Thăm Nhà máy Alumin Nhân Cơ để 'trăm nghe không bằng một thấy'

Nguyên Tổng Biên tập Báo Đắc Nông Nguyễn Hồng Hải nói với chúng tôi: Mời các nhà báo đến thăm Nhà máy Alumin Nhân Cơ tại huyện Đắk R'lấp và vùng đất có nhiều quặng bauxite để tuyên truyền giúp...

Toàn cảnh Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh: C.T.V

Toàn cảnh Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh: C.T.V

Vậy là tuy không nói ra nhưng cả đoàn ngót hai chục nhà báo ở phía Bắc đều phấn khởi trước lời mời trọng thị này. Cổ nhân chẳng đã có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy” là gì. Nói thật lòng, những Trường ca Đam San, Văn minh Cồng chiêng Tây Nguyên thời xa xưa; rồi các tác phẩm Đất nước đứng lên, Bazan khát… thời cận đại thì chúng tôi khá rành. Còn chuyện làm ăn thời nay thì cần phải tìm hiểu nhiều. Lại nữa, với cá nhân tôi, qua mấy chục năm làm báo, đi thực tế viết bài cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì nhiều, nhưng từ ngày Tập đoàn vào Tây Nguyên khai phá và phát triển thì chưa.

Chánh văn phòng Nhà máy Alumin Nhân Cơ Nguyễn Kim Tiệp có mặt trên Tây Nguyên từ buổi ban đầu xây dựng đơn vị nên thông hiểu về nhà máy của mình như thuộc lòng bàn tay, trực tiếp hướng dẫn thăm nhà máy và làm việc với chúng tôi. Chúng tôi ngồi ô tô chầm chậm chạy quanh nhà máy tới mấy cây số rợp bóng cây xanh và không khí trong lành. Công nghệ sản xuất bắt đầu từ quặng đến thành phẩm đóng bao alumin đều tự động. Nhà máy nhôm đã hoàn thành cơ bản, chẳng mấy chốc nơi đây sẽ xuất xưởng những thỏi nhôm…

Đoàn nhà báo chụp ảnh lưu niệm tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Đoàn nhà báo chụp ảnh lưu niệm tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Anh Nguyễn Kim Tiệp thông tin: Nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (DNA) là một trong hai dự án thí điểm trong ngành công nghiệp mới - công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxite để sản xuất alumin, tiến tới sản xuất nhôm. Ngày 1/10/2015, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV được thành lập, có nhiệm vụ trực tiếp quản lý và vận hành Nhà máy Alumin Nhân Cơ với mục tiêu có lợi nhuận, sử dụng hiệu quả và phát triển nguồn vốn cùng các nguồn lực do TKV giao, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, tích lũy các nguồn lực và phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxite.

Việc thăm dò địa chất, ứng dụng công nghệ tiên tiến và lựa chọn nhà thầu đã được làm trước đó. Giai đoạn đầu đi vào vận hành sản xuất của Công ty gặp nhiều khó khăn: Công ty tiếp nhận, quản lý và vận hành một dây chuyền công nghệ tiên tiến của Đức, với một đội ngũ tay nghề còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm thực tế trong ngành alumin; giá bán alumin trên thị trường thế giới tăng giảm cũng khá bất thường. Ấy là chưa kể dịch COVID-19 cũng không chừa nơi này…

Nhưng với tinh thần "Kỷ luật - Đồng tâm", sự nỗ lực của hơn 1.100 cán bộ, công nhân (40% là người địa phương), Công ty liên tục hoàn thành các mục tiêu được TKV giao. Trong thời gian hơn 6 năm (2017-2023) vận hành thương mại, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đạt được những kết quả ngoài sự mong đợi. Đến quý I/2021, sản lượng alumin của Công ty đạt 187 nghìn tấn và đến nay đều đạt trên 100% công suất thiết kế.

Cùng với làm chủ được công nghệ, Công ty còn có nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sản lượng alumin. Sản phẩm alumin do Công ty sản xuất chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Thụy Sĩ…, được nhiều khách hàng trên thế giới ưa chuộng, tin dùng. Công ty đóng góp vào ngân sách Nhà nước ngót 1.500 tỷ đồng mỗi năm. Việc xây dựng nhà máy sản xuất alumin tại huyện Đắk R'lấp đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần tạo bước đột phá mới cho kinh tế Đắc Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung…

Sản phẩm alumin chuẩn bị xuất khẩu.

Sản phẩm alumin chuẩn bị xuất khẩu.

Cùng song hành với quá trình hình thành và phát triển của Dự án khai thác, chế biến quặng bauxite, thông qua tìm hiểu thực tế, các cán bộ, phóng viên Báo Đắc Nông luôn thấu hiểu những thuận lợi cũng như khó khăn của ngành công nghiệp mới mẻ trên quê hương mình.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Đắc Nông Nguyễn Hồng Hải giải thích: Quặng bauxite có hàm lượng lớn, trải trên diện rộng tại địa phương, dễ khai thác. Chỉ cần bóc lớp phong hóa, lớp đất màu trên bề mặt chừng 2m là đến lớp quặng dày 4-5m. Khai thác xong sẽ hoàn thổ và canh tác trở lại. Tuy vậy, việc giải phóng mặt bằng nhiều lúc cũng gặp khó khăn, phải vận động, thuyết phục đồng bào các dân tộc Mơ-Nông, Ê-Đê, Xtiêng ủng hộ. Hay các cán bộ, kỹ sư, công nhân người nước ngoài đến xây dựng nhà máy, bàn giao xong họ về nước, không còn ai định cư tại nơi này, báo chí của tỉnh cũng phải giải thích và thông tin về vấn đề đó…

Báo chí cũng góp phần quan trọng khẳng định việc đầu tư xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng chung của tỉnh Đắk Nông. Dự án đã, đang và sẽ tiếp tục tạo thêm rất nhiều việc làm cho lao động địa phương, trong đó có một bộ phận không nhỏ là đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Bên cạnh đó, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV luôn quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh (với tổng kinh phí hỗ trợ đến nay là gần 100 tỷ đồng)…

Những kết quả bước đầu nêu trên đã và đang định hình cho một ngành công nghiệp mới, đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắc Nông theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/que-huong-dat-nuoc/202308/tham-nha-may-alumin-nhan-co-de-tram-nghe-khong-bang-mot-thay-5996d95/