía sau vườn, thêm 5.000m2 đất được xây dựng nhà lưới phục vụ việc mở rộng vườn lan trong thời gian sắp tới.

Ít ai biết anh Tùng sinh ra và làm nghề gốm ở TP.Thuận An. Cơ duyên để anh Tùng đến với mô hình trồng hoa lan bắt đầu từ một lần tham gia lớp dạy nghề về trồng hoa lan. Sau khóa học, anh Tùng đã mạnh dạn trồng thử trên đất của gia đình tại TP.Thuận An. Tuy nhiên, diện tích đất quá nhỏ không đủ để phát triển mô hình, vợ chồng anh Tùng đã mạnh dạn vay mượn thêm vốn tìm đến xã Long Nguyên để mua đất phục vụ ý tưởng kinh doanh của mình. Chi phí đầu tư ban đầu để xây dựng vườn lan hàng tỷ đồng nhưng với niềm đam mê, dám nghĩ dám làm, ham học hỏi đã giúp vợ chồng anh Tùng có được vườn lan quy mô, khách hàng ổn định như ngày hôm nay.

Theo anh Tùng, khác với thú chơi lan, kinh doanh hoa lan là con đường không hề dễ dàng bởi đòi hỏi vốn đầu tư lớn, cũng như biết phân khúc khách hàng, kỹ thuật chăm sóc... Vườn của anh chủ yếu trồng lan denro bởi dễ trồng, có sức sống bền bỉ. Anh nhập giống hoa cả trong nước và nước ngoài, chủ yếu từ Thái Lan. Trung bình 1 tháng anh Tùng tiêu thụ được khoảng 1.500- 2.000 chậu lan, mỗi chậu lời từ 6.000-30.000 đồng với giá sỉ. Thời gian đầu mới xây dựng, anh Tùng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, 2 năm đầu tiên chỉ bán cầm chừng và hòa vốn. Đến nay, việc kinh doanh từ hoa lan không chỉ có lời mà gia đình anh còn giải quyết việc làm cho 5 lao động tại địa phương.

Thật tình cờ, vừa bước chân vào vườn lan của anh Tùng, chúng tôi đã nghe tiếng chào hàng rôm rả của một shop hoa bằng hình thức livestream ngay tại vườn. Anh Tùng giải thích, hiện nay thay vì tự livestream bán hàng, anh chọn hình thức liên kết với các shop hoa để họ trực tiếp bán hàng tại vườn, đôi bên cùng có lợi. Hình thức này giúp shop hoa không phải “ôm hàng”, gia đình tập trung vào khâu trồng, chăm sóc, nhân giống phục vụ thị trường.

Chủ shop hoa livestream bán hàng ngay tại vườn của anh Tùng

Chủ shop hoa livestream bán hàng ngay tại vườn của anh Tùng

“Tôi tham gia vào các nhóm chơi lan trên mạng xã hội và đăng hình giới thiệu về vườn lan của mình. Nhiều shop hoa biết đã tìm đến vườn tìm hiểu quy mô, chủng loại và đề nghị hợp tác bán hàng. Kênh bán hàng livestream hiện nay khá hiệu quả và phổ biến trong thời đại 4.0. Bên cạnh đó, gia đình cũng cung cấp cho nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành xa. Tùy vị trí địa lý tôi sẽ có cách cắt nước cho hoa để bảo đảm hoa vẫn an toàn khi đến tay khách hàng”, anh Tùng chia sẻ.

Ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Nguyên, cho biết tại địa phương có nhiều hộ dân trồng lan, nhưng quy mô lớn chỉ có 3 hộ, trong đó có vườn lan của anh Tùng. Vườn lan của anh Tùng ngoài quy mô lớn, đạt chất lượng, sản phẩm tốt, thị trường ổn định còn tạo việc làm cho lao động địa phương. Mô hình trồng lan trở thành xu hướng trong phát triển nông nghiệp đô thị, góp phần tạo mỹ quan, giảm ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Nguyên: Để hỗ trợ hội viên, xã tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, kết nối giới thiệu thị trường đầu ra thông qua các chương trình triển lãm, hội chợ. Bên cạnh đó, thông báo cho các hội viên tham gia các lớp tập huấn, đề án về nông nghiệp, khuyến khích hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm.

TIẾN HẠNH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/thanh-cong-voi-mo-hinh-hoa-lan-a318321.html