Thạc sĩ Phan Danh Hiếu, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường trung học phổ thông Trấn Biên: Dạy học hiệu quả là phát huy tính chủ động và sáng tạo của học sinh

Thầy Phan Danh Hiếu. Ảnh: NVCC
Thạc sĩ Phan Danh Hiếu là thầy giáo khá “hot” với các cuốn sách ôn luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và đại học môn Ngữ văn cùng các chương trình ôn luyện qua mạng. Các nền tảng Facebook, Youtube, TikTok của anh đã thu hút hàng trăm ngàn lượt tương tác, chia sẻ những nội dung hữu ích cho việc dạy và học.
Trao đổi cùng Báo Đồng Nai cuối tuần, thầy Hiếu cho rằng, công nghệ ngày nay hỗ trợ rất nhiều cho việc dạy và học. Trong kỷ nguyên mới, tuổi trẻ cần năng động, nhanh nhạy để nắm bắt công nghệ, phục vụ học tập, làm việc nhưng cũng luôn giữ cho mình lòng trắc ẩn, biết ước mơ, vượt lên những điều tầm thường.
Giáo viên không chỉ là người giảng mà còn là người gợi mở
* Có nhiều nội dung chia sẻ về kinh nghiệm học tập, thi cử nói chung và môn Ngữ văn nói riêng cũng như những kinh nghiệm sống cho học sinh trên các nền tảng mạng xã hội, theo anh, công nghệ thông tin và mạng xã hội giúp ích như thế nào cho các giáo viên?
- Công nghệ thông tin và mạng xã hội, nếu được sử dụng một cách có chọn lọc và định hướng đúng đắn, thực sự là “cánh tay nối dài” của người thầy. Trước đây, một bài giảng hay chỉ có thể lan tỏa trong lớp học, nhưng giờ đây, nhờ mạng xã hội, bài giảng ấy có thể chạm đến hàng vạn trái tim học trò ở khắp mọi miền Tổ quốc. Tôi chọn chia sẻ những kinh nghiệm học tập, những bài học đời sống không phải để “nổi tiếng”, mà để đóng vai trò là một người bạn đồng hành gần gũi, thân tình. Mạng xã hội giúp người thầy không còn xa cách, mà trở nên gần gũi hơn với học sinh, đúng như cách mà thế hệ trẻ đang sống, đang cảm nhận và đang học hỏi trong thời đại số.
Trong thời đại số, công nghệ hỗ trợ giáo viên rất nhiều mặt, cụ thể như sau: giảng dạy hiệu quả hơn nhờ vào việc sử dụng bài giảng trực tuyến, video, PowerPoint, để truyền đạt kiến thức sinh động hơn. Có thể tích hợp ứng dụng học tập như Google Classroom, Microsoft Teams giúp quản lý lớp học dễ dàng. So với trước đây, giáo viên tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức: công cụ như Chat GPT, Deepseek, Quizziz, Kahoot… hỗ trợ tạo đề, chấm điểm tự động, trả lời câu hỏi nhanh chóng. Tương tác với cộng đồng giáo viên, học sinh dễ dàng hơn. Tóm lại, công nghệ không thay thế giáo viên, nhưng là trợ thủ đắc lực giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý giáo dục hiệu quả hơn.
Từ năm 2014, thạc sĩ Phan Danh Hiếu cho ra đời 3 cuốn sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành là: “Cẩm nang luyện thi đại học - cao đẳng môn Ngữ văn, những điều cần biết luyện thi Quốc gia môn Ngữ văn 2015 và Bồi dưỡng Ngữ văn 9 lên 10”.
* Trước đây, anh có nhiều cuốn sách về ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn, lại có thể được coi là tác giả thơ, văn bởi đã có các tác phẩm được xuất bản, anh cũng từng viết báo, anh có thể chia sẻ thêm về điều này? Là một nhà giáo, anh quan niệm thế nào về giá trị đích thực của văn chương?
- Viết lách không phải là một nghề tay trái mà là một nghề - nghề viết. Khi mình tôn trọng nghề thì ắt sẽ có trái ngọt, nói chi việc mình dạy văn thì nghề viết lại càng phải xem trọng, bởi nó là một phần đời sống tinh thần không thể thiếu. Viết sách ôn thi là để giúp học trò vượt qua những cột mốc quan trọng của đời học sinh, còn viết thơ, viết truyện hay báo chí là để nói lên tiếng lòng, để lưu lại những ký ức đẹp trong hành trình làm thầy, làm người. Tôi chỉ đơn giản là người yêu cái đẹp của ngôn từ và mong muốn lan tỏa nó.
Với tôi, giá trị đích thực của văn chương không nằm ở những giải thưởng hay sự nổi tiếng, mà nằm ở khả năng làm con người trở nên sâu sắc và nhân hậu hơn. Văn chương là tấm gương phản chiếu tâm hồn, là ngọn đèn soi sáng những ngóc ngách của đời sống. Văn chương không cứu rỗi được thế giới, nhưng nó cứu được những cá nhân khỏi sự khô cằn và vô cảm, để sống có trách nhiệm, biết yêu thương, sẻ chia, đồng cảm, thế là đủ.

