Tham vọng 'chip Việt': Vượt chông gai hội nhập bản đồ bán dẫn
Bản đồ bán dẫn toàn cầu đã được 'vẽ' lại khi những nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... không ngừng tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ và xây dựng các chiến lược dài hạn.
Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) - Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa tổ chức sự kiện chủ đề “Chiến trường bán dẫn toàn cầu: Cơ hội nào cho Việt Nam trong cuộc đua công nghệ”.
Đại diện LBC cho biết, cuộc đua kiểm soát ngành bán dẫn ngày càng trở nên quyết liệt, bản đồ bán dẫn toàn cầu đã được “vẽ” lại khi những nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... không ngừng tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ và xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm giành lợi thế cạnh tranh của mình.
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán dẫn trên thế giới, đây vừa là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.
Chuỗi giá trị của ngành bán dẫn đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ giữa các khâu, từ thiết kế đến sản xuất và ứng dụng. Mặt khác, để chế tạo một con chip có đến 1.000 bước, cần có 400 loại nguyên liệu, hóa chất trong sản xuất chip, hơn 50 loại thiết bị, công cụ chế tạo chip.
Một số chuyên gia nhìn nhận rằng, hiện nay Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 4-5 tỉ USD/năm là doanh thu từ khâu kiểm thử đóng gói chip. Điều này cho thấy ở khâu sản xuất vẫn chưa có tên doanh nghiệp Việt.
Đặc biệt đối với khâu thiết kế gồm có thiết kế về ứng dụng và thiết kế cấu trúc thì thiết kế cấu trúc là khó nhất, đắt nhất thì doanh nghiệp Việt chưa thể tham gia do đòi hỏi tính bảo mật cao. Vì vậy, không có nhà đầu tư nào giao thiết kế cấu trúc ra bên ngoài.
Nhìn chung nếu Việt Nam muốn tham gia vào "bản đồ" bán dẫn toàn cầu cần hoạch định chính sách rõ ràng hơn, cách làm... đồng thời nghiêm túc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách là ai...
Ví dụ, theo chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, mục tiêu 2024-2030 ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có trên 50.000 kỹ sư nhưng bao nhiêu phần trăm kỹ sư có việc làm vẫn chưa nêu rõ ràng.

TS Phạm Sỹ Thành chia sẻ thông tin tại buổi làm việc
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) cho biết, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và đã hình thành Ban chỉ đạo bán dẫn Quốc gia. Điều này thể hiện sự sẵn sàng tham gia của Việt Nam vào thị trường bán dẫn. Các đối tác cũng nhìn thấy Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng.
Bên cạnh tính rõ ràng về chính sách là cơ hội, Việt Nam cũng gặp những thách thức cần khắc phục để tham gia vào thị trường bán dẫn toàn cầu một cách thực chất. Đặc biệt là liên quan đến việc chuẩn bị về chính sách, nhân lực, cơ sở hạ tầng, năng lượng.
Chẳng hạn, các chính sách cần thể hiện trọng tâm ưu tiên rõ hơn nữa trong việc sẽ đầu tư khía cạnh nào, các ước lượng hiệu quả đầu tư đầu ra ra sao. Các chính sách khuyến khích cần mang tính đột phá, thí điểm mạnh mẽ hơn so với những ưu tiên nói chung về khoa học công nghệ chất lượng cao.
Về nguồn nhân lực, Việt Nam cần chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp trong ngành bán dẫn. Nhân lực này không chỉ là nhân lực tham gia trực tiếp sản xuất mà tham gia đào tạo.
Ngoài ra, Việt Nam cần ưu tiên hạ tầng về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo bởi nhu cầu của các đối tác nước ngoài cần nguồn năng lượng ổn định, cần các nguồn năng lượng bền vững môi trường. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tham-vong-chip-viet-vuot-chong-gai-hoi-nhap-ban-do-ban-dan-post824202.html