Thái Lan đối mặt nhiều thách thức sau tang lễ Vua Bhumibol
Lễ hỏa táng cố quốc vương Bhumibol kết thúc cũng là lúc nền chính trị Thái Lan phải quay lại đối mặt với những thách thức mà hơn 10 năm qua vẫn chưa thể giải quyết được.
Hơn một năm sau khi quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà, cuối cùng người Thái Lan cũng đã nói lời tạm biệt với vị vua mà họ xem là "người cha dân tộc" bằng nghi lễ hóa thân kéo dài 5 ngày. Di sản lớn nhất mà ông để lại, theo nhiều nhà phân tích, là sự vững chắc của nền kinh tế xứ chùa vàng bất chấp những sóng gió chính trị.
Sự ra đi của vị vua đã khiến nhiều người bắt đầu lo lắng về hiện trạng kinh tế Thái Lan, vốn đã cho thấy những dấu hiệu đi xuống kể từ vụ binh biến năm 2014, cũng như lo lắng về cán cân quyền lực chính trị dưới sự trị vì của tân vương Maha Vajiralongkorn, hay Rama X, con trai duy nhất của đức vua quá cố.
Biển người cầm di ảnh vua Bhumibol tại Bangkok trong những ngày diễn ra lễ hỏa táng (25-29/10). Ảnh: Getty.
Vua Vajiralongkorn kế thừa ngôi báu vào tháng 12 năm ngoái nhưng hiện diện không nhiều trong đời sống công chúng vì quốc tang kéo dài một năm. Lễ đăng cơ chính thức của vị tân vương dự kiến diễn ra vào cuối năm nay và điều này khiến chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha phải đương đầu với một giai đoạn chuyển giao nhạy cảm.
"Thủ tướng Prayuth vẫn nắm giữ quyền lực thực tế là vì việc chuyển giao ngôi vua cũng như lễ hỏa táng. Vậy nên giờ đây, thời gian (tại vị) của ông ấy đang ngày càng trở nên không chắc chắn", tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, trả lời Zing.vn.
Tương lai không chắc chắn
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Kan Yuengyong, giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu Siam Intelligence Unit, cho rằng sau lễ đăng cơ (của vua Rama X), Thái Lan sẽ quay trở lại với "đời sống chính trị bình thường".
"Mâu thuẫn chính trị vẫn tồn tại. Nhiều người dân nghèo vẫn cảm thấy thất vọng và càng ngày càng thất vọng vì tình hình kinh tế không mấy sáng sủa", ông Yuengyong nói trên South China Morning Post. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy căng thẳng xuất hiện càng ngày càng nhiều sau lễ hỏa táng và lễ đăng cơ".
-----
“Thủ tướng Prayuth vẫn nắm giữ quyền lực thực tế là vì việc chuyển giao ngôi vua cũng như lễ hỏa táng. Vậy nên giờ đây, thời gian (tại vị) của ông ấy đang ngày càng trở nên không chắc chắn.”
Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, Đại học Chulalongkorn
-----
Thái Lan vốn chìm trong tình trạng chia rẽ sâu sắc về chính trị sau vụ đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra vào năm 2006. Trong hơn 10 năm qua, hai phe "áo đỏ" (ủng hộ Thaksin) và "áo vàng" (phản đối Thaksin) đã nhiều lần xuống đường, thậm chí đổ máu. Phe bảo hoàng, gồm tướng lĩnh và những người giàu có, cố xóa bỏ ảnh hưởng của ông Thaksin trong đời sống chính trị.
Quốc tang vua Bhumibol kết thúc là lúc chính quyền quân sự phải đối mặt với những thách thức xoay quanh khuôn khổ chính trị mới cũng như bản hiến pháp gây tranh cãi. Hiến pháp mới, do phe tướng lĩnh vạch ra, chính thức có hiệu lực từ tháng 4 sau khi có sự chuẩn thuận của hoàng gia.
Các nhà phân tích nói hiến pháp mới đảm bảo cho quân đội duy trì vai trò chính trị nổi bật, đặc biệt là trong giai đoạn 5 năm chuyển giao sau cuộc bầu cử sắp tới trước khi thể chế dân chủ được khôi phục đầy đủ. Trong giai đoạn này, hiến pháp mới cho phép bất kỳ một người ngoài cuộc nào đều có thể trở thành thủ tướng dù người này không ra tranh cử.
