Thách thức lớn đối với nỗ lực chống biến đổi khí hậu của thế giới

Theo Giám đốc chính sách-nghiên cứu môi trường Corporate Accountability, việc các doanh nghiệp tuyên bố những khoản tín dụng carbon lớn có thể chỉ là động thái 'tẩy xanh' hoặc hoạt động không thực tế.

Volkswagen nằm trong số những công ty công bố những khoản đầu tư lớn nhằm giảm lượng khí thải của họ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Volkswagen nằm trong số những công ty công bố những khoản đầu tư lớn nhằm giảm lượng khí thải của họ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/5, Tổ chức phi lợi nhuận Corporate Accountability đã đưa ra cảnh báo rằng các công ty hàng đầu thế giới, từ những doanh nghiệp lớn về dầu khí đến lĩnh vực ngân hàng và công nghệ dường như đang thực hiện chiến thuật "tẩy xanh" bằng các khoản đầu tư không thực tế vào các dự án nhằm giảm khí thải carbon.

"Tẩy xanh" là thông tin sai lệch được phổ biến bởi một tổ chức nhằm thể hiện hình ảnh cộng đồng có trách nhiệm với môi trường.

Theo phân tích của Corporate Accountability, những doanh nghiệp như Disney, Volkswagen, Air France nằm trong số những công ty công bố những khoản đầu tư lớn nhằm giảm lượng khí thải của họ nhưng dường như chỉ là những khoản tín dụng carbon không thực tế.

Giám đốc chính sách và nghiên cứu môi trường của Corporate Accountability, bà Rachel Rose Jackson cho rằng xu hướng này rất đáng lo ngại. Theo bà, việc các doanh nghiệp tuyên bố những khoản tín dụng carbon lớn có thể chỉ là động thái "tẩy xanh" hoặc hoạt động không thực tế nhằm thu hút sự chú ý đối với các chính sách thân thiện với môi trường.

Theo phát hiện mới dựa trên phân tích do Corporate Accountability phối hợp với tờ Guardian thực hiện vào mùa Thu 223 cho thấy 39 trong số 50 dự án bù đắp carbon lớn nhất có thể không có thật.

Trong khi đó, theo AlliedOffsets, tính đến ngày 31/12/2023, con số này tăng lên 42/50 dự án. Đáng chú ý là các doanh nghiệp này hoạt động trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ có ngành nhiên liệu hóa thạch.

Theo bà Jackson, 30 tập đoàn lớn; trong đó có Shell, Nestle và Boeing, đã tuyên bố mua những khoản tín dụng carbon lớn nhưng không thực tế. Trên giấy tờ, thị trường carbon tự nguyện (VCM) cho phép các doanh nghiệp giảm khí thải bằng cách mua tín dụng carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính, ví dụ như các dự án tái trồng rừng hoặc thay thế các loại bếp gây ô nhiễm ở các nước đang phát triển.

Lĩnh vực này hiện trị giá khoảng 2 tỷ USD mỗi năm nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu làm dấy lên mối lo ngại rằng những tuyên bố về giảm phát thải theo chương trình này thường bị phóng đại quá mức hoặc không thực tế.

Trong khi đó, theo Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA), Mỹ hứng chịu số trận lụt, cháy và các thảm họa khí hậu khác với thiệt hại trên 1 tỷ USD trong năm 2023 nhiều chưa từng có và nhiệt độ trung bình ở nước này cao thứ năm trong lịch sử.

Các thảm họa có thể kể đến là cháy rừng ở Maui, thảm họa gây nhiều thiệt hại về người nhất ở nước này trong hơn một thập kỷ, lũ lụt nghiêm trọng ở California, hai vòi rồng ở các bang miền Trung, một cơn bão mùa Đông ở phía Đông Bắc vào tháng 2/2023 và bão Hurricane Idalia hồi tháng 8/2023.