Thầy giáo Phan Danh Hiếu cùng học sinh. Ảnh: NVCC
* Trong quá trình dạy học, anh đánh giá ra sao về tính chủ động, sáng tạo của học sinh hiện nay? Đây có phải là điều mà anh khuyến khích học sinh của mình?
- Thế hệ học sinh hôm nay thông minh, nhanh nhạy và không thiếu những cá tính nổi bật. Các em được tiếp cận với kho tri thức rộng lớn hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đây. Tuy nhiên, giữa một biển thông tin, điều đáng lo nhất là các em dễ trở thành người tiếp nhận bị động thay vì chủ động tư duy và sáng tạo. Trong lớp học của mình, tôi luôn cố gắng tạo ra không gian để học sinh được là chính mình: được đặt câu hỏi, được tranh luận, được nói lên chính kiến của bản thân, thậm chí là cả hoài nghi về chân lý. Từ đó, tôi sẽ giúp học sinh điều chỉnh được cách viết, cách tiếp cận thông tin và tỉnh táo trước những luồng thông tin độc hại.
Giáo viên không nên chỉ là người giảng, mà còn là người gợi mở. Tôi thường bắt đầu một bài học bằng những câu hỏi hơn là đáp án. Bởi lẽ, điều tôi muốn “gieo” không chỉ là kiến thức, mà là khả năng tự học, tự chiêm nghiệm và tự bước đi - dù là trên con đường học vấn hay trong đời sống.
Người trẻ cần năng động và vững tin vào tương lai phát triển
* Qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, đối với môn Ngữ văn, theo anh, xu thế ra đề nghị luận gần gũi với đời sống hiện thực có phải là tín hiệu tốt trong việc dạy học và thi ở bậc phổ thông?
- Tôi cho rằng đề thi Ngữ văn gần đây đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là phần nghị luận xã hội. Những đề bài gắn với đời sống như tinh thần đoàn kết, tình yêu đất nước, trách nhiệm của tuổi trẻ, sự tử tế, lòng biết ơn, hành trình trưởng thành, khát vọng sống đẹp… không chỉ giúp học sinh cảm thấy gần gũi, dễ tiếp cận, mà còn mở ra không gian suy tưởng để các em thể hiện chính mình.
Tôi ủng hộ việc đề thi đi vào đời sống, vào tư tưởng tình cảm như hiện nay, vì văn học không phải là thế giới khép kín, mà luôn đối thoại với thực tại và quá khứ, thậm chí là cả tương lai. Tuy nhiên, cùng với đó, cũng cần chú trọng tính phân hóa và chiều sâu. Một đề văn hay không chỉ đòi hỏi học sinh viết đúng, mà còn phải viết sâu, viết bằng sự trải nghiệm chứ không chỉ bằng sáo ngữ. Đó mới là hướng đi bền vững cho việc dạy và học Ngữ văn ở trường phổ thông.
* Hiện nay, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, tuổi trẻ chính là những rường cột để vững tiến vào kỷ nguyên ấy. Với vai trò một người giáo viên, anh có nhắn nhủ gì với các học sinh thân yêu của mình?
- Các em đừng để những áp lực của thi cử, điểm số hay thành tích khiến mình đánh mất niềm vui học tập, đánh mất chính mình. Bởi thành công thực sự không phải là vầng hào quang cuối con đường, mà là những bước chân kiên trì không lùi bước, là trái tim dám dấn thân không run sợ. Chỉ cần các em can đảm bước đi, dẫu chưa tới đích, các em đã là người chiến thắng rồi. Trong thời kỳ hội nhập, các em là thế hệ rường cột của đất nước. Vậy hãy là chủ nhân của tri thức, làm chủ công nghệ để kiến tạo tương lai, phụng sự Tổ quốc. Nhưng đừng bao giờ để mình trở thành nô lệ của những cỗ máy vô tri. Giữ lấy tâm hồn tự do, trí tuệ tỉnh táo và ngọn lửa nhiệt huyết, đó mới là hành trang vững vàng nhất để các em tiến bước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kỷ nguyên mới cần những con người biết nghĩ khác, làm khác, nhưng điều quan trọng nhất là sống tử tế, sống có lý tưởng. Hãy học không chỉ để có kiến thức, mà để trở thành một con người tốt hơn. Hãy đọc sách không chỉ để biết, mà để hiểu và cảm. Và nếu có thể, hãy giữ lại trong tim một góc nhỏ dành cho văn chương - nơi nuôi dưỡng sự dịu dàng, lòng trắc ẩn và ước mơ vượt lên khỏi những điều tầm thường.
* Xin cảm ơn anh!
Đào Lê (thực hiện)