Theo tiến sĩ Thitinan, các đảng phái chính trị có thể sẽ tăng cường kêu gọi quân đội trả quyền lực về cho người dân trong bối cảnh Thủ tướng Prayuth, người lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014, không loại trừ khả năng tiếp tục giữ vai trò hiện tại.
Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha quỳ trong một nghi lễ tại hoàng cung Thái Lan ngày 14/10/2016 sau sự ra đi của vua Bhumibol. Ảnh: Getty.
"Quân đội đã đưa ra một bản hiến pháp đảm bảo sự giám sát của họ với chính trị Thái Lan trong thời gian dài hơn. Không còn vua Bhumibol, quân đội sẽ cảm thấy bất an hơn và sẽ muốn đảm bảo chế độ quân chủ tồn tại bằng bất cứ giá nào", ông Thitinan nói với Zing.vn, nhận định rằng căng thẳng thậm chí có thể xảy ra trước cả lễ đăng cơ vua mới.
Vị chuyên gia cho rằng cách tốt nhất là "quân đội phải chia sẻ quyền lực với người dân và các tướng lĩnh phải 'dân sự hóa' chính mình để tranh cử". Tuy vậy, nếu quân đội đi theo hướng này, "họ sẽ đối mặt với nhiều sự phản đối", ông Thitinan nói.
Chìa khóa trong tay tân vương
Với viễn cảnh được dự báo không mấy êm ả như vậy, nhiều người xem hoàng gia là chìa khóa để hàn gắn khoảng cách chính trị.
Đối với người Thái, vua Bhumibol là người lãnh đạo tuyệt vời, là nơi nương tựa của cả đất nước. Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, họ biết sẽ luôn có cách để giải quyết bởi vị quốc vương là "người sau cùng phân xử mâu thuẫn", theo chuyên gia Thitinan.
"Vua Vajiralongkorn kế thừa quyền lực bao la của cha mình, thứ quyền lực có thể tác động đến hành vi đạo đức của người dân, và họ sẽ cho vị tân vương một cơ hội để trị vì giống như cách vua Bhumibol đã làm", ông Thitinan nói.
Tân vương Vajiralongkorn dự kiến chính thức đăng cơ vào cuối năm 2018. Ảnh: Getty.
Theo hiến pháp mới, vua vẫn giữ vai trò lễ nghi dù được xem là người đứng đầu quốc gia. Tuy nhiên, kể từ khi thừa kế ngai vàng, vua Rama X đã có một số bước đi chính trị, bao gồm việc thay đổi hiến pháp, để duy trì một số quyền lợi hoàng gia.
Tại một đất nước mà các vấn đề liên quan đến hoàng gia không thể thảo luận công khai do luật lese-majeste, hiểu nôm na là cấm nói xấu hoàng tộc, vai trò thực sự mà vị tân vương sẽ đảm nhiệm là một câu hỏi lớn.
"Hoàng gia là trung tâm của chính trị Thái Lan. Thực tế, đây là trái tim và linh hồn của người Thái", SCMP trích lời ông Khemthong Tonsakulrungruang, học giả về luật hiến pháp tại Đại học Bristol.
-----
“Vua Vajiralongkorn kế thừa quyền lực bao la của cha mình, thứ quyền lực có thể tác động đến hành vi đạo đức của người dân Thái Lan.”
Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, Đại học Chulalongkorn
-----
Chuyên gia Thitinan cho rằng sẽ có nhiều quan điểm và tranh cãi trong nhiều năm tới về việc "trật tự chính trị truyền thống Thái Lan, vốn xoay quanh vị cố quốc vương và dựa trên trục quân đội - hoàng gia - chính quyền, liệu có phải đã làm trở ngại tiến trình dân chủ ở nước này, liệu những tiến bộ kinh tế trong thời gian trị vì của vua Bhumibol đã được phân phối công bằng".
"Sẽ rất khó khăn để Thái Lan vừa có một hoàng gia truyền thống vừa có một nền dân chủ hiện đại trong thế cân bằng mới", ông Thitinan bình luận. "Tuy nhiên, sẽ không có cách nào khác ngoài việc thỏa hiệp và hòa giải để giành lại vị thế của đất nước sau quá nhiều rối loạn và xung đột đến vậy trong thế kỷ 21".
VIDEO: Vị minh quân trong tim triệu người Thái
Trong suốt 7 thập kỷ trị vì, Vua Bhumibol Adulyadej đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Thái Lan. Ông được người Thái kính ngưỡng và coi như "Người Cha của dân tộc".
Vũ Mạnh