 Mưa lớn tại San Francisco, bang California, Mỹ ngày 18/2 vừa qua. (Ảnh: AA/TTXVN)

Mưa lớn tại San Francisco, bang California, Mỹ ngày 18/2 vừa qua. (Ảnh: AA/TTXVN)

Theo nhà khoa học của NOAA, Sarah Kapnick, với hàng triệu người Mỹ đã bị ảnh hưởng của các thảm họa thời tiết và khí hậu gần như không dứt, 2023 là một năm kỷ lục về các hiện tượng cực đoan. Bà cho rằng các hiện tượng này sẽ tiếp tục tồi tệ hơn, do biến đổi khí hậu.

Hầu hết các nhà khoa học cho rằng việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch khiến các trận lũ lụt, hạn hán, các đợt nắng nóng và tình trạng nước biển dâng gia tăng. Hiện tượng El Nino khiến mặt nước Thái Bình Dương ấm lên cũng góp phần làm tăng nhiệt trong năm ngoái.

NOAA cho biết có 28 thảm họa khí hậu gây thiệt hại trên 1 tỷ USD mỗi thảm họa, vượt 6 thảm họa so với con số vượt kỷ lục trước đó vào năm 2020. 28 thảm họa này gây thiệt hại gần 93 tỷ USD.

Theo NOAA, nhiệt độ trung bình tăng khiến tháng 12/2023 là tháng nóng nhất trong 129 năm cơ quan này thu thập dữ liệu. Còn Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) gần đây cảnh báo hạn hán, nắng nóng, cháy rừng, mưa xối xả và bão đã ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh lương thực và năng lượng, cũng như sự phát triển kinh tế của khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2023.

Thông cáo của WMO đánh giá năm 2023 là năm khó khăn đối với Mỹ Latinh xét về mặt khí hậu, đồng thời đây cũng năm nóng nhất từng ghi nhận tại khu vực này.

Báo cáo gần đây của cơ quan chuyên môn thuộc Liên hợp quốc nhận định sự kết hợp giữa El Nino và biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm qua. Tốc độ tan chảy của các dòng sông băng tăng mạnh cùng với mực nước biển dâng nhanh tại vùng biển Đại Tây Dương trong khu vực đang đe dọa nhiều vùng ven biển và các quốc đảo nhỏ ở Caribe.

Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cho biết các mối nguy hiểm về khí hậu tại Mỹ Latinh như nhiệt độ ghi nhận ở mức chưa từng có và thêm nhiều hiện tượng cực đoan đã phá kỷ lục trong năm 2023. Thực tế cho thấy các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu là hậu quả từ hoạt động của con người ảnh hưởng đến thiên nhiên.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tăng cường đóng góp cho việc bảo vệ khí hậu. Theo nhà lãnh đạo Đức, những nỗ lực chung nhằm hạn chế biến đổi khí hậu đang cho thấy những thành công. Tất cả các quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu đã xây dựng kế hoạch bảo vệ khí hậu quốc gia cho thập kỷ hiện tại.

Sự chuyển đổi theo hướng trung hòa khí thải là không thể đảo ngược và thế giới sẽ không thể quay trở lại kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch. Điều này được thể hiện qua sự đồng thuận tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai về việc tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và gấp đôi tỷ lệ tiết kiệm năng lượng, cũng như loại bỏ năng lượng hóa thạch.

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh năm nay sẽ là năm tất cả các quốc gia đặt ra mục tiêu mới về khí hậu, từ đó mở đường cho một nền kinh tế trung hòa khí thải. Vì 80% lượng khí thải là do những nền kinh tế thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tạo ra, việc thế giới có đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C hay không phụ thuộc chủ yếu vào kế hoạch của các nền kinh tế thuộc nhóm này.

Ông kêu gọi các quốc gia thải ra nhiều CO2 cần chi trả nhiều hơn cho việc bảo vệ khí hậu và thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu ở các quốc gia khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thach-thuc-lon-doi-voi-no-luc-chong-bien-doi-khi-hau-cua-the-gioi-post956559.vnp