Tham vấn xây dựng chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030

Ngày 27-6, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo tham vấn 'Xây dựng Chiến lược Truyền thông về Năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030'.

Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã chỉ ra nhiều hạn chế của ngành năng lượng, và một trong các nguyên nhân đó là nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng và mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức.

Từ thực tế đó, việc xây dựng một chiến lược truyền thông tổng thể về phát triển năng lượng bền vững là hết sức cần thiết. Cụ thể, cần khẳng định tầm quan trọng của truyền thông về chính sách năng lượng, đưa ra định hướng cho các hoạt động truyền thông của ngành năng lượng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý, thúc đẩy truyền thông về phát triển năng lượng bền vững theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả hơn.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững phát biểu tại hội thảo.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết: Thông qua Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II, thời gian qua, USAID đã hỗ trợ cho Bộ Công Thương và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thực hiện một số hoạt động thúc đẩy về phát triển năng lượng bền vững và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, có hỗ trợ xây dựng chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững trong giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, hình thức truyền thông sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới là đẩy mạnh truyền thông số, tận dụng các nền tảng truyền thông số, tăng cường tương tác, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông về năng lượng bền vững.

Đại diện USAID, ông Đỗ Đức Tưởng thông tin, chiến lược và kế hoạch truyền thông về năng lượng bền vững sẽ cung cấp định hướng, khung hoạt động và lộ trình cho các hoạt động truyền thông, tiếp cận cộng đồng về các vấn đề liên quan đến năng lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển năng lượng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động truyền thông trong lĩnh vực này tồn tại một số hạn chế như: Sự điều phối và phối hợp giữa các đơn vị trong thực hiện các hoạt động truyền thông về năng lượng bền vững chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách với cơ quan truyền thông báo chí còn chậm; lượng tin bài truyền thông chủ động từ các đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó, phương pháp, hình thức truyền thông mang tính tuyên truyền, phổ biến chính sách, một chiều; ít chương trình sáng tạo, lan tỏa mạnh; truyền thông đa phương tiện chưa được đẩy mạnh; thiếu tài liệu hướng dẫn có tính định hướng chung cho truyền thông về năng lượng bền vững...

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Nhấn mạnh các nội dung quan trọng của Chiến lược Truyền thông về Năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030, ông Phạm Hoàng Lương, thành viên nhóm chuyên gia xây dựng chiến lược cho biết, chiến lược này sẽ hướng tới nâng cao nhận thức chung về năng lượng bền vững (về công nghệ, cơ chế chính sách và công cụ tài chính nhằm); nâng cao nhận thức về cơ hội phát triển và thách thức đối với cộng đồng và doanh nghiệp trong bối cảnh năng lượng bền vững (ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo tăng trưởng xanh); nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ/giải pháp về năng lượng bền vững đã được nhận dạng và đề xuất theo từng giai đoạn trước mắt, trung hạn và dài hạn.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/tham-van-xay-dung-chien-luoc-truyen-thong-ve-nang-luong-ben-vung-giai-doan-den-nam-2030-732480