Tết của những thuyền viên quê Hải Dương trên tàu viễn dương
Lênh đênh giữa đại dương rộng lớn, Tết Ất Tỵ 2025 của các thuyền viên quê ở Hải Dương có bánh chưng, mâm ngũ quả… nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ gia đình, quê hương.
Nhớ gia đình
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là năm thứ 2 liên tiếp anh Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1999) quê ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện) đón năm mới xa nhà.
Với anh Thắng, đời thủy thủ phải chấp nhận xa gia đình nhưng vào những ngày Tết nỗi nhớ gia đình càng da diết. Tết năm ngoái, lần đầu tiên anh ăn Tết xa. Suốt mấy ngày Tết, khi không làm việc, người thủy thủ trẻ chỉ ngồi một góc để gọi điện về nói chuyện với bố mẹ.
“Năm nay, trên tàu có một số anh em cùng quê Hải Dương và ở nhiều nơi khác cùng nhau trang trí bàn thờ Tết từ ngày ông Công, ông Táo để có không khí xuân đón năm mới. Anh em trên tàu coi nhau như nguời thân, thường xuyên chia sẻ những câu chuyện ở quê để động viên nhau cũng khiến em phần nào vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình”, anh Thắng cho biết.
Năm nay, anh Nguyễn Văn Ba (sinh năm 1982) quê ở xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) ăn Tết trên tàu viễn dương đang lênh đênh trên biển ở Philippines.
Trong 7 năm đi biển, anh Ba đã có 6 năm đón Tết cùng đồng nghiệp trên tàu. Với kinh nghiệm từng ấy năm đón Tết trên tàu, anh đã quen với nỗi nhớ nhà. Anh Ba cho biết những ngày cuối năm cũ anh em trên tàu cũng tổ chức gói bánh cho có không khí Tết. “Vì chạy tuyến Đông Nam Á nên rời Việt Nam vào dịp cuối năm, tôi đến chợ Hội Đô, TP Hải Dương mua nhiều lá rong, giò, chả để mang lên tàu nên anh em vui lắm. Ai cũng trổ tài gói bánh sao cho đẹp, rồi cùng nhau trông nồi bánh chưng như ở trên bờ ”, anh Ba chia sẻ.
Dù có khác múi giờ, đến thời điểm giao thừa, buồng lái canh đúng thời gian sang canh ở quê nhà Việt Nam để bấm mấy hồi còi báo hiệu thời khắc đón năm mới. Lúc này, các thuyền viên trên tàu sẽ tập hợp để đại diện công ty tặng quà, lì xì và chúc nhau trong thời khắc thiêng liêng. Còn trong những ngày Tết, tùy vào công việc, nếu sắp xếp được thì anh em trên tàu được nghỉ 1-2 ngày để tổ chức tiệc liên hoan.
Vì tương lai
Anh Phạm Thanh Bính (sinh năm 1986) quê ở xã Quyết Thắng (TP Hải Dương) đã có 17 năm trong nghề đi tàu biển. Anh Bính cho biết, phần lớn trên tàu viễn dương, các thủy thủ, người lao động đều có quốc tịch châu Á nên công ty, thuyền trưởng đều tổ chức đón các ngày lễ lớn của mỗi nước.
Trên tàu, dù mỗi người đến từ những quốc gia khác nhau, hay từng tỉnh trên mảnh đất hình chữ “S” nhưng khi lên tàu, ngày Tết là ngày vui của tất cả mọi người.
“Ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ, cờ của các quốc gia đều được treo lên sau mâm ngũ quả. Mâm cỗ có đầy đủ các thức ăn cúng trời đất, thần biển mong một năm mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng. Sau những cái chạm ly chúc mừng năm mới, mong một năm công việc thật thuận lợi để có thu nhập tốt nuôi gia đình”, anh Bính tâm sự.
Với 15 năm làm việc trên tàu viễn dương, 10 lần ăn Tết xa nhà, anh Hoàng Văn Thạch (sinh năm 1986) quê ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) cho rằng nghề thủy thủ đi tàu viễn dương lênh đênh trên biển phải hy sinh rất nhiều. Có lẽ không lúc nào buồn bằng những ngày Tết. Nếu không có sóng, anh em chỉ biết ngồi xem điện thoại, mở album ảnh gia đình ra ngắm. Tết trên biển dù buồn nhưng anh em đều tự động viên nhau cố gắng, chỉ vài tháng nữa thôi hết chuyến là sẽ được về với gia đình…
Vợ anh Nguyễn Văn Ba là chị Vũ Thị Lan ở xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) đón Tết cùng 3 con nhỏ khi chồng vắng nhà. Chị cho biết đến ngày Tết, khi người người nô nức về quê thì anh Ba lại phải rời tàu đi làm càng thấy mủi lòng. "Thay chồng lo cho các con đón Tết được đủ đầy, những ngày Tết lại gọi cho bố để kể hôm nay đi chúc Tết nhà ai, có câu chuyện gì mới, các bé được lì xì... Bây giờ có thể gọi video nên cũng vơi bớt nỗi nhớ chồng đi phần nào. Ở xa nên 4 mẹ con chỉ biết động viên bố vượt qua khó khăn, vất vả, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để sớm về nhà", chị Lan chia sẻ.
Một số thuyền viên cho biết các địa phương ở Hải Dương như Kinh Môn, Kim Thành, Tứ Kỳ có nhiều người làm việc trên tàu viễn dương.
Cuộc sống thoát ly xa nhà, lênh đênh giữa trùng khơi đầy bão tố để tìm kiếm cơ hội thay đổi số phận, kiếm tiền lo cho gia đình. Dù có thu nhập tương đối cao, từ 40-60 triệu đồng/người/tháng, những thuyền viên người Hải Dương chấp nhận đánh đổi cuộc sống xa nhà, thậm chí cả tính mạng để có tiền lo cho gia đình hạnh phúc, con cái được học hành.
Trò chuyện cùng các anh thuyền viên quê Hải Dương qua điện thoại trong ngày Tết, tôi được các anh nhắn gửi những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất về người thân, bạn bè ở Hải Dương. Các anh cho biết dù nhớ nhà, nhớ quê nhưng sẽ luôn hoàn thành tốt công việc, đưa con tàu an toàn trên mọi hành trình…