Tết này vắng bóng vào ra...
Mới đó mà đã một năm… Ba đã là người thiên cổ, còn người ở lại vẫn chật vật với cơm áo gạo tiền. Những ngày cuối đông trời trở rét. Tiết trời se sắt lòng người. Lần khần, tôi tự hỏi, giờ này ở một nơi nào đó, ba có lạnh không?
Người đàn ông ấy, gần bốn mươi tuổi mới cưới vợ. Người khen kỹ tính cũng nhiều, người chê kén chọn cũng không ít. Nhưng đó là sự lựa chọn đúng đắn và duy nhất của ông. Thương vợ, thương con, cả đời lo vun vén hạnh phúc gia đình. Nhiều hồi tôi hỏi nhỏ má: “Ba có bao giờ đánh hay la má không?”. Má gạt liền, chưa bao giờ.
Trong ký ức của tôi, ba là người rất hiền. Ba đi làm về mệt, hay nằm ở võng, nhìn xuống hạ hiên coi má làm bếp. Má đi chợ về, loay hoay dưới bếp. Mùi khói bếp củi ngai ngái, đôi khi khói muốn ngạt thở vì những cây củi chưa kịp khô. Cái mùi ấy xộc lên trong mũi, trong mắt, làm đứa đang ngồi học bài ở gian phòng gần đó cũng muốn chảy nước mắt. Khi ấy, chỉ ước nhà mình có bếp điện như nhà bạn bè, đỡ phải ngửi, phải nghe những mùi khó chịu này.
Nhưng sau tất cả, qua ngần ấy năm xa xứ, đến khi trở về, tôi mới nhận ra hình ảnh khói bếp bốc lên nghi ngút, mùi bếp củi nghẹn ngào đến trào nước mắt ấy, lại trở thành miền ký ức tuổi thơ thân thương, không tìm đâu ra được. Bây giờ, ở quê, có lẽ những căn bếp củi ấy cũng đang dần hiếm hoi. Những hỏa lò, bếp kiềng ngun ngút cũng đã được thay thế bằng bếp gas, bếp từ.
Khi tiếng võng của ba kẽo kẹt đưa qua đưa về, thì bắt nhịp đồng điệu là những câu chuyện ba kể má nghe, đối đáp qua lại. Thỉnh thoảng, má đem muỗng canh hay miếng cá nhỏ lên, thủ thỉ: “Ông nếm giùm tui coi được chưa?”. Ba chưa bao giờ chê món má nấu. Ba dễ ăn, món gì cũng ăn được và đều khen ngon.
Ngày tôi còn nhỏ, đêm đêm, cả nhà thường ra nằm hóng mát ở hàng ba trước nhà. Có đêm ít gió, ba còn đem chiếu ra trải ngoài sân, nằm ngắm trời đất, trăng sao. Ba má nói chuyện làm đồng, rồi kể chuyện đời xưa. Tôi thích nhất những câu chuyện của ba má, là chuyện thật chứ chẳng phải cổ tích xa xôi gì, nhưng nó có sức hút kỳ lạ, nghe hoài không chán. Có lẽ bởi vậy mà ba có hẳn một quyển nhật ký từ thời trai trẻ. Ba viết chữ đẹp, văn hay lắm!
Nhưng đời cũng trớ trêu, nghiệt ngã, khi đàn con khôn lớn, ra đời lập nghiệp, ba chưa được nhận báo đáp thì đã đổ bệnh. Chật vật, nhiều người bảo ba đang “gánh nghiệp” để cho cả nhà được bình an, mạnh khỏe. Suốt gần mười năm đau đớn, ba mới được giải thoát vào một ngày cuối đông lạnh căm căm.
Như mọi lần, cả nhà ăn tối xong, đang dọn dẹp thì nghe ba thở khó nhọc. Rồi trong phút chốc, tự nhiên ba mở mắt rất to, nhìn một lượt tất cả mọi người. Ai cũng nghẹn ngào đến gần, ba nhìn xong rồi tắt hơi. Nhẹ nhàng lắm. Chỉ vậy thôi, mà để xót xa, đau đáu cho người ở lại… Nhưng cũng thật may, lúc trút hơi thở cuối cùng, ba vẫn còn thấy mặt đông đủ mọi người.
Như bao gia đình khác, ba luôn là trụ cột vững chắc cho vợ và đàn con. Tết này, ba đã không còn. Còn ai nằm võng đung đưa? Còn ai vào ra chuyện trò cùng má trong tuổi già cô quạnh? Còn ai lo vun vén vườn tược, ruộng đồng? Còn ai sớm hôm trồng rau, cuốc đất, mong kiếm thêm thu nhập nuôi cả nhà?... Tất cả những điều ấy, mới một năm thôi, giờ đã thành xa ngái…
Nhiều người vẫn mong tết, nhưng gia đình tôi năm nay lại sợ tết. Từ hai mươi mấy tháng Chạp trở đi, không khí chộn rộn, nồng ấm yêu thương. Người ở nhà ngóng người xa, người đi xa nhẩm tính ngày về. Nhưng tết này, vắng tiếng võng đưa, vắng hình ảnh người khòm lưng thắp cây nhang trên bàn thờ ngày cuối năm và ba mùng trong tết để khấn cầu cho gia đình, vợ con được mạnh khỏe, hạnh phúc…
Không biết buồn thương bao nhiêu cho đủ - hình ảnh một người chồng yêu thương vợ hết mực, một người cha có trách nhiệm và suốt đời vì vợ vì con vẫn luôn neo giữ trong tôi. Người ta sống nếu biết thương nhớ về ngày hôm qua, về người đã khuất, và không tự làm phai nhạt ký ức thì dù xa biệt, dù cuộc đời có đẩy đưa đến phương trời nào, tâm vẫn tha thiết hướng về gia đình, về quê hương, về tết quê nhà. Nhưng thương nhất là ở đó, năm nào cũng sẽ vắng bóng một người vào ra…
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292620/tet-nay-vang-bong-vao-ra.html