Sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị loạn thần
Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), việc sử dụng thuốc lá điện tử không chỉ ảnh hưởng đến tim, gan, phổi và đặc biệt là các vấn đề về loạn thần, mà còn có thể dẫn đến các tác hại cấp tính như tổn thương phổi cấp, ngộ độc do sử dụng vượt nồng độ cho phép.
Khi kết hợp với các chất ma túy khác, các sản phẩm này có thể khiến người dùng phải nhập viện cấp cứu.
Bà Hải cho biết thêm, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử đang tăng nhanh, đặc biệt ở giới trẻ từ 15 –24 tuổi. Theo điều tra năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là 7,3%, đặc biệt ở lứa tuổi 13 – 15 tuổi. Đây là tình trạng đáng báo động và nếu không ngăn chặn kịp thời, có nguy cơ dẫn đến tình trạng nghiện nicotine mới trong giới trẻ.
Ghi nhận tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều thanh, thiếu niên vào điều trị hầu như không dùng thuốc lá điện tử thông thường mà trộn nhiều chất khác, đặc biệt là tinh dầu cần sa. Điển hình là nữ bệnh nhân N.T.X. (SN 1997, Hà Nội) do áp lực công việc bán hàng online, hay phải livestream khuya nên dùng thuốc lá điện tử. Mới đầu khoảng 3-4 ngày hết 1 pod chill, dần tăng lên 2-3 ngày 1 pod chill.
Sau đó cô bị nghiện nặng. Bất chấp gia đình ngăn cấm, cô lên mạng lén lún đặt mua, thậm chí nhiều lần còn đặt giữa đêm để cả nhà không phát hiện. Bởi hôm nào không sử dụng, X. cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, khó ngủ, khó tập trung, dễ cáu gắt.
Cuối cùng, cô gái cảm thấy mình không thể làm chủ được việc hút thuốc lá điện tử nữa và hút ngày càng nhiều hơn. Vài tháng trở lại đây, X. thường xuyên hút liên tục cả ngày, mỗi ngày dùng 2-3 pod chill và rơi vào trạng thái mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi, bỏ bữa, gọi hỏi không thưa, nhốt mình trong phòng hút thuốc lá điện tử, có các hành vi không phù hợp… Gia đình phát hiện bất thường này đã đưa X. nhập Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị.
Theo ThS.BS Vũ Văn Hoài, Phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết: “Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng thuốc lá. Sau khi được điều trị bằng thuốc kết hợp với trị liệu tâm lý, bệnh nhân đã ổn định được cảm xúc, hành vi, hết cảm giác bồn chồn, bứt rứt, hết cảm giác thèm thuốc lá, ăn ngủ tốt và được ra viện”.
Theo bà Hải, các sản phẩm thuốc lá mới được bán công khai và phổ biến trên các mạng xã hội và được giao hàng tận nơi. Hiện nay, các sản phẩm này chưa được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và chưa có quy định cấm sử dụng. Điều này làm cho việc ngăn chặn và xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến buôn bán và sử dụng các sản phẩm này tại các cơ sở, trường học trở nên khó khăn.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ: Trên quan điểm là cơ quan bảo vệ sức khỏe cho người dân, chúng tôi mong Quốc hội sẽ sớm ban hành Nghị quyết về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được xem xét sửa đổi”.
Chia sẻ về điều này, bà Phan Thị Hải cho rằng, thông qua quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Y tế, sự ủng hộ từ Bộ Công Thương và sự đồng tình của đa số đại biểu Quốc hội, tôi tin rằng Việt Nam sẽ học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là 5 quốc gia trong khu vực ASEAN, để có thể cấm triệt để việc sử dụng, sản xuất và lưu hành các sản phẩm này trên thị trường Việt Nam.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/su-dung-thuoc-la-dien-tu-co-the-bi-loan-than-i750320/