Tên lửa phòng không HQ-22 Trung Quốc phối hợp cùng hệ thống tác chiến điện tử Repellent Nga

Quân đội Serbia đã nhận tên lửa phòng không HQ-22 và hệ thống tác chiến điện tử Repellent để bảo vệ bầu trời.

Hệ thống tác chiến điện tử Repellent của Nga và tổ hợp tên lửa phòng không HQ-22 do Trung Quốc chế tạo (phiên bản xuất khẩu có tên FK-3) đã được chuyển giao cho Serbia, Tổng thống Aleksandar Vucic cho biết.

Như vậy Belgrade tiếp tục quá trình tái trang bị cho lực lượng vũ trang nước này bằng vũ khí tối tân từ Nga và Trung Quốc, bất chấp một số tiếng nói từ phương Tây cảnh báo hành động trên sẽ khiến Serbia khó gia nhập EU.

Tổng thống Serbia Vucic đã hứa với người dân sẽ chứng minh khả năng vượt trội của những loại vũ khí - khí tài quân sự mới nhập khẩu nói trên trong cuộc duyệt binh diễn ra vào ngày 15/2/2024 tại thành phố Nis.

Ông Vucic khẳng định hệ thống tác chiến điện tử Repellent của Nga được thiết kế để chống lại máy bay không người lái, trong khi đó tổ hợp phòng không tầm trung - xa HQ-22/FK-3 do Trung Quốc chế tạo sẽ đánh chặn những mục tiêu phức tạp và nguy hiểm.

Tổng thống Vucic nhấn mạnh, việc trang bị cho Quân đội Serbia những vũ khí ưu việt từ Liên bang Nga và Trung Quốc là một lựa chọn khó khăn vì chúng có giá thành cao, nhưng hành động trên là cần thiết.

Ông Vucic đã nói về tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ, đồng thời chỉ ra sự cần thiết phải hiện đại hóa Quân đội Serbia thông qua việc trang bị vũ khí mới, cũng như tầm quan trọng của tổ hợp công nghiệp quốc phòng nội địa.

Bên cạnh tổ hợp Repellent, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung - xa HQ-22 là một trong những vũ khí thu hút nhiều sự chú ý nhất của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Tổ hợp HQ-22 theo giới thiệu chính là phiên bản rẻ tiền, có nhiệm vụ hỗ trợ cho HQ-9B chuyên đánh tầm xa trong đội hình tác chiến hỗn hợp theo mô hình cao - thấp thường thấy, đảm bảo lấp kín mọi nguy cơ tạo ra khoảng trống chiến thuật trong thế trận phòng không.

HQ-22 có tầm bắn 5 - 100 km, độ cao tác chiến 50 - 27.000 m. Đạn tên lửa được phóng đi theo phương nghiêng chứ không phải chiều thẳng đứng, sử dụng hệ dẫn đường kết hợp theo sóng radio của đài điều khiển và radar bán chủ động với khả năng chống chế áp điện tử cao.

Mỗi tổ hợp HQ-22 được trang bị 1 đài radar điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn tối đa 12 mục tiêu cùng lúc, nó tiêu diệt được máy bay cánh cố định, trực thăng, tên lửa hành trình, phi cơ không người lái và một số mục tiêu đường không khác.

Đáng chú ý hơn, ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, ngay từ khi ra mắt, Trung Quốc đã không giấu diếm tham vọng sẽ xuất khẩu HQ-22 ra thị trường vũ khí thế giới, đây rõ ràng là một sản phẩm có tính cạnh tranh rất cao.

Đối thủ chính mà HQ-22 nhắm tới có lẽ là tổ hợp Buk-M3 do Nga sản xuất, đây cũng là một phương tiện nhằm lấp kín khoảng trống giữa S-300/400 với những hệ thống phòng không tầm ngắn hơn.

Tuy nhiên so với HQ-22 thì dễ dàng nhận thấy tầm bắn của đạn tên lửa 9M317ME trang bị cho Buk-M3 ngắn hơn đáng kể trong khi kích thước khá cồng kềnh, thiết bị điện tử của nó cũng bị nhận xét là "bình mới rượu cũ" so với người đàn anh Buk-M2, chưa có sự đột phá về chất.

Hiện tại Quân đội Serbia đã nhận đủ 3 tổ hợp phòng không HQ-22/FK-3 từ Trung Quốc và số lượng chưa rõ hệ thống Repellent từ Nga - chúng được đưa tới Belgrade bằng máy bay vận tải Il-76 của Ai Cập bởi phi cơ Nga không thể vào bầu trời châu Âu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ten-lua-phong-khong-hq-22-trung-quoc-phoi-hop-cung-he-thong-tac-chien-dien-tu-repellent-nga-post566371.antd