Tết trong nhà nội tôi

Có những tục lệ, những điều kiêng kị trong ba ngày tết từ thời nội tôi còn sống cho tới bây giờ mà cả nhà vẫn gìn giữ. Bởi như người xưa nói 'có kiêng có lành' và còn vì nó gắn với những kỷ niệm ấu thơ trong ngôi nhà ông bà mà chúng tôi vô cùng thương quý.

Trước giờ giao thừa, nhà cửa, mồ mả tổ tiên, vườn tược được dọn dẹp sạch sẽ, thịt thà bánh trái cũng đã chuẩn bị xong. Chiều 30 Tết, nước sông lên đầy và trong vắt. Mấy anh em đứa xách, đứa gánh đổ đầy nước cho tất cả lu hũ lớn nhỏ sau nhà. Gạo thì mấy hôm trước cha tôi đã chở lúa đi chà, đổ đầy lu. Nội tôi nói gạo với nước tượng trưng cho sự no đủ của một năm mới nên đây là việc không được phép quên. Lúc này, đứa nào đứa nấy mình mẩy ướt nhem, cùng tụ ra chỗ sàn nước để tắm cuối năm. Má lấy xơ dừa thấm xà bông kỳ cọ cho từng đứa. Một cuộc dọn mình để ai cũng sạch sẽ tinh tươm, cùng nhau quỳ trước bàn thiên, chỗ ông nội đặt mâm cúng giao thừa lạy trời đất, tổ tiên.

 Mâm cơm cúng tổ tiên

Mâm cơm cúng tổ tiên

Cái câu cửa miệng “làm như gấp tết” ngẫm lại thấy đúng lắm. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh chị hai tôi những tối trước giờ giao thừa còn chong đèn tranh thủ giặt cho kỳ hết đám quần áo của mấy đứa em thay ra lúc chiều vì mùng Một sẽ không được phép giặt đồ. Mấy viên pháo đùng tụi nhỏ “đánh lẻ” trước giao thừa khiến chị giật mình la oai oái... Chộn rộn, cực mà vui, vui trong cái sự cập rập mà tất cả đều bị cuốn vào.

Từ sáng mùng Một, bàn thờ lúc nào cũng phảng phất mùi nhang, một chong đèn dầu nhỏ cháy suốt trong ba ngày tết. Những ngày này, ông bà về cùng ăn tết với con cháu nên chúng tôi mỗi ngày đều dâng cúng ba bữa cơm canh. Chúng tôi có một người ông mất lúc còn trẻ không vợ con, xưa mê cải lương đã từng đi theo gánh hát, nên hễ truyền hình phát cải lương (hồi ấy chỉ dịp tết, đài truyền hình mới phát ban ngày), ông nội thắp nhang rồi khấn: “chú Ba nó dìa coi cải lương!”. Tôi nhìn cây nhang cong queo, tưởng thấy ông Ba đang ngồi gật gù theo từng điệu ca, lớp diễn.

“Ba ngày này” người lớn tuyệt không la mắng con nít, ai cũng nói năng vui vẻ, hòa nhã, không vì bất cứ lý do gì mà cãi cọ, gây gổ, vậy là “hổng nên”, sẽ ảnh hưởng đến không khí gia đình cả năm mới. Trong mùi khói nhang dịu dàng, trong tiếng cười nói vui vẻ của mọi người, bánh kẹo đầy túi, tuổi thơ chúng tôi ghi dấu ấn sâu đậm về một không khí kính trên nhường dưới, ấm áp an vui. Chúng tôi vừa ăn vừa lắc bầu cua, cười giỡn ầm ĩ. Hột dưa, hột bí rơi vãi. Chị tôi ý tứ dùng chổi quét lùa ngược từ hành lang vào bên trong nhà, gom lại một góc chứ không đổ rác như mọi khi. Vì như vậy sẽ giữ được tài lộc vào nhà trong năm mới.

Ngày mùng Ba thì lệ cúng gà được thực hiện khi trời còn khuya khoắt. Những tờ giấy tiền vàng bạc sau đó được dùng để “Tết nhà” và “Tết vườn”. Tụi nhỏ cũng được tham gia vào công việc này. Tôi hiểu ý nghĩa của việc làm này theo cách giải thích đơn giản của nội rằng vạn vật hữu linh, mình nhờ đồ vật trong sinh hoạt hàng ngày nghĩa là đã chịu ơn chúng, người và vật gắn bó sẻ chia lâu dài thì trở nên thân thiết, dán giấy tiền lên những vật dụng ở trong nhà là một cách thể hiện sự trân trọng, tri ân.

 Những đứa trẻ được tham gia việc mừng tuổi cho những cây, đồ vật trong nhà

Những đứa trẻ được tham gia việc mừng tuổi cho những cây, đồ vật trong nhà

Này là bộ ván ngựa đêm đêm cho ta yên giấc, ngày lễ giỗ trải lên tấm chiếu bông bà con họ hàng cùng hàn huyên sum vầy. Này là cái tủ thay ta giữ giùm những thứ quý giá, giúp nhà cửa ngăn nắp gọn gàng hơn. Này cái máy may già cỗi có từ độ má về làm dâu, lâu lâu giúp vá cho mình cái vai áo rách, hay ngày tết tới má ngồi cọc cạch may đồ mới cho mấy anh em. Này là cái bếp mỗi ngày thắp lửa, là hũ gạo cho ta quanh năm no đủ... Muốn biết một món đồ về nhà mình bao lâu thì hãy nhìn vào sau lưng nó mà đếm số những tờ giấy vàng ấy, mỗi năm là một tờ, mỗi năm thêm một tình gắn bó bầu bạn.

Rồi ngó ra ngoài vườn. Sinh ra và lớn lên ở đây giống như mình là cây mít, cây xoài, cây ổi... Không chỉ cho trái ngon mà còn cho ta những giấc ngủ trưa êm đềm trên cái võng dưới bóng râm của lá. Ba ngày tết, trẻ con trong nhà tôi không được phép hái trái, người lớn không được cắt bí bầu, phải đợi sau khi tết vườn xong, vì... cây cũng ăn tết như mình.

***

Có thể bạn sẽ cười bởi có những điều không còn phù hợp trong cách nghĩ của con người hiện đại nữa. Nhưng với tôi, cảm giác như có một sợi dây âm thầm mà bền chặt kết nối ông bà với các thế hệ cháu con, giữa tết xưa với tết nay. Và nó đã góp phần làm nên cái hồn cho tết, những ngày tết vì vậy mà nhuốm đầy một không khí thiêng liêng.

AN PHÚC

Địa chỉ: Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM

Email: hoacau64@gmail.com

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-trong-nha-noi-toi-post722352.html