'Tết sum vầy' chăm lo cho hơn 26,2 triệu đoàn viên, người lao động

Suốt 10 năm thực hiện chương trình 'Tết sum vầy', đã có trên 26,2 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo hỗ trợ, với tổng số tiền trên 10.617 tỉ đồng.

Ngày 13-11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá 10 năm (2015-2024) triển khai chương trình “Tết sum vầy”.

Qua một thập kỷ, chương trình “Tết sum vầy” đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho hàng triệu lao động trên khắp cả nước, mang lại niềm vui sum họp và hỗ trợ thiết thực cho những hoàn cảnh khó khăn.

 Toàn cảnh hội nghị đánh giá 10 năm triển khai chương trình “Tết sum vầy”. Ảnh: HẢI NHI

Toàn cảnh hội nghị đánh giá 10 năm triển khai chương trình “Tết sum vầy”. Ảnh: HẢI NHI

Báo cáo tại hội nghị, ông Ngô Quang Khánh, chuyên viên Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết đến tháng 2-2024, có 186.944 chương trình “Tết sum vầy” được tổ chức ở các cấp công đoàn, thu hút trên 33 triệu đoàn viên, người lao động (NLĐ) tham gia.

Các cấp công đoàn đã tổ chức trên 133.204 cuộc thăm, trao quà cho trên 18 triệu đoàn viên, NLĐ với số tiền gần 8.000 tỉ đồng, trong đó quà bằng hiện vật là trên 2.800 tỉ đồng.

Suốt 10 năm thực hiện chương trình “Tết sum vầy”, trên 26,2 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ với tổng số tiền trên 10.617 tỉ đồng (bình quân mỗi suất quà trao tặng, hỗ trợ gần 405.000 đồng/người).

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, cho biết LĐLĐ TP.HCM đã phối hợp với các doanh nghiệp, các chủ nhà trọ để tổ chức các hoạt động thiết thực, giúp người lao động xa quê cảm nhận được tình cảm ấm áp trong mỗi dịp Tết. Các doanh nghiệp đã không chỉ hỗ trợ người lao động bằng các hình thức quà tặng mà còn tổ chức bữa cơm thân mật, đưa công nhân về quê ăn Tết.

“Nhờ sự kết hợp nhịp nhàng giữa công đoàn và các doanh nghiệp, nhiều chương trình ý nghĩa đã được triển khai tại khu vực nhà trọ đông công nhân ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Chúng tôi đã chứng kiến sự thay đổi tích cực khi các doanh nghiệp nhận ra rằng đây không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại lợi ích nhân văn sâu sắc, thúc đẩy sự gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp” - ông Phạm Chí Tâm chia sẻ.

Chia sẻ thêm về kế hoạch tổ chức chương trình “Tết Sum Vầy” năm nay, ông Tâm cho biết LĐLĐ TP.HCM sẽ chỉ đạo phân bổ, tổ chức chăm lo Tết cho khoảng 15.000 hộ gia đình công nhân, giúp nhiều người lao động tiếp cận được các hoạt động phúc lợi. Số lượng các hộ được tham gia, các tiêu chí về mức hỗ trợ đều sẽ được xây dựng kỹ lưỡng, đảm bảo chương trình thực sự đến được với những người cần thiết nhất. Ngoài những hoạt động tổ chức sự kiện, LĐLĐ TP.HCM sẽ đặc biệt chú trọng công tác hậu cần để mang lại trải nghiệm trọn vẹn cho người lao động. Chẳng hạn, nếu sự kiện diễn ra vào buổi tối, LĐLĐ sẽ chuẩn bị thêm phần ăn chiều cho công nhân tham gia để mọi người được ấm lòng trước khi trở về.

Trong giai đoạn tiếp theo, LĐLĐ TP.HCM đặt mục tiêu nâng cao mức hỗ trợ quà Tết, tạo điều kiện để người lao động có thể đón Tết đầy đủ hơn.

Chia sẻ với PLO, vào dịp tết Nguyên đán mỗi năm, bà Lê Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Trà Vinh, đã dành thời gian đến thăm gia đình người lao động có hoàn khó khăn. Bà Chi cho hay xúc động nhất là chuyến thăm gia đình của một công nhân gặp hoàn cảnh khó khăn.

 Ông Cao Hồng Hà, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, tặng quà cho người lao động tại Chương trình "Tết sum vầy" 2024.

Ông Cao Hồng Hà, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, tặng quà cho người lao động tại Chương trình "Tết sum vầy" 2024.

“Người chồng là công nhân từng bị tai nạn lao động nghiêm trọng dẫn đến chấn thương não, phải phẫu thuật cắt bỏ một phần não. Từ đó, sức khỏe anh suy giảm, chỉ có thể nằm ở nhà, được vợ chăm sóc từng ngày.

Khi đến thăm, nhìn thấy hoàn cảnh của anh, tôi không khỏi xúc động. Nghĩa tình công đoàn không chỉ là sự giúp đỡ vật chất, mà còn là sự đồng cảm, sẻ chia cùng người lao động đã không may gặp nạn trên hành trình mưu sinh" - bà Chi cho hay.

Qua đó, bà Chi nhấn mạnh công đoàn không chỉ hỗ trợ trong ngày Tết, mà còn cố gắng thăm hỏi thường xuyên để người lao động cảm nhận rằng bên cạnh họ vẫn luôn có sự đồng hành của tổ chức công đoàn.

Dù mang ý nghĩa lớn trong việc chăm lo đời sống công nhân, nhưng chương trình “Tết sum vầy” vẫn đối mặt với nhiều thách thức, dẫn đến việc tổ chức chưa đồng đều giữa các vùng, miền và cấp công đoàn.

Tại một số địa phương, chương trình vẫn chưa được chỉ đạo và triển khai một cách chủ động, khiến các hoạt động chăm lo đến đoàn viên diễn ra chậm trễ. Ở các khu vực có điều kiện địa lý, kinh tế – xã hội khó khăn và giao thông không thuận lợi, hoặc tại các công đoàn cơ sở có ít đoàn viên, việc tổ chức “Tết sum vầy” còn gặp nhiều trở ngại, thậm chí có nơi chưa thể thực hiện chương trình.

Đáng chú ý, công tác truyền thông chương trình "Tết sum vầy” tại cấp cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, khiến chương trình chưa được phổ biến rộng rãi. Mức hỗ trợ dành cho đoàn viên, người lao động cũng có sự chênh lệch giữa các địa phương, đơn vị, gây ra sự không đồng đều trong việc chăm lo cho người lao động.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề xuất cần có sự chỉ đạo thường xuyên, nhất quán và luôn đổi mới trong tổ chức các hoạt động thuộc chương trình “Tết sum vầy” nhằm thu hút đông đảo đoàn viên tham gia và nâng cao mức thụ hưởng cho người lao động.

Để chương trình triển khai bền vững, bà Hà kêu gọi sự đồng hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nguồn lực xã hội hóa cũng như tài chính công đoàn.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/tet-sum-vay-cham-lo-cho-hon-262-trieu-doan-vien-post819667.html