'Thăng hạng' chỉ số tiếp cận đất đai

Là 1 trong 10 chỉ số thành phần đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2021, chỉ số tiếp cận đất đai có sự bứt phá ngoạn mục, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất trên cả nước. Đây cũng là vị trí cao nhất Vĩnh Phúc đạt được kể từ sau năm 2015, được xếp hạng ở vị trí thứ 4.

Văn phòng đăng ký đất đai – Sở Tài Nguyên và Môi trường tích cực nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành thủ tục hành chính trong việc cấp Giấy chứng nhận cho người dân. Ảnh Thế Hùng

Văn phòng đăng ký đất đai – Sở Tài Nguyên và Môi trường tích cực nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành thủ tục hành chính trong việc cấp Giấy chứng nhận cho người dân. Ảnh Thế Hùng

Năm 2020, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh đứng thứ 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, giảm 1,13 điểm và giảm 12 bậc so với năm 2019, thấp hơn bình quân cả nước (6,66 điểm), đứng thứ hạng thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh với 6/11 chỉ tiêu chưa được cải thiện.

Quyết tâm khắc phục những tồn tại, “thăng hạng” chỉ số Tiếp cận đất đai, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, đầu năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đề ra một số giải pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành chức năng cùng phối hợp thực hiện.

Ngày 9/6/2021, Sở TN&MT đã ban hành Kế hoạch số 19 về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021. Tiếp đó, ngày 31/8/2021, Giám đốc Sở TN&MT đã ký cam kết với UBND tỉnh thực hiện 11 tiêu chí nhằm cải thiện chỉ số Tiếp cận đất đai.

Trong đó, các đơn vị trực thộc Sở căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao phải xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cụ thể để cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần có liên quan, gắn trách nhiệm với các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc và coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác trong năm 2021.

Cùng với đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB), cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao chỉ số cạnh tranh trong lĩnh vực quản lý.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; giáo dục đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) và người lao động trong thực hiện công vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Đồng thời, tích cực cải cách TTHC, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, gộp TTHC, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN). Thực hiện liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết TTHC một số thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Công khai việc cho thuê đất, đấu giá đất và các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các loại hình dự án, vùng dự án theo quy định.

Đặc biệt, năm 2021, Lãnh đạo Sở TN&MT đã tham dự đầy đủ các cuộc “Gặp gỡ doanh nhân hàng tuần, chính quyền đồng hành cùng DN”. Sở đã trả lời và giải quyết nhanh chóng kiến nghị của các DN thuộc lĩnh vực của ngành một cách thỏa đảng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tạo niềm tin từ các DN, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh.

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, PCI năm 2021 của Vĩnh Phúc đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2020. Trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai có kết quả tăng vượt bậc từ 5.8/10 điểm, đứng thứ 61/63 tỉnh, thành phố năm 2020 vươn lên 7.56 điểm.

Trong đó, các tiêu chí thành phần đều tăng mạnh so với năm trước, một số tiêu chí xếp thứ hạng cao so với cả nước như Tiêu chí DN đánh giá rủi ro bị thu hồi đất đứng số 1 (rất cao); Tiêu chí DN không gặp cản trở về tiếp cận/mở rộng mặt bằng kinh doanh đứng thứ 9; Tiêu chí cung cấp thông tin về đất đai đứng thứ 8…

Bên cạnh đó, còn một số tiêu chí có thứ hạng thấp so với mặt bằng chung của cả nước như: Khó khăn về thiếu quỹ đất sạch; số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận; tỷ lệ DN phải trì hoãn /hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các TTHC về đất đai…

Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục rà soát và đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên tất cả các lĩnh vực do Sở quản lý và kịp thời cập nhật những thủ tục mới, thủ tục bãi bỏ, sửa đổi bổ sung theo văn bản mới ban hành.

Ứng dụng hiệu quả phần mềm một cửa Igate để kiểm soát quy trình giải quyết hồ sơ, quy trách nhiệm đến từng cán bộ để xảy ra tình trạng chậm muộn thời gian giải quyết hồ sơ, khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai để đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai không bị kéo dài.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra trách nhiệm công vụ, có biện pháp kiên quyết xử lý kỷ luật đối với cán bộ gây nhũng nhiễu, cố tình giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai chậm hạn. Đồng thời, tuyên truyền các chính sách pháp luật về đất đai nhằm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, chính sách tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án…

Phấn đấu giai đoạn 2022-2025, chỉ số tiếp cận đất đai đứng trong tốp từ 10-15 cả nước, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78350/thang-hang-chi-so-tiep-can-dat-dai.html